Di dời cảng khách lớn nhất Vân Đồn: Vì sao chủ tàu và dân đảo chưa đồng thuận?
Ngày 9/2, UBND huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) ra Kế hoạch di chuyển phương tiện thủy vận chuyển khách từ cảng Cái Rồng sang cảng cao cấp Ao Tiên. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa nhận được sự đồng thuận của các chủ tàu và người dân các tuyến đảo.
Bến cảng cao cấp Ao Tiên (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) do chủ đầu tư là Công ty TNHH 1 thành viên du lịch Mai Quyền xây dựng, có tổng vốn đầu tư hơn 610 tỷ đồng, mới được khánh thành vào ngày 30/10/2022. Theo thiết kế, các cầu cảng có thể tiếp nhận tàu lên đến 300 ghế cũng như các du thuyền, các tàu loại nhỏ. Khu vực ga hành khách có diện tích sử dụng 8.000m2, được tích hợp nhiều tiện ích, phân khu chức năng như đón hành khách, bán vé, nhà chờ, dịch vụ phụ trợ đi kèm...
Đến thời điểm hiện tại, huyện Vân Đồn cùng chủ đầu tư đang gấp rút chuẩn bị những khâu cuối cùng để đưa cảng cao cấp Ao Tiên chính thức đi vào hoạt động theo kế hoạch từ ngày 28/2. Thế nhưng, nhiều khó khăn, bất cập đã được những chủ tàu và người dân đang sinh sống trên các đảo chỉ ra khi thực hiện việc di chuyển từ bến cảng cũ sang bến cảng mới.
Có mặt tại cảng Cái Rồng vào ngày 20/2, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có buổi tiếp xúc với đại diện 15 chủ tàu đang hoạt động tại đây.
Ông Vũ Ngọc Khanh, chủ 2 chiếc tàu QN:7486 và QN:7065 (chạy các tuyến đảo Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen), nêu ý kiến: “Chúng tôi rất đồng thuận với việc xây dựng cảng Ao Tiên thành cảng phát triển mang tầm quốc tế, chuyên phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc bắt chúng tôi, những chủ tàu chợ chuyên phục vụ bà con nhân dân các xã đảo làm việc, khám chữa bệnh, mua sắm nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm… phải di dời vào cảng cao cấp Ao Tiên là điều bất hợp lý”.
Theo lý giải của một số chủ tàu, hiện trạng xây dựng cảng quốc tế Ao Tiên chỉ phù hợp với những tàu du lịch được thiết kế nhiều tầng. Tàu chợ nhỏ bé đỗ ở cầu cảng bị lọt thỏm xuống sâu, khiến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa xuống cầu thang nhỏ hẹp sẽ rất khó khăn, không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, hành trình vận tải xuất phát từ cảng Ao Tiên đi các tuyến đảo khiến cung đường hoạt động quá xa (tối thiểu chậm hơn 30 phút so với xuất phát tại cảng Cái Rồng), dẫn đến chi phí nhiên liệu bị đội lên quá lớn. Cộng thêm chi phí hoạt động tại cảng quốc tế Ao Tiên sẽ cao hơn gấp nhiều lần so với cảng cũ, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân sử dụng dịch vụ.
Anh Châu Mạnh Khởi, đại diện chủ tàu QN:8228, cho biết: “Tàu của tôi chạy tuyến Cái Rồng - Quan Lạn, trung bình mất khoảng 2 đến 2,5 tiếng tùy theo con nước. Nếu đổi sang tuyến Ao Tiên – Quan Lạn sẽ mất thêm ít nhất 20 phút hành trình”.
Theo phân tích của anh Khởi, hành trình Cái Rồng – Quan Lạn sẽ qua lạch Hoi, đến lạch Chèo Lập, cửa Vạn Tài rồi đến đảo Quan Lạn. Nhưng nếu xuất phát từ cảng Ao Tiên ra thẳng lạch Chèo Lập, sẽ phải đi qua nhiều bãi đá ngầm và khu vực nuôi trồng thuỷ sản, nguy cơ mất an toàn. Nếu vẫn chạy hướng lạch Hoi, hành trình sẽ mất thêm tầm 30 phút nữa.
Các chủ tàu chạy tuyến đảo Thắng Lợi, Ngọc Vừng cũng có những lo lắng tương tự. Anh Vũ Xuân Trường, chủ tàu QN:5663, cho biết: Tuyến Ngọc Vừng, Thắng Lợi không cắt qua lạch nào, mà đi thẳng qua hòn Ngàm Trai, đến hang Quan, rồi đến Thắng Lợi, Ngọc Vừng. Nếu xuất phát từ Ao Tiên sẽ vẫn phải đi qua cảng Cái Rồng, mất tối thiểu 30 phút.
Tại cảng Cái Rồng, ông Nguyễn Văn Châu (thôn Tân Lập, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn), chia sẻ: Cuộc sống của người dân các xã đảo hiện còn nhiều khó khăn. Ai từ đảo ra đất liền khi về đều tranh thủ mua thêm nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt. Từ cân thịt lợn, đến con gà, hay cái mâm, tủ bếp…, những thứ này chúng tôi đều có thể mua sắm ở chợ Cái Rồng, ngay gần cảng. Nếu đến cảng Ao Tiên, chúng tôi phải đi xe ôm xuống chợ Cái Rồng, tốn kém cả tiền bạc và thời gian khi người dân tranh thủ vào huyện giải quyết công việc khác.
Để tìm hiểu rõ vấn đề này, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn. Ông Minh cho biết: Một số nội dung thực hiện theo Kế hoạch 265 (Di chuyển phương tiện thủy vận chuyển khách từ cảng Cái Rồng sang cảng cao cấp Ao Tiên) vẫn chưa có kết quả cụ thể. Tôi cũng mới tiếp nhận đơn kiến nghị của các chủ tàu, hiện đã giao cho phòng ban chuyên môn rà soát các ý kiến. Sau khi có tham mưu trả lời kiến nghị của bà con liên quan tới đội tàu, chúng tôi sẽ thông tin cho Báo.
Những năm 70-80 của thế kỷ trước, người dân Vân Đồn bắt đầu đặt những viên đá đầu tiên xây dựng cảng, để tàu bè tiện đi lại đến các đảo. Đến năm 1993, Nhà nước bắt đầu có chủ trương xây dựng cảng Cái Rồng với cầu cảng kiên cố. Cầu cảng dài 108 m, rộng 6 m, tổng diện tích vùng nước cảng là 2.200 m2.
Cảng Cái Rồng 2 được xây dựng liền kề, đưa vào hoạt động từ tháng 1/2017, khắc phục tình trạng “3 trong 1” ở cảng Cái Rồng cũ (cảng cá, cảng dân sinh, cảng dịch vụ du lịch), bảo đảm an toàn trật tự tại 2 cảng hoạt động song song.
Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành việc di chuyển các phương vận tải khách đường thủy sang cảng Ao Tiên, cảng Cái Rồng sẽ trở thành cảng cá chuyên dụng, chủ yếu phục vụ cho các phương tiện đánh bắt, thu mua hải sản.