Gia tăng tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập của doanh nghiệp và người lao động. Đặc biệt tình trạng chậm đóng BHXH gia tăng khó đòi ở các doanh nghiệp lên tới 4.000 tỷ đồng.
Gia tăng nợ bảo hiểm xã hội
Thống kê của BHXH Việt Nam cho biết, tính đến hết tháng 1, số tiền chậm đóng phải tính lãi lên tới 14.089 tỷ đồng. Trong số này, số tiền các đơn vị chậm đóng từ 1-3 tháng là 220 tỷ đồng; số tiền các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên là 8.888 tỷ đồng; số tiền các đơn vị khó thu (đơn vị phá sản, đơn vị giải thể, đơn vị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị chủ bỏ trốn) là 4.048 tỷ đồng.
Với số tiền chậm đóng lên tới 3.661 tỷ đồng Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số tiền chậm đóng BHXH. Lý giải, đại diện BHXH thành phố Hà Nội cho biết, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng đơn vị, doanh nghiệp (DN) chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn cao là do dịch Covid-19, lạm phát… làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều DN chưa cân đối được nguồn tiền để đóng BHXH cho người lao động. Mặt khác, một số đơn vị, DN chưa chấp hành nghiêm quy định, cố tình chậm đóng, trốn đóng hoặc đóng BHXH không đúng quy định.
Đánh giá về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN thời gian qua, ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý thu, sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), cho biết năm 2022, tại nhiều DN đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh, việc làm, thu nhập của DN và người lao động. Bên cạnh đó, do hậu quả của đại dịch Covid-19, đời sống của nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đã tác động mạnh đến công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT của ngành.
Theo BHXH Việt Nam việc chậm đóng BHXH đang xảy ra ở tất cả loại hình DN còn do cố tình chây ì, dùng tiền cho hoạt động kinh doanh khác thay vì đóng BHXH.
Tăng biện pháp xử lý
Trước đó đầu tháng 2, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Chính phủ sớm báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội phương án giải quyết cho hơn 206.000 lao động bị "treo" quyền lợi vì doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH. Họ là lao động trong gần 30.000 DN phá sản, giải thể, chủ DN bỏ trốn, nợ đọng nhiều năm với số nợ BHXH khoảng 3.500 tỷ đồng (đến tháng 9/2022) và hầu như không thể thu hồi. Giao thông vận tải và xây dựng là hai ngành có nhiều DN nợ lương, bảo hiểm, theo thống kê của công đoàn. Các tổng công ty ngành giao thông vận tải nợ gần 205 tỷ đồng tiền lương và 750 tỷ đồng đóng BHXH; DN xây dựng nợ 269 tỷ tiền lương và 435 tỷ đóng BHXH.
Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, trong năm 2023, ngành BHXH sẽ tổ chức linh hoạt về hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với các DN chưa đăng ký đóng, đóng BHXH, BHYT, BHTN không đầy đủ; DN chậm đóng từ 3 tháng trở lên.
Ông Mạnh cho biết, có tình trạng DN thường né tránh cán bộ Bảo hiểm xã hội nhưng mang tiền nộp ngay khi có công an cùng thanh kiểm tra. Nhiều đơn vị phân bua "chưa kịp đóng chứ không phải cố tình chậm hay trốn". Chính vì vậy, đối với những DN cố tình trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN sẽ kịp thời lập hồ sơ đề nghị khởi tố theo quy định tại điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015; đồng thời, kiên quyết xử phạt đối với các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế; Sở Kế hoạch - Đầu tư và các ngành liên quan nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động của các DN, việc sử dụng lao động, chi trả tiền lương và các khoản bổ sung khác để hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra yêu cầu đơn vị đăng ký tham gia, nộp đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.
Tính đến hết tháng 1/2023 cả nước có gần 17,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ bao phủ là 37,4% lực lượng lao động trong độ tuổi (tăng 648.000 người so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có trên 15,8 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022), trên 1,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2022).