Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

K.Lê 21/02/2023 06:57

Thị trường Trung Quốc ngày càng yêu cầu cao về tiêu chuẩn xuất nhập khẩu, quy cách đóng gói bao bì, truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa... Do vậy, các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý.

Trái sầu riêng đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc từ tháng 9/2022. Ảnh: VGP.

Yêu cầu ngày càng khắt khe

Hiện có 11 loại trái cây, sữa và sản phẩm từ sữa, 48 loài thủy sản sống và 802 cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 8/1 năm nay đã tạo điều kiện cho việc thông quan tại các cửa khẩu thuận lợi hơn. Tuy nhiên, chính sách thương mại biên giới của Trung Quốc ngày càng khắt khe, với tiêu chuẩn ngày càng cao đòi hỏi doanh nghiệp (DN) xuất khẩu không ngừng nâng cao chất lượng.

Tại hội nghị “Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Lạng Sơn phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc và lãnh đạo tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức mới đây, ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, trong quá trình mở cửa thị trường Trung Quốc, hai bên đã phối hợp ký kết và triển khai nhiều nghị định thư liên quan đến kiểm dịch thực vật.

Song, hiện nay một số thay đổi của thị trường này khắt khe hơn như: Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là hình thức biên mậu (tiểu ngạch); Yêu cầu phải đàm phán mở cửa thị trường đối với từng loại sản phẩm; Quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức ký kết Nghị định thư; Yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói. Bộ Công thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam có một kế hoạch xuất khẩu rõ ràng đầy đủ các mặt hàng sang Trung Quốc, tìm hiểu kỹ những thay đổi về quy định chất lượng của thị trường sở tại, đa dạng kênh xuất khẩu chính ngạch để nâng cao hiệu quả đơn hàng trong năm 2023.

Theo ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, hiện công tác xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu vẫn gặp một số vướng mắc. Điển hình như công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại Trung Quốc cho các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Hình thức phân phối các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc vẫn chủ yếu thông qua kênh thương mại truyền thống, chưa tận dụng và phát huy được kênh thương mại điện tử.

Hướng đến xuất khẩu bền vững

Từ những khó khăn trên, ông Thiệu kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng vùng biên giới, đồng thời, kiến nghị Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT tăng cường trao đổi, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sớm ký kết Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với các loại hoa quả còn lại để giảm bớt các thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu; mở rộng danh mục các mặt hàng hoa quả, nông sản của Việt Nam được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) nhận định, để duy trì hoạt động giao thương sang Trung Quốc, các DN cần thực hiện 3 vấn đề. Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Lệnh 248, 249, trong đó có hoàn thiện đăng ký bổ sung trước ngày 30/6/2023. Thứ hai, DN cần có hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tương đương với HACCP (hệ thống quản lý chất lượng). Thứ ba, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trước khi Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến và kiểm tra thực địa.

Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất về hoa quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 45,38%. Trong đó, vải thiều chiếm tỷ trọng 90% lượng xuất khẩu ra nước ngoài, thanh long chiếm tỷ trọng hơn 80%. Đặc biệt, với sắn và các sản phẩm từ sắn, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất (tỷ trọng 91,47%); cao su chiếm tỷ trọng 71,91%.

Mặc dù vậy theo ông Sơn, hiện Trung Quốc liên tục tăng cường thực thi pháp luật khi chủ trương đưa hoạt động thương mại đi vào chính quy, nền nếp và tăng cường giám sát, thực hiện nghiêm các quy định. Do đó, ông Sơn cho rằng không chỉ gia tăng giá trị xuất khẩu, chúng ta cần phải hướng đến xuất khẩu bền vững và tìm cách giữ được đối tác quan trọng này.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng các đơn vị liên quan cam kết sẽ triển khai các giải pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác giao thương với Trung Quốc. Song cần nhấn mạnh là thành công của hợp tác giao thương không chỉ dừng ở việc buôn bán có lãi một vài chuyến, mà cần phải tạo ra một hệ sinh thái ngành hàng, cũng như sức lan tỏa trong toàn xã hội, giúp người dân yên tâm sản xuất trên chính cánh đồng của mình.

K.Lê