Gen Z: Bỏ thói quen tiêu dùng quá tay để đầu tư cho tương lai
Nhiều bạn trẻ hiện nay đang mắc phải tình trạng tiêu tiền không kiểm soát, tuy nhiên chỉ cần thay đổi một phần nhỏ thói quen trong chi tiêu thì chất lượng cuộc sống về cả vật chất lẫn tinh thần cũng sẽ được cải thiện hơn, thậm chí có cơ hội giúp ích cho tương lai sau này.
Khó "cưỡng lại" những thú vui
Bạn Hà Anh (23 tuổi, Hà Nội) hiện đang làm nhân viên tại công ty về truyền thông khu vực Cầu Giấy cho biết, bản thân hay có thói quen săn sale mỗi tháng khi các sàn thương mại như Shopee, Lazada, Tiktokshop,... tung khuyến mại.
Những tháng đầu, khi lương về, Hà Anh đã chủ động phân bổ theo tỷ lệ 80-20, trong đó 80% dành cho các khoản cố định và dự phòng, còn lại để tiết kiệm. Tuy nhiên, nữ nhân viên văn phòng thừa nhận, khoản tiết kiệm thường không giữ được lâu.
Hà Anh tự thống kê chi tiêu hàng tháng, riêng khoản tiền dành cho mua sắm sẽ hết khoảng gần 4 triệu, ngoài ra còn cả tiền cafe và xăng xe đi lại, "Mỗi tháng mình nhận được 7 triệu tiền lương đi làm, hiện tại vẫn đang sống cùng bố mẹ nên tiền ăn hàng ngày mình không phải tốn. Nên tiền mình kiếm được đều dành cho việc mua sắm, chi tiêu cá nhân".
"Mình thích việc sắm sửa đồ mới, không chỉ cho bản thân mà cho cả gia đình, thường mình không phải trả tiền ăn hàng tháng cho bố mẹ vì những vật dụng trong nhà đều do bản thân mình mua. Chắc do bản thân thích cảm giác được unbox (khui hộp đồ) sản phẩm. Nhiều khi có những món đồ mình mua về nhưng cũng không dùng đến mấy", Hà Anh chia sẻ.
Hà Anh giải thích, "Như một thói quen, cứ khi nào được nhận lương là mình lại bắt đầu mua sắm. Đặt hàng xong lại tự trách bản thân sao không tiết kiệm tiền mà cứ chi hết vào những thứ tốn kém này".
Giống Hà Anh, bạn Hoan (25 tuổi, Hải Dương) cũng đang sống và làm việc tại Hà Nội với công việc chính là thợ chụp ảnh. Kể từ sau khi nhập ngũ về, Hoan có thói quen dậy từ 6h sáng, sau đó sẽ ra ngoài ăn sáng và uống cafe.
"Mỗi ngày mình đều đặn uống một cốc cafe đá để bắt đầu một buổi sáng. Thậm chí càng ngày mình càng nghiện uống cafe. Một tháng mình sẽ chi tiêu khoảng đâu đó hơn 1 triệu tiền cafe, cộng thêm việc ăn uống bên ngoài cũng như mua sắm đồ phục vụ cho sở thích cá nhân như quần áo, giày dép nên mình vẫn chưa tiết kiệm được nhiều tiền".
Đặc biệt, không chỉ cafe, Hoan thường có những cuộc nhậu với khách hàng và đối tác sau những giờ làm việc mệt mỏi, "Khoản ăn uống nhất là vào buổi tối chiếm khá nhiều trong chi tiêu của mình. Tuy nhiên mình lại nghĩ, nếu mình tiêu tiền cho nhu cầu của bản thân thì sẽ là động lực để kiếm nhiều tiền nhiều hơn".
Học tiết kiệm để đầu cho tương lai
Việc tiêu tiền quá đà cũng là lo lắng thường gặp của giới trẻ khi nhắc tới việc buộc phải thắt chặt chi tiêu cho tương lai.
