Doanh nghiệp và bài toán phụ thuộc
Theo Bộ Công thương, xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 371,5 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam khá lớn nhưng có khoảng 74 – 75% giá trị xuất khẩu do các doanh nghiệp (DN) FDI đem lại. Điều này chứng tỏ, xuất khẩu của Việt Nam vẫn do các DN FDI là chính, phụ thuộc quá nhiều vào FDI.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hội DN Thủ Đức cũng băn khoăn: TPHCM luôn là điểm đến của những nhà xuất khẩu, nhập khẩu lớn trên thế giới. Thế nhưng, xuất khẩu của DN FDI ở thành phố chiếm 61%; DN tư nhân, DN Nhà nước được 39%. Đây là vấn đề chúng ta cần phải lưu ý. Kết quả kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của TPHCM có đến 7 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD gồm máy vi tính, linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị, phụ tùng,... “Thử hỏi xem có bao nhiêu DN Việt trong đó” - ông Việt Anh đặt vấn đề.
Tương tự, giá trị xuất khẩu hàng năm của tỉnh Tiền Giang tăng đều qua các năm. Điều này thể hiện phần nào năng lực sản xuất, xuất khẩu của các DN trên địa bàn tỉnh cũng như môi trường đầu tư thông thoáng hơn. Tuy nhiên, theo Sở Công thương Tiền Giang, trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn dựa nhiều vào khối DN FDI, kim ngạch xuất khẩu của khối này chiếm 75 – 80% xuất khẩu.
Trước thực trạng xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào DN FDI, ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng, mục tiêu của Việt Nam khi thu hút đầu tư FDI là phát triển kinh tế đất nước, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm và dần dần thực hiện chuyển giao công nghệ, mô hình cũng kỹ năng quản trị DN. Thế nhưng, để các DN FDI ngoài tận dụng các điều kiện đầu tư tốt ở Việt Nam cần lan tỏa ảnh hưởng đối với DN trong nước.
Đồng quan điểm với Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trần Việt Anh cho rằng, không thể phủ nhận sự phát triển của DN FDI tại khu công nghệ cao TPHCM từ công nghệ đến quản trị DN. Nhưng tiếc là khi DN FDI rút đi họ mang cả sản phẩm đi chứ không có sự kế thừa cho DN trong nước. Cái này chính quyền thành phố cần phải xem lại, khu công nghệ cao cần xem lại để có sự hỗ trợ nhằm mang tính kế thừa cho DN Việt.
Thay vì phụ thuộc quá nhiều vào DN FDI với hình thức “made in Vietnam”, ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội DN Cơ khí - Điện TPHCM cho rằng, cần có những sản phẩm được làm bởi chính con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam. Theo ông Tống, sản phẩm “made by Vietnam” thời gian qua đảm bảo chất lượng nhưng các DN lớn, nhà đầu tư lớn vẫn có tâm lý dùng hàng nước ngoài. Thậm chí, có sản phẩm sản xuất từ Việt Nam, xuất khẩu sang nước ngoài rồi lại đấu thầu, nhập về Việt Nam.
Băn khoăn về vấn đề này, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận, thương hiệu của mình chưa tạo dựng được, đó là điểm cần suy nghĩ. Ông Hoan dẫn chứng, nhiều DN Việt có thể sản xuất các sản phẩm tiêu chuẩn xuất khẩu nhưng không đủ điều kiện đứng ra nhận thầu. Sau đó, các đơn vị trúng thầu lại sử dụng sản phẩm của nước ngoài nhưng thật ra là sản phẩm trong nước xuất khẩu.
Tính từ ngày 1-20/1/2023, trên địa bàn TPHCM có 50 dự án đầu tư nước ngoài được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 86,86 triệu USD. Có 20 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt gần 37,51 triệu USD.