Nhận diện động lực tăng trưởng kinh tế
Tình hình kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh, phức tạp và khó lường, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Tuy nhiên, các dấu hiệu tích cực đến từ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng như tăng trưởng du lịch đầu năm dự báo sẽ là những động lực cho sự phục hồi của nền kinh tế.
Dòng vốn FDI – “Lá phiếu tín nhiệm” của kinh tế Việt Nam
Tại Hội nghị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới đây, lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án “Đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gia công linh kiện điện tử, linh kiện máy tính, thiết bị thông minh...”, với tổng mức đầu tư 6.467 tỷ đồng, tương đương 260 triệu USD. Đây là dự án của Công ty TNHH Compal Electronics Compal, một trong những nhà sản xuất của Apple và các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu.
Như vậy, sau khi đầu tư dự án 500 triệu USD tại Vĩnh Phúc, Compal đã lựa chọn Thái Bình là điểm đến tiếp theo. Ông KC Chen - Phó Tổng giám đốc Compal Việt Nam chia sẻ, công ty quyết định đầu tư dự án này tại Thái Bình vì thuận tiện về giao thông, nguồn nhân lực dồi dào, sẵn mặt bằng sạch...
Không chỉ Compal, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã nhận chứng nhận đăng ký đầu tư, chủ trương đầu tư, hay biên bản ghi nhớ đầu tư vào khu vục Đồng bằng sông Hồng với tổng giá trị gần 10 tỷ USD.
Được xem là một trong những trung tâm thu hút FDI của Việt Nam, ngay từ đầu năm, tỉnh Bắc Giang đã thu hút những dự án lớn. Địa phương này đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian cho nhà đầu tư Ingrasys Pte.Ltd (Singapore) và giấy chứng nhận đăng ký cho Công ty TNHH Fulian tổ chức thực hiện dự án; trao biên bản ghi nhớ giữa nhà đầu tư Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang.
Điều đó cho thấy, dòng vốn ngoại vẫn chọn Việt Nam là điểm đến. Ông Andrew Jeffries - Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam nhận định, sự tìm đến của dòng vốn FDI là “lá phiếu tín nhiệm” đối với Việt Nam. Một công bố mới đây của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng cho biết, có 60% doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động sẽ mở rộng sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới.
Hóa giải khó khăn để bứt phá
Không chỉ hút dòng vốn FDI, ngành du lịch cũng đang có sự khởi sắc mạnh mẽ trong tháng đầu năm. Tháng 1/ 2023, Việt Nam đón 871,2 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 23,2% so với tháng trước và gấp 44,2 lần so với cùng kỳ năm 2022. Lượng khách du lịch nội địa đạt 13 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay, trong đó có khoảng 4,5 triệu lượt khách có lưu trú.
Hiện tại, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, các nước trong khu vực Đông Nam Á. Giới chuyên gia đánh giá, thời gian tới có nhiều cơ hội để tăng lượng khách du lịch, đặc biệt, thị trường khách lớn nhất là Trung Quốc sẽ trở lại trong năm nay.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT&DL) Nguyễn Trùng Khánh, năm 2023 được dự báo sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về nhu cầu đi du lịch quốc tế. Du lịch Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu thế này. Do vậy, năm 2023 hứa hẹn sẽ có nhiều bứt phá cả về số lượng khách và doanh thu.
Thời điểm này, các hãng lữ hành đã tập trung đẩy mạnh xúc tiến cho mảng du lịch quốc tế bằng nhiều hình thức. Trong năm 2023 công tác xúc tiến quảng bá sẽ được tiến hành tích cực như tham gia các sự kiện quốc tế về du lịch ASEAN, hội chợ quốc tế tại London (Anh), Berlin (Đức)… truyền thông, quảng bá trên các kênh truyền thông lớn. Những dữ liệu cho thấy, năm 2023 hứa hẹn là một năm sôi động của thị trường du lịch nước nhà.
Dù đạt được những kết quả tích cực, song nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023. Khó khăn đầu tiên được nhận diện là sự suy giảm của tăng trưởng kinh tế thế giới. Dấu hiệu suy thoái kinh tế đã xuất hiện ở nhiều nền kinh tế lớn. Trong khi đó, lạm phát đang tăng nhanh cũng đang gây ra rất nhiều hệ lụy, tác động tới kinh tế và thương mại quốc tế.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các DN và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kiềm chế lạm phát.
Giới chuyên gia cũng đánh giá, thách thức khó khăn là khó tránh, để hoá giải cần thực hiện các biện pháp hỗ trợ DN, người dân để tránh được các biến động mạnh từ lạm phát, điều hành chính sách tiền tệ (tỷ giá, lãi suất) cơ bản ổn định, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh cải thiện thủ tục hành chính.
Chuyên gia kinh tế - GS.TS Hoàng Văn Cường:
Tăng đầu tư công
Ôn định kinh tế vĩ mô là trên cơ sở chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt chứ không cứng nhắc. Năm 2023, số vốn đầu tư công đưa ra cũng khá cao. Khi kinh tế suy giảm thì tăng đầu tư công chính là giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Vấn đề là làm sao đưa đầu tư công vào đúng lĩnh vực thúc đẩy tăng trưởng. Tôi cho rằng, bên cạnh các hình thức đầu tư truyền thống như xây dựng cơ sở hạ tầng, tới đây nên mở rộng sang các hình thức mới như đặt hàng DN, tập đoàn làm ra các sản phẩm thiết yếu cho đất nước.
Ông Lê Trung Hiếu – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư):
Du lịch góp phần vào động lực tăng trưởng
Dù khó khăn song Việt Nam vẫn có một số động lực tăng trưởng trong năm 2023. Chẳng hạn với chính sách mở cửa và tiềm năng du lịch, Việt Nam tiếp tục kỳ vọng sẽ đón lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tăng cao. Từ đó, kéo theo sự phục hồi và tăng trưởng của các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống; vận tải; vui chơi, giải trí... Đặc biệt, khi Trung Quốc mở cửa trở lại vào đầu năm 2023 thì dự báo lượng khách du lịch từ quốc gia láng giềng này sẽ đến Việt Nam rất lớn, khi đó xuất khẩu dịch vụ sẽ tăng mạnh, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế.
T.Hằng (ghi)