Dệt may nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu

DUY KHANG 19/02/2023 08:53

Xác định nguồn nhân lực là yếu tố sống còn, thời gian qua các doanh nghiệp ngành dệt may đã chủ động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nhằm giữ chân người lao động. Theo các doanh nghiệp ngành may, chỉ khi người lao động gắn bó dài lâu, doanh nghiệp mới phát triển ổn định.

Doanh nghiệp ngành may chuẩn bị tâm thế để bứt phá, hướng đến kim ngạch xuất khẩu 45 -47 tỷ USD trong năm nay. Ảnh: Quang Vinh.

Để người lao động gắn bó dài lâu

Năm 2023, ngành dệt may hướng đến kim ngạch xuất khẩu đạt 45 - 47 tỷ USD. Đây là một con số khá thách thức trong bối cảnh ngành dệt may đang đối diện với nhiều khó khăn, rào cản đến từ thị trường thế giới cũng như trong nước. Số lượng đơn hàng vẫn èo uột do nhu cầu giảm, cùng với đó là tình trạng thiếu nhân lực đang đặt ra bài toán khó cho các doanh nghiệp (DN) ngành may mặc. Và để giải được bài toán này, ngành may cần phải có những chiến lược mạnh, đột phá mới có thể vượt qua được những khó khăn thách thức phía trước.

Trong quý IV/2022, tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài tại nhiều DN, trong khi đơn giá cũng sụt giảm. Chưa hết, khách hàng đặt hàng tại các DN đưa ra mức giá chỉ bằng 30 - 40% mức giá thông thường. Trừ một số DN có khách hàng truyền thống lâu dài thì DN nhỏ và vừa vẫn phải khá chật vật mới có thể duy trì sản xuất.

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, ngay từ những tháng đầu năm, các DN dệt may đã khởi động đầy quyết tâm. Theo chia sẻ của nhiều DN, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, công nhân, người lao động đã trở lại làm việc 100%. Các DN cũng bắt tay ngay vào tuyển dụng thêm nhân lực chất lượng cao với mục đích đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng, năng suất nhằm đáp ứng các đơn hàng cao cấp từ phía đối tác.

Đáng chú ý, thời gian qua, tình hình thị trường lao động khá khó khăn, những DN có đông lực lượng lao động “nhảy việc” nhiều. Trong khi, để có thể giữ ổn định sản xuất, các DN phải hết sức nỗ lực để giữ chân người lao động. “Nguồn nhân lực là yếu tố sống còn để có thể đảm bảo DN tồn tại và phát triển bền vững. Do đó, làm sao để có thể đảm bảo duy trì lượng lao động ổn định, có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu mới là vấn đề các DN dệt may phải “nằm lòng” thời điểm này” - đại diện một DN ngành may chia sẻ. Chính bởi vậy, theo vị này, các DN trong ngành dệt may luôn coi trọng việc thực hiện các chính sách quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Tổng Công ty May 10 là một trong những DN đã và đang có nhiều chính sách chăm sóc người lao động để công nhân các DN luôn cảm thấy yên tâm, muốn quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết. Theo đó, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên đang làm việc tại công ty ở Hà Nội về quê ăn tết và trở lại làm việc một cách thuận lợi, ngay trong tháng 1, Ban chấp hành Công đoàn May 10 đã tổ chức chuyến xe đưa và đón cán bộ nhân viên. Tổng số 159 nhân viên cùng những người thân trong gia đình được 4 chuyến xe nghĩa tình của May 10 đưa về quê đón tết và trở lại Tổng Công ty làm việc.

