Tìm hướng phát triển xuất bản sách điện tử
Ngày 18/2, tại TPHCM, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) phối hợp với Sở TTTT TPHCM tổ chức hội thảo Giới thiệu các nền tảng số hỗ trợ cho xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử. Theo các chuyên gia, việc ứng dụng công nghệ số vào ngành xuất bản là việc làm cần thiết để chuyển đổi số hiệu quả. Theo đó, ngành cũng cần thay đổi cách tiếp cận mới để tăng lượng độc giả trong tương lai và đẩy mạnh phát triển xuất bản phẩm điện tử.
Hiện đã có 19/57 nhà xuất bản tham gia xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử, 13 doanh nghiệp phát hành tham gia phát hành xuất bản phẩm điện tử với các loại hình sản phẩm đa dạng. Dù vậy, thực tế cho thấy sự đầu tư, phát triển của thị trường xuất bản phẩm điện tử chưa có bứt phá, chưa theo kịp xu hướng phát triển của công nghệ, sự do dự trong đầu tư, phát triển quy trình, trong khi đó xuất bản nội dung số đang là một trong những lĩnh vực tiềm năng nhất hiện nay. Vì thế, có thể nói ngành xuất bản đang đứng trước nhiều thời cơ lớn và cả thách thức lớn. Nhận thấy sự do dự của nhiều đơn vị xuất bản, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành bày tỏ: Chuyển đổi số không chỉ là sự lựa chọn, đó là sự tồn tại.
Theo ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở TTTT TPHCM, tiềm năng và tốc độ phát triển xuất bản phẩm điện tử tại thành phố khá nhanh, thống kê năm 2022, tốc độ tăng trưởng xuất bản phẩm điện tử của TPHCM tăng 312% so với năm 2021, với 3.200 đầu sách, khoảng 4 triệu lượt người sử dụng xuất bản điện tử.
Từ kết quả này cho thấy, xu hướng chuyển đổi số trong ngành xuất bản và việc thay đổi thói quen đọc sách của người dân từ sách truyền thống sang sách điện tử đang diễn ra khá nhanh. Tuy nhiên, thực tế việc phát triển sách điện tử vẫn còn gặp khó khăn, rào cản do thiếu nhân lực và hạn chế về chính sách...
"Sắp tới, Sở sẽ tiếp tục đồng hành nhiều hơn với các công ty xuất bản, doanh nghiệp công nghệ để ứng dụng công nghệ số trong việc xuất bản sách điện tử theo đúng định hướng của Nhà nước và phù hợp với xu thế phát triển chung. Ngoài ra, Sở cũng sẽ tạo điều kiện cho các công ty công nghệ, nhà xuất bản giao lưu với nhau nhiều hơn trong các sự kiện lớn của thành phố để có những hợp tác cùng phát triển mảng sách điện tử. Về mặt kỹ thuật, Sở cam kết hỗ trợ đánh giá an toàn thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị muốn xây dựng hệ thống sách điện tử…" - ông Thắng thông tin.
Bên cạnh việc khuyến khích các đơn vị xuất bản có nhận thức nghiêm túc hơn trong việc chuyển đổi số, ông Nguyễn Nguyên cũng đặt ra nhiều yêu cầu cho các nền tảng công nghệ, trong đó bao gồm: bảo mật dữ liệu, tăng cường trải nghiệm, tiện ích cho bạn đọc; duy trì giá thành hợp lý...
Nhằm chuẩn bị thực thi kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành giai đoạn 2021-2025, tại hội thảo, một số giải pháp công nghệ đã được giới thiệu như VHMT, mạng xã hội nội bộ 4.0 cho ngành xuất bản... Đây được xem là những giải pháp công nghệ có thể giúp phát triển xuất bản điện tử theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại dựa trên công nghệ số.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ TTTT cho biết, việc phát triển các xuất bản phẩm điện tử hiện còn nhiều khó khăn, nguyên nhân liên quan đến vấn đề bản quyền, nhuật bút… Chưa kể cách tiếp cận của các nhà xuất bản với độc giả trên mạng còn hạn chế theo tư duy cũ, nghĩa là các nhà xuất bản vẫn còn tranh mua bản quyền và vẫn áp dụng số hóa theo cách truyền thống, chưa làm theo cái mới để thu hút độc giả, nhất là độc giả trẻ. Cái mới của sách điện tử hiện nay là cần phải hình thành thế hệ người viết mới, người viết này phục vụ cho độc giả đang dành nhiều thời gian vào việc dùng điện thoại đọc sách mỗi ngày. Đây cũng chính là hướng phát triển trong tương lai của ngành xuất bản phẩm điện tử.
"Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tạo ra tác động mạnh mẽ đối với tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xuất bản. Theo đó, thị trường xuất bản phẩm điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều hoạt động đa dạng. Tuy nhiên, thị trường xuất bản phẩm điện tử nhìn chung phát triển chưa xứng với tiềm năng. Để khai thác hiệu quả của công nghệ số, tăng lượng bạn đọc, ngành xuất bản cần tìm thêm nhiều độc giả, cụ thể là độc giả trong các kho khách hàng của ngành ngân hàng và viễn thông. Bởi hai nền tảng của ngành ngân hàng, viễn thông có nhiều khách hàng với nhu cầu đọc sách điện tử cao, nguồn khách hàng này cũng là những người trẻ và đang sử dụng rất nhiều app công nghệ thanh toán mới... Khi ngành xuất bản kết hợp với ngành ngân hàng, viễn thông còn giúp ngành xuất bản giảm bớt chi phí maketing và thúc đẩy việc thanh toán không dùng tiền mặt trong giới trẻ, từ đó gia tăng lượng khách hàng mới cho ngành xuất bản về lâu về dài…" - ông Nguyễn Thanh Lâm gợi mở.