Truyền bá mê tín dị đoan: Sẽ bị xử lý nghiêm
Thời gian qua rất nhiều trường hợp truyền bá mê tín dị đoan bị phát giác. Tệ nạn mê tín dị đoan gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của nhiều địa phương.
Xử phạt nhiều trường hợp
Mới đây, Công an thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với “cô đồng” Trương Thị Hương (38 tuổi, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn) về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Cơ quan công an xử phạt bà Trương Thị Hương 7,5 triệu đồng, đồng thời yêu cầu người này gỡ bỏ toàn bộ những clip có nội dung vi phạm đã đăng tải trên mạng xã hội.
Trước đó, "cô đồng" Hương gây bão trên các trang mạng xã hội với nhiều đoạn clip ghi lại hình ảnh người này đang hành nghề xem bói cho người khác qua hình thức bổ cau tại nhà riêng với câu “cửa miệng”: “Đúng nhận, sai cãi”. Hình ảnh trong clip cho thấy, có rất nhiều người đến nhờ “cô đồng” này xem bói. Thậm chí, có những người phải chờ nhiều ngày mới tới lượt. Các clip xem bói này đã gây xôn xao dư luận suốt một thời gian, thu hút hàng chục nghìn lượt xem.
Ngày 17/2, UBND xã Đông Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình đã xử phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng đối với bà Hoàng Thị Lựu (66 tuổi) vì lợi dụng gọi hồn để trục lợi. Tình trạng truyền bá mê tín dị đoan bằng hình thức áp vong gọi hồn vẫn diễn ra. Theo UBND xã Đông Quan, điện thờ nhà bà Lựu rộng hơn 10m2 và người dân trong xã không ai đến xem bói hay lễ bái gì tại đây, thay vào đó chủ yếu là những người ở nơi xa truyền tai nhau tìm đến.
Đây chỉ là những trường hợp điển hình được phát hiện, xử lý. Gần đây mạng xã hội cũng xuất hiện nhan nhản những người tự xưng là cô, cậu, thầy... nhận xem bói online có tính phí.
Chỉ cần lướt Facebook, TikTok, YouTube, Zalo…, người dùng có thể dễ dàng tìm thấy hàng loạt những trang xem bói online với số lượng người theo dõi rất đông. Đặc biệt, trong những ngày đầu năm mới, dịch vụ xem bói online càng nở rộ trên mạng xã hội cũng diễn ra phức tạp.
Tăng cường xử lý
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, mê tín dị đoan là hành vi khiến cho người nghe tin vào những điều không có thật hoặc nhằm đến những người đang mất phương hướng về cuộc sống, tình cảm, công việc. Người xem bói tự phán ra một số giả thuyết, bói dựa, hoàn toàn không có cơ sở thực tế. Khi người nghe cho rằng đúng thì đối tượng xem bói tìm mọi cách trục lợi bằng cách lừa tiền cúng lễ. Trường hợp nạn nhân không nộp tiền sẽ tìm cách đe dọa. Nạn nhân thường rất lo lắng, hoang mang và chấp nhận bỏ ra số tiền lớn để cúng lễ.
Thời gian đầu năm là thời điểm mà người dân sẽ rất quan tâm đến việc cúng bái, xem bói, cầu an, giải hạn vì thế đây là thời điểm mà nhiều đối tượng sẽ lợi dụng để hành nghề mê tín, dị đoan trục lợi. Hậu quả, nhiều người dân nhẹ dạ, cả tin đã bị các đối tượng trục lợi, lừa đảo với số tiền rất lớn lên đến vài chục triệu đồng, thậm chí có những người mất cả trăm triệu đồng để cúng bái giải hạn cho mình.
Mê tín dị đoan bị pháp luật nghiêm cấm hoạt động, hành nghề ở Việt Nam. Cụ thể theo tại Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định cấm cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc với mức xử phạt cao nhất về hành vi này lên đến 20 triệu đồng. Bên cạnh đó hoạt động mê tín dị đoan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm theo quy định tại điều 320 Bộ luật Hình sự mức xử phạt cao nhất lên đến 10 năm tù.
Còn theo Luật sư Lê Hoàng Phúc An - Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X, mỗi người nên phân biệt giữa mê tín và tín ngưỡng. Dù ranh giới này có mong manh nhưng nếu đủ tỉnh táo và hiểu biết thì chúng ta vẫn có thể thực hiện được.
Tuyên truyền bài trừ tệ nạn mê tín không phải là chuyện của riêng ai mà của cả cộng đồng. Nâng cao chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí, đời sống tinh thần cũng là cách triệt mọi đường sống của những tệ nạn mê tín dị đoan.
Để ngăn chặn, dẹp được nạn bói toán, mê tín, dị đoan hoặc các hình thức tương tự, các cơ quan nhà nước cần vào cuộc quyết liệt, rà soát các đối tượng hành nghề tại nhà, hành nghề trên mạng để có biện pháp xử phạt nghiêm. Nếu các đối tượng vẫn tiếp tục tái diễn, vi phạm thì cần thiết khởi tố hình sự để răn đe, phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này.
Đối với các kênh bói toán, mê tín, dị đoan online trên mạng xã hội cần xử lý, đóng cửa kênh vĩnh viễn. Ngoài ra, chúng ta cũng cần có các biện pháp tuyên truyền người dân về hậu quả của mê tín dị đoan. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần tỉnh táo, không nên tin vào những lời bói toán không có cơ sở. Nếu trường hợp bị lừa, ép mất tiền nên trình báo cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Luật sư Lê Hoàng Phúc An - Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X cho biết, theo quy định tại Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Khoản 19 Điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP thì: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi phục hồi phong tục, tập quán gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhân cách con người và truyền thống văn hóa Việt Nam. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.