Sự quan tâm, chăm sóc này tạo tâm lý phấn khởi, yên tâm cho người lao động. Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 12.000 lao động của công ty May 10 đã sớm trở lại guồng quay sản xuất, hướng đến con số doanh thu 4.500 tỷ đồng.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 không phủ nhận năm 2022 May 10 cũng như nhiều DN may mặc khác đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là số lượng đơn hàng sụt giảm, người lao động bị giảm giờ làm. Tuy nhiên, xác định rõ mục tiêu hướng đến của năm nay, đặc biệt là cùng toàn ngành dệt may vươn tới con số xuất khẩu 45 - 47 tỷ USD, May 10 đã và đang nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp nhằm thu hút lao động có trình độ, tay nghề cao cũng như đẩy mạnh nghiên cứu thị trường; phát triển các dòng sản phẩm mới phù hợp với năng lực sản xuất, tay nghề người lao động...

Hiện nay, trụ sở chính của May 10 tại Hà Nội đang tuyển từ 600-700 lao động may cắt và gần 100 lao động trực gián tiếp; trong đó ưu tiên lao động có tay nghề cao. Tin vui là, tín hiệu từ các thị trường rất tích cực ngay từ đầu năm với việc DN nhận được nhiều đơn hàng.

Không riêng tại Tổng Công ty May 10, các DN dệt may lớn cũng đang có nhu cầu tuyển lao động để đáp ứng nhu cầu phục hồi được dự báo thời gian tới. Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên – CTCP (Hugaco) chia sẻ, trong thời gian qua, Hugaco và các đơn vị trong toàn hệ thống đã nỗ lực duy trì thu nhập bình quân cho người lao động xấp xỉ 12 triệu đồng/người/tháng, tại riêng Công ty mẹ, thu nhập bình quân của người lao động là trên 12 triệu đồng/người/tháng. Do đó, với thị trường lao động tương đối khốc liệt trong năm nay nhưng nhìn chung các đơn vị trong hệ thống của Hugaco vẫn duy trì ổn định, tăng trưởng tốt về quy mô.

Mục tiêu trong tầm tay

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho hay, các DN dệt may đang bước vào "cuộc đua" tuyển lao động, đặc biệt là những lao động có tay nghề cao, thiết kế tốt. Bởi hiện nay, các DN không chỉ nhận được các đơn hàng phổ thông, giá rẻ mà các đơn hàng cao cấp, yêu cầu phức tạp cũng được các đối tác chuyển sang Việt Nam, nhờ năng lực sản xuất, quản lý tốt.

Đánh giá cao sự đồng hành, chăm lo cho người lao động của hệ thống Công đoàn các cấp nhằm ổn định hơn 64.000 lao động cấp 1 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và 150.000 lao động toàn hệ thống, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu bày tỏ, Công đoàn các cấp và đoàn viên, người lao động sẽ tiếp tục phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của từng đơn vị nói riêng và Vinatex nói chung.

Theo các chuyên gia trong ngành, để đạt được kim ngạch xuất khẩu 45 - 47 tỷ USD, ngoài những biện pháp về chăm sóc tốt cho người lao động mà các DN đang thực hiện, thì các biện pháp đẩy mạnh “xanh hóa” ngành may cũng là yếu tố quan trọng. Bởi chỉ khi xanh hóa, ngành may mới có thể phát triển ổn định và bền vững. Nói về yếu tố này, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas cho biết, động lực để các nhãn hàng tìm đến thị trường Việt Nam là các chương trình phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số, kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam. Đây là giải pháp để thúc đẩy, giữ ổn định và phát triển tại Việt Nam; đặc biệt là sự khuyến khích DN dệt may phát triển bán hàng theo thiết kế, sáng tạo, giảm thiểu làm hàng gia công cho đối tác.

Giới chuyên gia kinh tế cũng nhận định, tình trạng thiếu đơn hàng chỉ là khó khăn trong ngắn hạn. Một khi các DN ngành may mặc đã ổn định được sản xuất, lực lượng lao động dồi dào, tay nghề cao, đồng thời đảm bảo được yếu tố “xanh hóa” để phát triển thân thiện với môi trường, bền vững, thì chắc chắn mục tiêu xuất khẩu 45 - 47 tỷ USD trong năm 2023 sẽ nằm trong tầm tay.

DUY KHANG