'Ma men' không còn trông chờ được 'giải cứu'
Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết sẽ làm mạnh tay hơn nữa việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Đối với các trường hợp có hành vi chống đối, cản trở, nếu cấu thành tội phạm, lực lượng chức năng sẽ xử lý hình sự theo quy định. Ông Thanh cũng yêu cầu nghiêm cấm hành vi can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ.
Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ chủ trương của UBND TP Hà Nội nhằm phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông, nhất là tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Đáng chú ý, văn bản của UBND TP Hà Nội (ban hành ngày 13/2) yêu cầu thông báo hành vi vi phạm của người là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan nhà nước đến cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng của người vi phạm để xử lý theo quy định.
Kể từ trước Tết Nguyên đán tới nay, việc cơ quan chức năng dừng xe, xử phạt hành chính nặng đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đã nhận được nhiều ý kiến, trong đó có ý kiến cho rằng nếu đợt cao điểm kiểm tra, xử lý quyết liệt này được tổ chức sớm hơn thì sẽ tránh được rất nhiều trường hợp tai nạn đáng tiếc; từ đó xây dựng được thói quen văn minh khi điều khiển xe trên đường. Kết quả là rất rõ ràng khi ông Nguyễn Anh Quân - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết khi “làm gắt” đã giảm được 10% số vụ tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương).
Còn theo Đại tá Trần Đình Nghĩa - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội, thì đối với việc xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, Bộ Công an xác định đây là nhiệm vụ công tác trọng tâm của lực lượng công an trong năm 2023. Công an Hà Nội đã bố trí lực lượng đủ mạnh, huy động 15 tổ 141 cơ động, Phòng Cảnh sát giao thông thành phố cũng có 15 đội kiểm tra, cùng với lực lượng ở 30 quận, huyện.
Như vậy, Hà Nội rất quyết tâm, quyết tâm ấy không chỉ giới hạn ở đợt cao điểm mà sẽ tiến hành thường xuyên, kéo dài. Đại tá Nghĩa cho biết, những trường hơp lái xe cản trở không chấp hành, các lực lượng đều đã xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ. “Đặc biệt, sau khi có chỉ đạo mới nhất của Chủ tịch thành phố, không chỉ đối với đảng viên, mà tất cả các cán bộ, công chức, viên chức, khi vi phạm thì chúng tôi sẽ gửi công văn ngay tới cơ quan đơn vị để phối hợp xử lý theo quy định” - Đại tá Nghĩa nói và cho biết thêm từ 15/11/2022 đến 15/2/2023, Hà Nội đã xử lý hơn 75.000 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; phạt tiền hơn 123 tỷ đồng. Trong đó, đã xử lý gần 15.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, gồm 2.071 người điều kiển xe ô tô, phạt tiền hơn 82 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 8.584 trường hợp, tạm giữ gần 15.000 phương tiện.
Tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Công an đến các địa phương giao ban công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ngày 16/2/2023, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long đánh giá Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước về thực hiện nhiệm vụ này.
Xử phạt hành chính khi người tham gia giao thông ở Hà Nội vi phạm nồng độ cồn sẽ còn được triển khai mạnh mẽ hơn, nhất là khi cán bộ, công chức, viên chức vi phạm thì ngoài việc xử phạt sẽ còn bị lực lượng chức năng thông báo bằng văn bản tới cơ quan, đơn vị. Đó là thông điệp rất rõ ràng để xây dựng văn hóa giao thông mà lâu nay bị buông lỏng.