Người bị Covid-19 dễ mắc bệnh lao
Từ sau quý I năm 2022 đến nay, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, số ca mắc lao mới được phát hiện trong nước đã gia tăng. Đáng lưu ý, một số báo cáo cho biết, người đã mắc Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh lao cao hơn.
Căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố, lao là căn bệnh truyền nhiễm hàng đầu trên thế giới. Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng với khoảng 1,3 triệu người tử vong.
Theo Bộ Y tế, mỗi năm, Việt Nam vẫn ghi nhận hàng nghìn trường hợp mắc lao mới, thậm chí có nhiều đối tượng mắc lao chưa được phát hiện và đang tiếp tục lây truyền bệnh trong cộng đồng. PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - nguyên Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, dù đã xuất hiện từ rất lâu nhưng mỗi năm lao vẫn gây tử vong cho gần 2 triệu người trên thế giới và nguyên nhân chính là do vi khuẩn lao. Ở Việt Nam, đến nay mỗi ngày vẫn có 46 - 50 người chết do lao.
Thống kê của Chương trình Chống lao quốc gia cũng cho thấy, hằng năm, Việt Nam phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Đây là điều đáng lo ngại, bởi những người mắc lao chưa được phát hiện sẽ là nguồn lây lan bệnh ra cộng đồng.
Bệnh nhân N.T.T. (Hà Nội) đang điều trị tại BV Phổi Trung ương cho biết, đã rất bất ngờ khi nhận chẩn đoán mắc lao sau một lần khám sức khỏe định kỳ. Theo đó, anh T. phát hiện mắc lao phổi từ cuối tháng 10/2021 - thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và đến nay đã được điều trị khỏi tại BV Phổi Trung ương. Trước đó, anh T. cho biết không hề có biểu hiện gì của bệnh.
TS.BS Nguyễn Kim Cương - Trưởng khoa Lao hô hấp, BV Phổi Trung ương, cho biết: Bệnh lao được gây ra bởi loài vi khuẩn tên là Mycobacterium tuberculosis. Lao thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm lây từ người này sang người khác qua không khí. Khi bệnh nhân lao ho, hắt hơi hay khạc nhổ sẽ làm vi khuẩn bay vào không khí. Nếu người khỏe mạnh bình thường vô tình hít phải một vài vi khuẩn sẽ có khả năng cao bị nhiễm bệnh. Cơ quan mà vi khuẩn lao tấn công không chỉ có phổi mà còn ở đường máu hay hạch bạch huyết và các bộ phận khác như thận, cột sống, não,… Nếu bệnh nhân lao không được phát hiện và chữa trị sớm có thể dẫn đến tử vong. Nhắc đến lao, chúng ta thường nghĩ ngay đến ho và bệnh lao phổi. Thực tế, lao phổi vẫn chiếm 3/4 số ca mắc và đây là nguồn lây. Còn lại 1/4 số ca mắc bệnh lao là lao ngoài phổi. Nghĩa là bất kỳ cơ quan nào ngoài phổi cũng có thể bị lao, trừ răng và tóc. Lao là bệnh truyền nhiễm lây qua đường không khí, do vậy mức độ lây lan rất cao. Ngoài ra đã có những báo cáo, có những kết quả cho thấy, những người đã mắc Covid-19 thì nguy cơ mắc bệnh về hô hấp, bệnh lao tăng cao hơn.
Cần phát hiện sớm
Theo các bác sĩ, bệnh lao được coi như “sát thủ thầm lặng” và là gánh nặng rất lớn khi có tỷ lệ tử vong cao, thậm chí con số này cao gấp đôi tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông.
PGS.TS Nguyễn Bình Hòa - Phó trưởng Ban Điều hành Chương trình chống lao quốc gia, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, việc phát hiện bệnh nhân mắc lao còn gặp nhiều khó khăn khi có đến 50% bệnh nhân được phát hiện không có triệu chứng. Do vậy, để phát hiện ca mắc cần kết hợp cả 3 phương pháp phát hiện chủ động - y tế đến với người dân; phát hiện tích cực - tại các cơ sở y tế và cộng đồng; và phát hiện thường quy - người dân đến khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế.
Hiện tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Bệnh lao được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
TS.BS Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, theo báo cáo của Chương trình chống lao quốc gia, những năm qua công tác phát hiện nguồn lây vẫn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, hiểu biết của người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.