Phải tạo dựng được niềm tin của giới đầu tư
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% GDP năm 2023 Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển kinh tế số, ổn định thị trường tài chính, gây dựng niềm tin cho thị trường.
PV: Ông đánh giá thế nào về dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Về vĩ mô kinh tế trong nước cũng đang gặp nhiều diễn biến khó lường như lạm phát khiến giá cả tăng lên, doanh nghiệp (DN) đang phải tự tái cơ cấu lại.
Tuy nhiên, nhìn lại năm 2022 đầu tư nước ngoài (FDI) tăng 13,5% tương đương 22,1 tỷ USD. Đây thực sự là những con số tích cực cho nền kinh tế.
Hiện nay các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư đến từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang đánh giá Việt Nam là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý đến các điều kiện để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư như nguồn nhân lực chất lượng cao; các vấn đề thủ tục hành chính, hải quan, thuế… có đủ thông thoáng và hấp dẫn các nhà đầu tư hay không? Phải đáp ứng được các vấn đề nêu trên thì Việt Nam mới có thể hấp thụ tốt được dòng vốn FDI.
Theo dự báo năm 2023 tình hình kinh tế sẽ khó khăn hơn, động lực tăng trưởng là xuất nhập khẩu cũng sẽ suy giảm, hầu hết các tổ chức quốc tế cũng dự báo kinh tế năm 2023 sẽ chững lại. Ông nghĩ sao về những nhận định này?
- Nền kinh tế thế giới vẫn đang đối diện nhiều khó khăn. Nếu kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại thì nhu cầu tiêu dùng sẽ giảm đi, do đó hàng hóa xuất khẩu bị ảnh hưởng. Khi nền kinh tế toàn cầu đi vào suy thoái thì chắc chắn sẽ có sự ảnh hưởng đến các thị trường: tài chính, đầu tư, chứng khoán.
Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động rất lớn từ việc FED tăng lãi suất 7 lần, tỷ giá hối đoái bị ảnh hưởng rất nhiều, VND bị suy yếu và Ngân hàng nhà nước phải bán ngoại tệ ra với một lượng lớn, có lúc dự trữ quốc gia xuống đến chỉ còn khoảng 80 - 90 tỷ USD.
Năm 2023 FED có thể tăng lãi suất nhưng khả năng ở mức độ sẽ thấp hơn năm 2022. Và nếu Mỹ kiểm soát được lạm phát vào năm 2023 thì đến nửa cuối của năm nay, Mỹ sẽ dừng việc tăng lãi suất, đó là điều tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo ông, chúng ta cần có giải pháp gì để có đạt được mức tăng trưởng 6,5% như mục tiêu Quốc hội đặt ra cho năm nay?
- Theo tôi chủ trương phát triển kinh tế số của Chính phủ là một chủ trương đúng đắn và cần được đẩy mạnh. Đây là một động lực quan trọng bởi khi chúng ta không tận dụng được kinh tế số thì những quy trình sản xuất kinh doanh cho đến vấn đề về tài chính sẽ bị chậm lại so với sự phát triển của toàn cầu.
Riêng về thị trường tài chính, cần phải tìm mọi giải pháp để lấy lại sự tin tưởng của nhà đầu tư. Năm 2022, thị trường tài chính đã làm nhà đầu tư suy giảm niềm tin. Cho nên, năm 2023 phải là năm thị trường này lấy lại được niềm tin của giới đầu tư.
Trân trọng cảm ơn ông!