TP Nam Định: ‘Số hóa’ toàn bộ các trường học
Mục tiêu quan trọng trên vừa được TP Nam Định nêu ra, thống nhất thực hiện tại hoạt động triển khai Chuyển đổi số trong ngành giáo dục của địa phương.
Chiều 21/2, UBND TP Nam Định (tỉnh Nam Định) triển khai kế hoạch áp dụng thực hiện chuyển đổi số (CĐS) vào 100% trường học trên địa bàn sau thành công từ mô hình thí điểm.
Thông tin tại đây, ông Nguyễn Thế Lâm, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP Nam Định cho biết, trong năm 2022 Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (TP Nam Định) được Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Nam Định, UBND TP Nam Định và VNPT tỉnh Nam Định chọn làm đơn vị triển khai thí điểm CĐS trường học đầu tiên của tỉnh Nam Định.
Theo đó, trong khoảng thời gian 6 tháng, VNPT tỉnh Nam Định đã triển khai Bộ giải pháp xây dựng mô hình “trường học thông minh”, với hơn 20 nội dung công việc, từ phần cứng đến phần mềm ứng dụng vào tất cả hoạt động quản lý của nhà trường, giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh. Cơ sở dữ liệu của trường đã được chuẩn hóa, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ với cơ quan quản lý và với các trường học khác cũng như đáp ứng yêu cầu triển khai các dịch vụ mới. Các hoạt động chính khóa cũng như ngoại khóa của trường được chia sẻ, tương tác, liên thông trên môi trường điện tử.
Đặc biệt, với phương châm lấy phụ huynh và học sinh làm trung tâm trong thực hiện CĐS, ứng dụng di động (App Mobi) của phụ huynh học sinh được nâng cấp và triển khai cài đặt trên thiết bị di động cho 100% phụ huynh của trường, trở thành kênh giao tiếp chính thức 2 chiều giữa phụ huỳnh với nhà trường. Ứng dụng cũng tích hợp đầy đủ các tính năng giúp phụ huynh quản lý, theo dõi toàn diện tất cả hoạt động của con em mình ở trường, như: điểm danh thông minh, quản lý dinh dưỡng, học bạ điện tử, hồ sơ, lý lịch, kết quả học tập, lịch học chính khóa, các hoạt động ngoại khóa,…
Cũng theo ông Nguyễn Thế Lâm, kết quả thí điểm mô hình CĐS tại Trường Tiểu học Trần Nhân Tông được hội đồng chuyên môn đánh giá là đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo đột phá trong đổi mới một số hoạt động quản lý nhà trường, hoạt động dạy và học; tác động tích cực tới phương thức hoạt động, chất lượng trong giáo dục. Quá trình chuyển đổi số tại trường đã lấy người học và nhà giáo là trung tâm, đặt lợi ích của học sinh, phụ huynh, nhà giáo là thước đo đánh giá mức độ thành công của CĐS.
Trên cơ sở kết quả thí điểm, hội đồng chuyên môn của Phòng giáo dục thành phố Nam Định đã chọn 8 nội dung để xác định là tiêu chí tối thiểu để triển khai CĐS tại các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn (triển khai phần mềm quản lý nhà trường; triển khai sổ liên lạc điện tử thông qua ứng dụng di động; triển khai điểm danh thông minh; triển khai học bạ điện tử; triển khai hồ sơ giáo dục điện tử; triển khai phần mềm quản lý giáo án điện tử; triển khai phần mềm Quản lý thư viện; triển khai phần mềm Kiểm định chất lượng giáo dục vnEdu-QoE).
“Phòng giáo dục và đạo tạo đã thống nhất đề xuất với Ban chỉ đạo CĐS của tỉnh, lãnh đạo UBND thành phố triển khai CĐS toàn diện tại 100% các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở ngay trong kỳ 2 năm học 2022-2023”, ông Nguyễn Thế Lâm thông tin và cho biết trong tháng 3/2023 Phòng và các đơn vị trường học trực thuộc sẽ cùng với VNPT Nam Định triển khai cụ thể.
Được biết, không chỉ trong lĩnh vực giáo dục, thời gian qua nhiều lĩnh vực khác của tỉnh Nam Định cũng đã bắt tay, tích cực thực hiện CĐS. Tham dự hoạt động trên, ông Vũ Trọng Quế, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định cho biết BCH Đảng bộ tỉnh này đã có Nghị quyết riêng để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ CĐS của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh cũng đã xây dựng, ban hành kế hoạch đối với nhiệm vụ này, với các mục tiêu cụ thể.
"Mới đây, làm việc tại Nam Định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo tỉnh phải thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm chuyển đổi số, chuyển đổi cơ cấu nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng", ông Vũ Trọng Quế thông tin.