Lạm phát giảm, giá thực phẩm vẫn tăng
Người tiêu dùng trên khắp thế giới sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho các mặt hàng thực phẩm trong năm nay so với năm 2022. Đây là thông tin do Reuters đưa ra trích dẫn báo cáo từ các nhà bán lẻ, công ty hàng tiêu dùng và nhà đầu tư, ngày 19/2.
Báo cáo chỉ ra rằng các cuộc đàm phán gay gắt về giá đã diễn ra giữa các nhà bán lẻ và các tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới trong hơn một năm nay, nhưng bất đồng thì vẫn còn đó. Tình hình trở nên tồi tệ hơn vào năm 2022, khi giá thực phẩm cơ bản tăng vọt đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh.
Dữ liệu của Công ty nghiên cứu Kantar cho thấy, người Anh đã trả thêm 16,7% cho thực phẩm trong 4 tuần tính đến ngày 18/2/2023, so với 28 ngày trước đó. Cùng kỳ, chỉ số thực phẩm của Mỹ, bao gồm các bữa ăn tại nhà, trong các quán cà phê và nhà hàng cũng đã tăng 10,4%.
Mark Schneider - Giám đốc điều hành “gã khổng lồ” thực phẩm Nestle nói với các phương tiện truyền thông rằng công ty này sẽ phải tăng giá các sản phẩm thực phẩm ngay trong tháng 3 này và không có gì chắc chắn để bảo đảm rằng họ sẽ không tăng giá ở những tháng tiếp theo. Trong khi đó, một nhà sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu khác là Unilever cũng dự kiến sẽ tăng giá một số sản phẩm trong năm 2023.
Tineke Frikkee - Giám đốc danh mục đầu tư tại Waverton Investment Management, cho biết: “Lần cuối cùng chúng tôi nghe tin từ Unilever, rõ ràng là họ muốn bán ít sản phẩm hơn với giá cao hơn, để giữ giá thấp hơn so với các công ty cùng ngành và giành thị phần”.
Còn nhà bán lẻ lớn nhất thế giới Walmart cảnh báo, nếu năm 2023 không kiềm chế được lạm phát thì việc thực phẩm tăng giá là “đương nhiên”.
Nhà phân tích Bruno Monteyne của Bernstein đã lấy ví dụ từ 3 quốc gia thuộc châu Á, châu Âu và Mỹ, để cho thấy giá thực phẩm sắp tới sẽ tiếp tục tăng, “điều khó hiểu khi lạm phát đã giảm nhẹ”.
Tại Israel, theo Monteyne, lạm phát của nước này đã ở mức cao nhất trong hơn 14 năm. Theo số liệu của Cục Thống kê trung ương Israel (CBS), tỷ lệ lạm phát hằng năm của nước này đã tăng lên 5,4% trong tháng 1/2023, mức cao nhất tính từ tháng 10/2008. Israel vẫn chưa thể ngăn được đà tăng lạm phát mặc dù Ngân hàng Trung ương nước này đã tăng lãi suất cơ bản từ 0,1% vào tháng 4/2022 lên 3,75% hiện nay. Theo giới phân tích, lãi suất cơ bản của Israel có thể sẽ tăng lần thứ 8 liên tiếp vào ngày 21/2.
Giáo sư kinh tế Omer Moav thuộc Đại học Warwick ở Anh và Đại học Reichman ở Israel cho rằng Israel khó có thể giữ được lạm phát tương đối thấp trong ngắn hạn. Vì thế, người dân sẽ phải trả chi phí sinh hoạt cao hơn, trong đó có thực phẩm dù rằng Israel đã là một cường quốc nông nghiệp với nhiều nông phẩm chất lượng cao.
Tại Italy, lạm phát kỷ lục ảnh hưởng đến mức sống của người dân. Số liệu do Cơ quan Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT) công bố cho thấy, trung bình người dân tại Italy đã phải trả thêm 4,6% số tiền cho mức giảm 0,8% hàng hóa. Trong đó, riêng giá lương thực đã vọt lên hơn 8%. Italy được cho là “thước đo giá cả sinh hoạt của EU”, vì thế cũng có thể nói châu Âu vẫn tiếp tục chìm trong cơn bão giá.
Còn tại Mỹ, giới chuyên gia tài chính cho biết thị trường hàng hóa đang “biến động một cách thận trọng”. Trên thị trường nông sản, giá đậu tương tiếp tục đà tăng đã dần thu hẹp. Tương tự, là ngô và lúa mì cũng tăng giá. Các chuyên gia kinh tế ở New York cho biết, tính từ ngày 1/1/2023 đến nay, giá thực phẩm chưa chế biến tăng giá 5%; trong khi thực phẩm đã chế biến tăng 6,1%.
“Nhìn chung nước Mỹ đã khống chế được lạm phát, từ 9,1% hồi tháng 6/2022 và nay là 6,2%. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn tiếp tục phải “móc hầu bao” cho các hàng hóa sinh hoạt, nhất là thực phẩm” - ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho biết.
Theo Wall Street Journal, tỷ lệ chi tiêu của người dân Mỹ cho từng mặt hàng có nhiều thay đổi. Người dân phải chi nhiều tiền hơn cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, trong khi những sản phẩm khác như xăng dầu hay đồ nội thất có tỷ lệ chi tiêu ít hơn. So với tháng 6 năm ngoái, hiện giá thực phẩm nói chung đã tăng khoảng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn nếu so với tháng 12/2021 thì giá đồ ăn trung bình tại các nhà hàng hay các quán cà phê đã tăng gần gấp đôi.
Tổng Giám đốc Tổ chức Nông- Lương thế giới của Liên hợp quốc (FAO), ông Qu Dongyu kêu gọi cần hỗ trợ mọi nỗ lực toàn cầu cải thiện tính bền vững của ngành nông nghiệp và hệ thống cung cấp lương thực - thực phẩm. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia tham gia thực hiện “hành động táo bạo” để cải thiện hệ thống nông nghiệp và lương thực toàn cầu. Một báo cáo của FAO cho biết, khoảng 770 triệu người, tương đương gần 10% dân số thế giới đang trong tình trạng thiếu đói và hơn 3 tỷ người không đủ khả năng để có một chế độ ăn uống lành mạnh. Trong khi đó, lãng phí thực phẩm ước tính gây thiệt hại kinh tế thế giới khoảng 100 tỷ USD/năm. Cụ thể, theo thống kê, mỗi năm có 1,3 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí trên toàn thế giới. Số thực phẩm này đủ để nuôi sống người dân ở một châu lục bất kỳ trong vòng một năm.