Độc đáo lễ cúng rừng

PV 20/02/2023 08:00

Trong hai ngày 18 và 19/2, UBND xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái) tổ chức Lễ hội cúng rừng (Tết rừng) năm 2023.

Nghi thức tại lễ hội Tết rừng ở Nà Hẩu. Ảnh: Tuấn Anh.

Lễ hội cúng rừng (Tết rừng) của đồng bào dân tộc Mông Nà Hẩu được mở đầu bằng phần rước lễ vật lên rừng. Nghi thức độc đáo, trang nghiêm của buổi lễ diễn ra trước cửa rừng, dưới gốc cây cổ thụ. Lễ vật để dâng cúng Thần Rừng gồm một cặp gà trống - mái, một con lợn đen, rượu, hương, giấy bản.

Đến giờ lành, thầy cúng của bản kính cẩn dâng hương, khấn mời Thần Rừng về hưởng lễ vật, phù hộ, che chở, ban lộc rừng cho người dân trong xã; cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu… Sau đó, thầy cúng sẽ thực hiện các nghi lễ khác bên gốc cây cổ thụ.

Sau lễ hội Tết rừng, các thôn bản của xã Nà Hẩu đều cấm rừng 3 ngày để tạ ơn Thần Rừng. Trong 3 ngày này, mọi người tuyệt đối thực hiện các điều kiêng kỵ theo luật tục. Không đem lá xanh từ rừng về nhà, không đào củ, bẻ măng, không đào đất, không thả rông gia súc, không phơi quần áo ngoài trời…

Tiếp theo phần hội là các hoạt động văn hóa văn nghệ truyền thống, các hoạt động tham quan du lịch, hội chợ quê. Tại đây bày bán, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng truyền thống của đồng bào Mông.

Ông Giàng Chẩn Dìn - già làng có uy tín xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên cho biết: Tín ngưỡng thờ Thần Rừng của đồng bào Mông đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Vì vậy chúng tôi rất phấn khởi, chờ đợi đến ngày Tết rừng để bà con dân bản làm lễ cầu mong những điều may mắn trong năm mới, mưa thuận gió hòa, năm mới có sức khỏe mới, làm gì cũng yên tâm, không ốm đau. Đây là truyền thống lâu đời của người Mông.

Lễ hội Tết rừng Nà Hẩu không chỉ là nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh cầu phúc, góp phần bảo tồn các giá trị vật chất, tinh thần trong cộng đồng các dân tộc mà còn góp phần thiết thực vào công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn sự đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu nói riêng và trên địa bàn huyện Văn Yên nói chung.

Đây cũng là dịp để xã Nà Hẩu quảng bá những nét đẹp văn hóa địa phương, phát triển du lịch cộng đồng, từng bước thu hút khách du lịch đến tham quan rừng sinh thái, khám phá sự kỳ thú của các thác nước và hang động, thưởng thức các sản phẩm ẩm thực của đồng bào Mông, tạo điều kiện để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Nà Hẩu là địa phương có diện tích rừng tự nhiên đặc dụng tương đối lớn với gần 5.000ha. Để bảo vệ rừng cũng như phát huy phong tục, tập quán truyền thống lâu đời của người Mông Nà Hẩu, hàng năm nhân dân trong xã đều tổ chức Lễ hội Tết rừng.

PV