Ngành gỗ quay về thị trường nội
Năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam ước đạt gần 17 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2021. Tuy nhiên, năm 2023, theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, để ngành gỗ đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 2,5%, đạt 17,5 tỷ USD không hề đơn giản.
Nguyên nhân là do trong khi mảng chế biến sâu (tức đồ nội thất) suy giảm do lạm phát, suy thoái, thắt chặt chi tiêu ở các thị trường chính như châu Âu, Mỹ.
Tương tự, mặt hàng gỗ dán cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng vì không có đơn hàng. Theo Chi hội Gỗ dán Việt Nam, thị trường xuất khẩu gỗ dán tại Việt Nam đã “bắt đáy” từ cuối quý III/2022 và đã kéo dài 4 tháng qua. Khả năng phục hồi thị trường xuất khẩu gỗ dán trong năm 2023 sẽ tùy thuộc vào những thay đổi của tình hình kinh tế thế giới, phân khúc thị trường, phân khúc sản phẩm.
Lạm phát tăng cao, niềm tin tiêu dùng thấp khiến hai thị trường xuất khẩu gỗ dán chính của Việt Nam là Hoa Kỳ và Hàn Quốc giảm nhập khẩu, ông Vũ Quang Huy - Chi hội trưởng Chi hội Gỗ dán Việt Nam cho biết.
Bên cạnh yếu tố thị trường, nhiều năm liền ngành chế biến xuất khẩu gỗ Việt Nam tăng trưởng cao ở mức hai con số, nhưng chính vì thuận lợi đó khiến hầu hết doanh nghiệp (DN) trong ngành chỉ tập trung vào khâu sản xuất, xây dựng nhiều nhà máy lớn mà thiếu quan tâm cho việc xúc tiến thương mại, kết nối chặt chẽ với các thị trường. Điểm yếu này khiến các DN gỗ Việt Nam bị động khi nhu cầu thị trường suy giảm, minh chứng là từ nửa cuối năm 2022 đến nay, khi lạm phát lan rộng, đơn hàng xuất khẩu của các DN Việt giảm mạnh trong khi các DN FDI khác trong ngành vẫn sản xuất đều.
Vì vậy, muốn phát triển bền vững, các DN, hiệp hội phải liên kết và đầu tư đúng mức cho việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, cập nhật thông tin, năng lực cung ứng đến khách hàng quốc tế. Bà Lê Hải Liễu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành cho biết, những năm trước, thị trường nội địa chưa phải là thị trường chính của DN. Tuy nhiên, thời gian gần đây, DN này đã chọn hướng quay lại thị trường nội địa khi tình hình xuất khẩu gặp khó khăn. Nếu như những năm trước, tỉ trọng xuất khẩu của Gỗ Đức Thành thường chiếm khoảng 85-86%, thậm chí có lúc 88% so với tổng doanh thu tại công ty, thì bây giờ DN đặt ra mục tiêu là năm 2023 tới, tỉ trọng nội địa sẽ tăng trên 20%.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, với quy mô 100 triệu dân thì thị trường nội địa cũng là “miếng bánh” hấp dẫn để các DN khai thác, nhất là trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu. Tuy nhiên, việc khai thác tốt thị trường, quay trở lại sân nhà đối với nhiều DN không phải dễ dàng. Điều này đòi hỏi sự năng động của các đơn vị trong việc tìm thị trường tiêu thụ trong nước hoặc tìm ra ngách của thị trường nội địa, có dòng sản phẩm riêng phù hợp với xu thế tiêu dùng của người Việt Nam.
Bên cạnh đó Nhà nước cần tạo thêm cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN. Theo đó, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với khách hàng. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ thủ tục, mặt bằng, hỗ trợ vào các chương trình bình ổn giá, cũng như giúp vay vốn với lãi suất ưu đãi khi tham gia các chương trình...
Ngành gỗ dự báo những tháng đầu năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn, dự tính phải hết quý II mới có thể phục hồi sản xuất khoảng 85% và kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng từ 7 - 9%, tương đương 18 tỉ USD trở lên.