Ngăn chặn lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức, nhà khoa học về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra chiều 21/2, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi cần rà soát kỹ các quy định, thể hiện rõ đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước.
Góp ý tại Hội nghị GS.TS Phan Trung Lý, Viện trưởng Viện nghiên cứu pháp luật và xã hội cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) là dự thảo luật quan trọng bậc nhất điều chỉnh các quan hệ trực tiếp liên quan đến đời sống người dân. Chính bởi vậy cần rà soát kỹ hơn để các quy định của Luật đất đai lần này thực sự phù hợp với quy định của Hiến pháp, cụ thể hóa để thực hiện hiệu quả quy định tại điều 54 Hiến pháp năm 2013 “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước”.
Đây là yêu cầu trước hết và quan trọng nhất để bảo đảm phát huy giá trị của đất đai, nguồn tài nguyên quý giá phục vụ cho lợi ích quốc gia, phục vụ cho phát triển đất nước. Điều đó cũng có nghĩa là phải có các quy định chặt chẽ nhằm bịt các lỗ hổng pháp luật, khắc phục tình trạng khai thác giá trị đất đai phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Đặc biệt là ngăn chặn hiện tượng tham nhũng chính sách, lợi dụng chính sách đất đai để làm giàu cho cá nhân.
Đi sâu góp ý, GS.TS Phan Trung Lý cho rằng, trong dự thảo chưa làm rõ địa vị pháp lý của chủ sở hữu đất đai, mối quan hệ giữa chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu. Theo quy định của Hiến pháp thì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Luật đất đai phải quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của chủ sở hữu đó. Quyền hạn nào phải do toàn dân với tư cách chủ sở hữu quyết định (thông qua việc trưng cầu ý dân). Quyền hạn nào chủ sở hữu ủy quyền cho người đại diện thực hiện. Quyền hạn, trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Nhà nước khác với tư cách là đại diện cho chủ sở hữu đất đai cũng phải được làm rõ.
Ông Phan Trung Lý cũng đề xuất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cơ chế báo cáo, kiểm tra, giám sát và vai trò của các tổ chức đoàn thể và nhân dân, nhất là MTTQ Việt Nam cũng phải được làm rõ.
Liên quan về tài chính và giá đất, ông Phan Trung Lý nhận định, giá đất, khung giá đất, thời gian tính tiền sử dụng đất khi có quyết định giao đất (một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các dự án không thống nhất được số tiền sử dụng đất dẫn đến việc không nộp được tiền, không cấp được giấy, không triển khai được các thủ tục xây dựng, ách tách việc giải ngân) dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với người sử dụng đất.
“Đây là vấn đề quan trọng và phức tạp nhất hiện nay. Nội dung này quy định trong chương XI của dự thảo cần được gia cố thêm. Cụ thể, cần thể hiện rõ hơn trong Luật yêu cầu có cơ chế định giá đất theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm khách quan, chính xác theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 18.” GS. TS Phan Trung Lý nêu rõ.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã xác định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng không khác so với Luật 2013, song đây là nguyên tắc chung nên hợp lý tuy vậy với bối cảnh mới cần xem xét. Cụ thể hơn việc giải thích từ ngữ trong dự thảo. Dự thảo nêu 56 từ ngữ, trong khi Luật 2013 chỉ nêu 30 từ ngữ, như vậy là đã cập nhật một số khái niệm có tính thực tiễn. Tuy vậy cần xem xét điều chỉnh khái niệm đã nêu trong dự thảo về: đất xây dựng công trình ngầm, khái niệm hủy hoại đất, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất... còn chưa gắn với thực tế có thể hiểu khác nhau. Ngoài ra, cần bổ sung một số khái niệm như: người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người sử dụng đất, mặt nước chuyên dùng, tích tụ đất...
Về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ông Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, so với Luật 2013, dự thảo Luật lần này đã có nhiều quy định cụ thể hơn và khoa học hơn. Tuy nhiên, về quy định quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch (khoản 5 điều 67) cần xem lại vì với khối lượng lớn thì quy định này chưa sát với nguồn lực thực tế cần nghiên cứu từ kết quả giám sát quy hoạch của Quốc hội sau Luật Quy hoạch 2017. Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngoài quy định tại điều 68 cần nêu rõ phải lấy ý kiến của Hội đồng nhân dân và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Góp ý vào điều 71 về rà soát, điểu chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ông Nghiêm bày tỏ sự thống nhất với các nguyên tắc về căn cứ để điều chỉnh đã nêu trong dự thảo. Đây là các nguyên tắc đúng với điều chỉnh định kỳ. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW về phát triển đô thị bền vững, Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ có nhiều đột phá về phát triển đô thị và nông thôn nên cần cụ thể hơn về điều chỉnh định kỳ và điều chỉnh cục bộ với quy hoạch và nhất là với kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện. Việc bổ sung yêu cầu này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội.