Chặn biến tướng tín dụng đen
Thời gian gần đây, Công an TPHCM liên tục tiếp nhận, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tín dụng đen trên địa bàn thành phố. Không chỉ hoạt động dưới vỏ bọc cho vay nặng lãi, siết nợ, một số ổ nhóm tội phạm tín dụng đen còn có các hành vi đe dọa đến tính mạng, gây sức ép tâm lý để chiếm đoạt tài sản một cách bất hợp pháp của các nạn nhân, gây ra nhiều hệ lụy xã hội.
Chị N.H.Y. (37 tuổi, trú khu phố 4, phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức) là một nạn nhân của nhóm tín dụng đen, dưới danh nghĩa vỏ bọc là công ty tài chính có chi nhánh tại tầng 4, cao ốc H3 (số 384 Hoàng Diệu, phường 6, quận 4). Vào cuối tháng 4/2022 khi có nhu cầu vay tiêu dùng, chị Y. tìm hiểu, được biết công ty này có hoạt động cho vay, với lãi suất từ từ 4,58%/tháng, dưới hình thức trả góp hàng tháng. “Tôi chỉ có nhu cầu vay từ 40-50 triệu đồng để trang trải chi tiêu gia đình, đồng thời khi được giới thiệu mức “lãi ngoài” không quá cao, đã quyết định vay từ công ty này” - chị Y. cho biết. Tuy nhiên, kể từ thời điểm tháng 8-9/2022 chị Y. được nhiều người thân phản ánh có nhân viên tự xưng từ công ty cho vay tiêu dùng gọi điện, tư vấn, spam tin nhắn, gợi ý vay tiêu dùng, gây nhiều phiền toái. Nhận thấy bất ổn, chị Y. tìm hiểu thông tin về công ty, mới tá hỏa phát hiện đây là một địa chỉ tín dụng đen đang bị điều tra truy quét.
Theo Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng - Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TPHCM, qua tiếp nhận nhiều phản ánh từ nạn nhân của “tín dụng đen”, các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố đã tiến hành kiểm tra hành chính Văn phòng Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset có đăng ký hoạt động tại cao ốc H3, đường Hoàng Diệu (quận 4, TPHCM). Qua quá trình điều tra, phát hiện nhiều dấu hiệu hình sự của hoạt động tội phạm tín dụng đen, thậm chí nhiều nhân viên công ty có hành vi gọi điện, nhắn tin đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy để gửi cho người thân, đồng nghiệp của nạn nhân, hòng gây sức ép trả nợ. Quá trình đấu tranh, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam đối với 13 đối tượng liên quan đến vụ việc kể trên.
Khác với hình thức cho vay tiêu dùng như vụ việc trên, nhiều nạn nhân của tín dụng đen đã phản ánh với Báo Đại Đoàn Kết về tình trạng một số công ty núp dưới vỏ bọc huy động vốn, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người góp vốn, hoặc cố tình dây dưa, kéo dài thời gian chi trả tiền, gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý và thể chất của những nạn nhân. Trong đơn tố giác tội phạm gửi Công an TPHCM và các cơ quan chức năng, bà T.T.M.S. (SN 1948, trú phường Đa Kao, quận 1, TPHCM) và ông T.T. cho biết, được một công ty có trụ sở tại đường Hoàng Diệu (phường 6, quận 4, TPHCM) giới thiệu đang huy động vốn thông qua hợp tác đầu tư với lãi suất từ 1%/tháng trở lên, tương ứng với từng gói vốn góp. Bà M.S. và ông T.T. đã quyết định tham gia. “Từ tháng 9/2022 đến nay đã quá hạn một thời gian dài nhưng phía công ty kể trên vẫn chưa trả phần vốn số tiền góp vốn cá nhân của tôi, cũng như chưa trả đúng phần lãi suất đã cam kết với khách hàng” - bà M.S. phân trần.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Phòng Tham mưu, Công an TPHCM, kể từ giai đoạn hậu Covid-19 cho đến nay, Công an thành phố đã tổ chức truy quét nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm cho vay tín chấp theo kiểu tín dụng đen núp bóng các công ty tài chính hoặc tổ chức hoạt động cho vay trên mạng qua các ứng dụng (App) hoạt động phức tạp, biến tướng dưới nhiều hình thức.
Chỉ qua một thời gian ngắn, Công an TPHCM đã thống kê có hơn 200 App cho vay trực tuyến do người nước ngoài cầm đầu, hoạt động có sự liên kết chặt chẽ với một số đối tượng trong nước. Đa số các vụ việc đều dưới vỏ bọc công ty tài chính, góp vốn lãi cao hoặc cho vay tiêu dùng với thủ tục đơn giản nhưng phương thức đòi nợ rất khủng bố, không riêng người vay, họ khủng bố cả người thân, người quen gây tâm lý hoang mang cho nhiều người và bức xúc trong xã hội.