HĐND các tỉnh, thành phố cần nỗ lực cao hơn, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn
Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh ngày 21/2.
Sáng nay, 21/2, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023 đã khai mạc tại tỉnh Quảng Ninh. Đây là Hội nghị có quy mô lớn nhất về công tác HĐND do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức với sự tham dự của hơn 320 đại biểu Trung ương và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dự, phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực HĐND 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá: Năm 2022, HĐND đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo luật định và đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn ở từng địa phương; bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa thành các Nghị quyết, cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi, thống nhất, đồng bộ, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của từng địa phương cũng như cả nước trong năm 2022.
Đặc biệt, phương thức tổ chức hoạt động giám sát của HĐND cấp tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, đã thống nhất, chuẩn hóa hoạt động giám sát, khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong giám sát của HĐND. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Kết quả các hoạt động của HĐND ngày càng khẳng định vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở địa phương.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, hoạt động của HĐND còn một số tồn tại hạn chế về chất lượng kỳ họp, hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND có lúc, có nơi còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Bên cạnh đó, dự báo tình hình thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường; đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; những yếu tố bất cập, hạn chế từ nội tại nền kinh tế chưa được xử lý căn bản, ngày càng bộc lộ rõ hơn trong hoàn cảnh khó khăn…
Sau khi nghe báo cáo tóm tắt tổng kết về tình hình tổ chức, hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, trên tinh thần xây dựng, khách quan. Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cũng phác thảo những kết quả nổi bật, nêu những mô hình hay, cách làm mới và những bài học quý, cũng như những tồn tại, hạn chế và đề xuất kiến nghị thiết thực, góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
HĐND các tỉnh, thành phố cần nỗ lực cao hơn, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn
Phát biểu kết luận Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm của các đại biểu, góp phần vào thành công của Hội nghị này. Chủ tịch Quốc hội cũng biểu dương những nỗ lực của HĐND các địa phương đã có những đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn và đạt được những thành tựu rất khả quan.
Trên cơ sở thành tựu và bài học năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị HĐND các tỉnh, thành phố cần nỗ lực cao hơn, trách nhiệm lớn hơn, hành động quyết liệt hơn để thực hiện tốt các công việc như tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối, của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các mục tiêu, định hướng, kế hoạch phát triển của địa phương để thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Đảng đoàn HĐND cần lãnh đạo, chỉ đạo việc tiến hành đánh giá giữa nhiệm kỳ, rà soát toàn diện các lĩnh vực, nhiệm vụ, đề án chưa triển khai hoặc chưa hoàn thành để tìm giải pháp thúc đẩy, khẩn trương thực hiện…
HĐND cần tổ chức tốt, thực hiện Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nhận thức việc lấy phiếu tín nhiệm là công tác trọng tâm của nhiệm vụ trọng tâm, từ đó, xây dựng kế hoạch và các giải pháp khả thi, cụ thể để tiến hành nghiêm túc, tránh hình thức, chiếu lệ…
Đặc biệt, cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, năng lực, uy tín của đại biểu HĐND các cấp gắn chặt với nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ đại biểu HĐND. Đây là công việc quyết định thành bại.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực HĐND các địa phương cần bám sát chỉ đạo của cấp ủy Đảng, soát xét tổng thể phương hướng nhân sự đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031, tiếp tục đổi mới công tác quy hoạch đại biểu chuyên trách nhằm xây dựng đội ngũ đại biểu kế cận thật sự coi trọng chất lượng với cơ cấu. Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các đại biểu HĐND; xử lý nghiêm các trường hợp sa sút về phẩm chất chính trị, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, không còn xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri và nhân dân địa phương.
Năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu, ban hành Quy chế mẫu về hoạt động của HĐND cấp tỉnh. Đồng thời, nghiên cứu đổi mới việc tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND tại 6 khu vực trên cả nước theo hướng không nhất thiết tổ chức hằng năm và sẽ tập trung hơn theo hướng tăng tính liên kết vùng kinh tế, giữa các địa phương có chung đặc điểm văn hóa, xã hội...
Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải có sự chủ động, tăng cường phối hợp công tác với các tầm mức, giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội với HĐND, giữa HĐND các tỉnh, thành phố, giữa HĐND các cấp với nhau, đảm bảo tính đồng bộ, liên thông, hiệu quả, thiết thực, thực chất, không hình thức, không phô trương, không lãng phí.