Lãi suất từng bước hạ nhiệt

H.Hương 17/02/2023 07:01

Lãi suất huy động tại các ngân hàng tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm. Một số ngân hàng cũng đã điều chỉnh lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng thương mại cho biết, đã thống nhất thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đồng thuận giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng bắt đầu hạ nhiệt.

Ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, các ngân hàng thương mại rất muốn giảm thêm lãi suất tiết kiệm, từ đó có dư địa giảm lãi suất cho vay, nhưng giảm bao nhiêu phải tính toán kỹ trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa tiếp tục tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Trong nước, áp lực lạm phát tăng trong bối cảnh giá xăng, giá điện và nhiều chi phí tiêu dùng khác tăng cao.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước chưa bao giờ nâng lãi suất huy động "kịch khung". Trong khi đó, các ngân hàng thương mại đã thống nhất với nhau, sẽ triệt để thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đồng thuận giảm thêm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường.

Một số ngân hàng cũng đã bắt đầu giảm lãi suất huy động. Chẳng hạn như tại chi nhánh ngân hàng Techcombank, lãi suất tiết kiệm được niêm yết ở mức tối đa chỉ còn 9%/năm, thay vì 9,2%/năm trong tuần trước và giảm 0,5 điểm % so với trước Tết Nguyên đán. Hay như tại một chi nhánh ngân hàng ABBank, với khoản gửi tiết kiệm thông thường tại quầy lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 8,7%/năm, thay vì 9%/năm.

NCB là một trong những ngân hàng luôn có mức lãi suất hấp dẫn nhất trên thị trường thì nay cũng đã hạ lãi suất huy động cao nhất từ mức 9,35% xuống còn 9,25%/năm...

Hóa giải các áp lực

Giới chuyên gia nhận định, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đang từng bước kiểm soát những khó khăn về lãi suất, tín dụng... Do đó, những áp lực từ hệ thống ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp đã từng bước được kiềm chế, nên vấn đề của lãi suất, tín dụng sẽ được tháo gỡ trong năm 2023 này.

Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa, hiện nay, chính sách tiền tệ vẫn đóng vai trò khá lớn trong ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách tiền tệ liên quan trực tiếp đến sản xuất nội địa, đặc biệt các doanh nghiệp dựa chủ yếu vào vốn vay để sản xuất, kinh doanh. Do đó, chính sách tiền tệ, áp lực lạm phát, tỷ giá trong năm nay không đáng lo bằng vấn đề lãi suất.

Lãi suất tại Việt Nam tăng lên như trong thời gian qua không phải do lạm phát hay hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng mà vấn đề nằm ở cung tiền bị giảm đi. Năm 2022, cung tiền của chúng ta chỉ tăng hơn 7% trong khi tăng trưởng GDP theo giá hiện hành (GDP danh nghĩa) ước tăng 11,2%. Lượng tiền năm 2022 bơm ra nền kinh tế không được như năm 2021 nên có thể gây khó khăn cho năm 2023. “Muốn kéo giảm lãi suất thì cung tiền phải tăng lên, còn room tín dụng chỉ là biện pháp hành chính để chúng ta khống chế tăng trưởng tín dụng của NHNN trên nền tảng cung tiền cố định” - ông Nghĩa nhận định.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, mặt bằng lãi suất không thể neo cao như hiện nay. Mục tiêu của Chính phủ và NHNN trong năm tới về chính sách tiền tệ nên đi theo hướng giảm lãi suất. “Theo tôi, lãi suất huy động thực chỉ khoảng 2-3% là phù hợp. Có nghĩa nếu lạm phát 4% thì lãi suất huy động chỉ 6-7%/năm là hợp lý, khi đó lãi suất cho vay sẽ hạ nhiệt” – ông Nghĩa nêu quan điểm.

H.Hương