Bịt lỗ hổng trong điều chỉnh quy hoạch
Chiều 20/2, tại Hà Nội, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, các chuyên gia, nhà khoa học vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Chủ trì Hội nghị có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật.
Minh bạch trong quản lý Nhà nước về đất đai
Góp ý tại Hội nghị, GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật đánh giá, dự thảo Luật Đất đai lần này đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đất đai trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 Hội nghị lần thứ 5 về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".
Về phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), GS.TS Trần Ngọc Đường kiến nghị cần viết lại Điều 21 để quy định rõ trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai những vấn đề nào phải quản lý theo ngành và vấn đề nào phải quản lý theo lãnh thổ, việc gì thuộc thẩm quyền của chính quyền Trung ương, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương, những vấn đề mà cả hai cùng làm. Có như vậy mới hình thành cơ sở để phân cấp, phân quyền minh bạch trong quản lý Nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai quy định ở các chương sau.
Nêu thực tiễn chỉ ra rằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất những năm qua thường xuyên điều chỉnh, thay đổi thiếu ổn định, trong đó không ít trường hợp là vì lợi ích nhóm, GS Trần Ngọc Đường cho rằng, dự thảo Luật Đất đai quy định việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các căn cứ để điều chỉnh quy định quá rộng và thiếu cụ thể nên rất dễ bị lợi dụng để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phê duyệt. Chính bởi vậy dự thảo Luật cần xem lại thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch quy định có quá rộng không?
GS Trần Ngọc Đường đề xuất, thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp tỉnh phải được cơ quan quy hoạch cấp quốc gia cho phép và thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp quận huyện phải do cấp tỉnh quyết định. Không nên quy định như dự thảo Luật Đất đai cấp nào có thẩm quyền quy hoạch cấp đó quyết định thay đổi, điều chỉnh quy hoạch.
Cùng với việc xem xét lại việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp trong quy hoạch và thay đổi quy hoạch, GS Trần Ngọc Đường đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại việc phân cấp, phân quyền trong thu hồi đất, thẩm quyền thẩm định giá đất thu hồi… đây là những vấn đề còn rất nóng trong thực tế, cần phải quy định rất chặt chẽ.
Đặt vấn đề dự thảo Luật Đất đai chưa hình thành được một cơ chế kiểm soát có hiệu lực và hiệu quả theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương, GS Trần Ngọc Đường cho rằng, mặc dù dự án luật đã chú trọng đến vai trò của MTTQ các cấp, nhưng các quy định chưa đầy đủ và chưa bao quát hết tất cả các khâu của quá trình quản lý Nhà nước về đất đai.
Theo GS Đường tất cả các khâu của quản lý Nhà nước về đất đai từ khâu sử dụng của người sử dụng; điều tra đánh giá đất đai; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất; đến thu hồi đất, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi; phát triển quỹ đất: đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về giá đất đai... đều phải có mặt của cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013.
“Trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận không nên quy định chỉ 1 điều (Điều 20) như dự thảo Luật Đất đai mà nên quy định trong tất cả các chương. Đơn cử như MTTQ và các tổ chức thành viên không những cho ý kiến về quy hoạch, kế hoạch đất (điểm b khoản 2 Điều 20); tham gia ý kiến về trường hợp cần thiết về thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, trường hợp cưỡng chế khi thực hiện thu hồi đất (điểm c khoản 2 Điều 20) mà còn phải thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát xã hội đối với việc thực hiện các công việc này”, GS Trần Ngọc Đường nêu ý kiến.
Quy định rõ cơ chế lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở cấp xã
Góp ý vào Điều 68 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật cho rằng, việc lấy ý kiến công dân đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm phát huy quyền dân chủ, làm chủ trực tiếp của nhân dân ở cơ sở, liên quan mật thiết đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình khi thực hiện quyền công dân tham gia giám sát quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương, cơ sở.
Tuy nhiên theo ông Thường, trong các quy phạm Luật Đất đai hiện hành và trong các bản dự thảo Luật Đất đai sửa đổi hiện nay chưa được quy định đầy đủ, rõ ràng về cơ chế tổ chức lấy ý kiến nhân dân ở cơ sở về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở cấp xã . Do đó, dự thảo cần quy định rõ nội dung lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp huyện, nhất là những dự án liên quan đến quyền sử dụng đất của các hộ gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố; thời gian lấy ý kiến trực tiếp của nhân dân trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố ở cấp huyện và cấp xã.
Đặt vấn đề thực tiễn trong quy trình thu hồi đất có những khó khăn, tồn tại dẫn đến xảy ra khiếu kiện phức tạp, đông người, do chưa có đầy đủ quy phạm pháp luật, hoặc còn hạn chế về nhận thức pháp luật, về sự phối hợp chưa đồng bộ trong hệ thống chính trị ở mỗi cấp, ông Thường đề xuất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất cần có quy định bảo đảm nguyên tắc: dân chủ, công khai, minh bạch, chính xác và trách nhiệm giải trình, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, để từng bước hạn chế khiếu kiện bức xúc, nhất là tránh xảy ra xung đột phức tạp. Mức bồi thường bằng tiền cần căn cứ vào giá đất theo giá thị trường tại thời điểm thu hồi đất. Việc thu hồi và bồi thường, thực hiện tái định cư phải bảo đảm cho người bị thu hồi có chỗ ở, có điều kiện sống tốt bảo đảm thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, nhất là đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, người cô đơn.
Cũng theo ông Đỗ Duy Thường, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa có quy định về thủ tục, trình tự chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy cần có quy phạm quy định thủ tục, trình tự chuyển nhượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sao cho đơn giản, nhanh chóng. Nhất là lược bỏ những thủ tục giấy tờ không cần thiết, gây phiền hà cho người dân. Thực hiện công nghệ 4.0 trong các thủ tục nộp thuế, các lệ phí..