Nhiều bạn trẻ cho rằng, những thói quen trải nghiệm có thể phải bỏ đi khi không phù hợp với khả năng chi trả hay không đem đến những giá trị bền vững cho cuộc sống như là việc uống trà sữa mỗi ngày, đi mua quần áo thời thượng hay cà phê cuối tuần với bạn bè.
Trái lại, khi chú tâm vào việc quản lý tài chính cá nhân, các bạn trẻ vẫn được khuyến khích đầu tư vào các hạng mục, trải nghiệm khác thú vị hơn như mua sách báo, mua khóa học, đi networking hay mua các khóa học kinh doanh online để trau dồi các kinh nghiệm, kiến thức thực sự có giá trị mà bạn đang quan tâm. Như vậy, “từ bỏ” trong trường hợp này lại là điều cần thiết cho các kế hoạch tài chính dài hạn.
Theo chuyên gia tài chính Trần Nhật Nam, hiện nay, giới trẻ có 2 xu hướng cất giữ tiền: Thứ nhất là cứ tiêu tiền trước còn bao nhiêu thì tiết kiệm sau. Thứ hai là chia tiền thành các phần, tùy theo nhu cầu sử dụng rồi mới chi tiêu.
Vị chuyên gia cho rằng, cách làm thứ 2 sẽ giúp mọi người đặc biệt là giới trẻ kiểm soát được dòng tiền. Chỉ cần trích ra 10 - 20% thu nhập hàng tháng tiết kiệm còn đâu mới chi tiêu. Và với số tiền tích luỹ đó, mọi người hoàn toàn có thể mang đi đầu tư.
"Giả sử, bạn làm ra 10 triệu đồng/tháng và mỗi tháng cất đi 2 triệu đồng thì sau 5 tháng, bạn đã có 10 triệu đồng. Với số tiền trên, bạn có thể gia nhập thị trường chứng khoán, gửi tiết kiệm ngân hàng hay mua trái phiếu, miễn sao để tiền đẻ ra tiền. Tuy nhiên cũng cần phải học hỏi, tìm hiểu để không bị mất tiền oan", theo chuyên gia phân tích.
Chia sẻ với phóng viên, Bảo Trân (25 tuổi, Lào Cai) cho biết, thường dành phần ít tiền kiếm được từ việc đi làm để trau dồi thêm cho bản thân. Sống tự lập từ sớm, Bảo Trân đã tự trang trải mọi chuyện trong cuộc sống nên việc tiêu tiền của bạn cũng khá dè dặt. Tuy nhiên, Trân luôn cố gắng chi ra một số tiền kiếm được cho việc nâng cao kỹ năng sống và hiểu biết cho bản thân mình.
"Trước đây mình là sinh viên tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hiện tại ngoài việc đi làm, mình cũng đang học thêm văn bằng 2 tại Đại học Luật. Mình cũng có ăn vặt hay uống cafe nhưng chỉ là phần ít, tháng 1 đến 2 lần", Trân chia sẻ.
Trong khi đó, bạn Quỳnh Anh (23 tuổi, Hà Nội) lại có thói quen đầu tư cho bản thân bằng việc mua sách để đọc thêm cũng như tìm hiểu dần về việc gửi tiết kiệm, mua chứng khoán.
"Hàng tháng mình sẽ bỏ ra số tiền nhỏ trong khoản 10 triệu tiền lương của mình để mua sách. Tiền sách mỗi tháng mình mua sẽ hết khoảng 5-600.000 đồng. Phần còn lại mình để tiết kiệm, khi đã nhiều hơn mình sẽ bắt đầu đầu tư mua cổ phiếu hoặc tìm cách sinh thêm lời", Quỳnh Anh cho biết.
Mặc dù không để dư ra được nhiều nhưng những bạn trẻ này đều dùng tiền kiếm ra để đầu tư cho bản thân, vì vậy số tiền mà các bạn kiếm được dù có phải chi tiêu thì cũng đều có ý nghĩa, công dụng về lâu về dài.