Những điểm mới quan trọng của chương trình giáo dục phổ thông 2018
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, địa phương và nhà trường được trao quyền chủ động và trách nhiệm trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường.
Ngày 20/2, Bộ GDĐT thông tin về những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và yêu cầu trong tổ chức thực hiện. Theo lộ trình, năm học 2023 - 2024, chương trình mới sẽ được triển khai ở lớp 4, 8 và 11.
Một trong những điểm mới của chương trình là nội dung giáo dục. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thông 2018 có 14 nội dung giáo dục và 24 môn học và hoạt động giáo dục. Nội dung giáo dục và môn học mới so với chương trình cũ là: Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Giáo dục địa phương.
Về nội dung và thời lượng giáo dục, ở cấp Tiểu học, chương trình mới có 10 môn học bắt buộc. Thời lượng giáo dục 35 tuần/1 năm học và 25-30 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 35 phút.
Ở cấp THCS có 10 môn học bắt buộc. Thời lượng giáo dục 35 tuần/1 năm học và 29-29,5 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 45 phút.
Ở cấp THPT có 6 môn học bắt buộc. Thời lượng giáo dục là 35 tuần/1 năm học và 28,5 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 45 phút.
Trong khi đó, theo chương trình cũ, ở cấp Tiểu học có 11 môn học bắt buộc. Thời lượng giáo dục tối thiểu 35 tuần/1 năm học và 23 – 26 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 35 phút.
Ở cấp THCS có 13 môn học bắt buộc. Thời lượng giáo dục là 35 tuần/1 năm học và 27-29 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 45 phút.
Và cấp THPT có 13 môn học bắt buộc. Thời lượng giáo dục là 35 tuần/1 năm học và 29,5 tiết/1 tuần. Thời lượng mỗi tiết học là 45 phút.
Thay vì tất cả các trường, lớp đều thực hiện kế hoạch giáo dục do Bộ GDĐT ban hành ở chương trình cũ thì theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, địa phương và nhà trường được trao quyền chủ động và trách nhiệm trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương, của nhà trường.
Trong khi nội dung SGK ở chương trình cũ được coi là nguồn kiến thức, là căn cứ duy nhất để dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi; cả chương trình GDPT chỉ có một bộ SGK duy nhất thì ở chương trình mới, nội dung SGK đóng vai trò là học liệu (không phải là nguồn kiến thức duy nhất) để tổ chức hoạt động dạy học; dạy học theo nội dung, yêu cầu cần đạt của chương trình; mỗi môn học có nhiều SGK.
Bộ GDĐT khẳng định, một chương trình, nhiều SGK là giải pháp quan trọng để thay đổi mục tiêu dạy học từ truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển năng lực.
Theo Bộ GDĐT, điều kiện kinh tế - xã hội của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rất đa dạng; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục ở mỗi vùng, miền, địa phương cũng khác nhau. Vì vậy, việc triển khai chương trình cần phải bảo đảm sự phù hợp với địa phương, nhà trường, đồng thời bảo đảm yêu cầu thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể.
Bộ GDĐT cũng cho biết, mục tiêu và yêu cầu về các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những điểm cần phải đạt được ngay khi bắt đầu triển khai nhưng cũng có những điểm đặt ra để phấn đấu từng bước đáp ứng theo quan điểm phát triển chương trình.
Vì vậy, việc tổ chức thực hiện cần phải được thực hiện đúng hướng, từng bước, làm đến đâu chắc đến đó để bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục.