Cẩn trọng khi sử dụng thuốc hạ huyết áp
Thuốc điều trị tăng huyết áp là điều không thể thiếu được đối với bệnh nhân tăng huyết áp. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể bị ngộ độc loại thuốc này, khiến tính mạng bị đe dọa.
Tỷ lệ tử vong cao
Số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có khoảng 1,28 tỷ người trưởng thành từ 30-79 tuổi trên toàn thế giới bị tăng huyết áp. Trong đó, khoảng 2/3 số người sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Mặt khác, ước tính có khoảng 46% người lớn bị tăng huyết áp không biết mình mắc bệnh.
GS. TS Huỳnh Văn Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện trung ương Huế cho biết: Bệnh tăng huyết áp thật sự được quan tâm kể từ thế kỷ 20 do vậy còn có tên là “Kẻ giết người thầm lặng của thế kỷ 20”, do căn bệnh khởi đầu thường không có triệu chứng đặc biệt nào, cho đến khi bệnh nhân vào viện thì đã biến chứng, thậm chí tử vong. Tăng huyết áp gây ra hậu quả tổn thương cơ quan như suy tim, suy mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột tử, tai biến mạch não, suy thận, giảm thị lực, mù mắt... để lại di chứng nặng nề cho bản thân, gia đình và xã hội; đặc biệt với những người không điều trị thì nguy cơ tàn phế, tử vong chiếm đến 1/3 trường hợp trong vòng 10 năm. WHO đã xếp bệnh tăng huyết áp vào nhóm “bệnh dịch không lây”. Thậm chí, so sánh tỷ lệ tử vong với bệnh lý ung thư thì tăng huyết áp thậm chí còn cao hơn ở nhiều nước.
Theo ông Minh, để điều trị tăng huyết áp cần sự phối hợp của người bệnh bằng cách duy trì lối sống lành mạnh kết hợp cùng sử dụng thuốc hạ huyết áp. Đây là căn bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn, do vậy bệnh nhân cần điều trị, dùng thuốc suốt đời.
Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Thông tin từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, vừa qua, cơ sở y tế này đã tiếp nhận và điều trị trường hợp bệnh nhân nam (29 tuổi) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng do ngộ độc thuốc hạ huyết áp. Cụ thể, bệnh nhân uống cùng lúc 43 viên thuốc trị cao huyết áp, sau đó rơi vào tình trạng tụt huyết áp, suy hô hấp, tiên lượng nặng. Để cứu chữa, các bác sĩ quyết định đặt ECMO (hỗ trợ hô hấp - tuần hoàn ngoài cơ thể) để điều trị hỗ trợ tim phổi cho người bệnh. Đây được coi là phương án cuối cùng với hy vọng có thể cứu sống bệnh nhân.
Tương tự, BS Nguyễn Ngọc Tuyền - Khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Bệnh viện đã tiếp nhận và cứu sống một trường hợp bệnh nhân nữ (31 tuổi, TP Hạ Long, Quảng Ninh) ngộ độc thuốc hạ huyết áp Amlodipin trong tình trạng nguy kịch sau khi uống 60 viên thuốc này. Bệnh nhân nhập viện với biểu hiện mệt nhiều, da lạnh, huyết áp tụt sâu… Các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp hồi sức tích cực, như thải độc, truyền dịch, thuốc vận mạch, insulin liều cao, truyền canxi… để cứu bệnh nhân thoát khỏi nguy kịch. Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện.
Chia sẻ thêm, BS Tuyền cho hay, Amlodipin là thuốc được kê đơn khá thường xuyên trong điều trị bệnh lý tăng huyết áp. Tuy nhiên khi sử dụng quá liều sẽ có tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đánh trống ngực, chuột rút… Trường hợp bệnh nhân này cùng thời điểm sử dụng một lượng lớn thuốc Amlodipin (tổng liều lượng 300mg) khiến cơ thể bị nhiễm độc nặng nề, gây suy tuần hoàn nặng và nguy cơ tử vong cao. Rất may mắn, nữ bệnh nhân trên được điều trị kịp thời và đáp ứng khá tốt với phác đồ điều trị. Nhiều trường hợp mặc dù đã được điều trị hỗ trợ bằng các kỹ thuật hiện đại nhất như tim phổi nhân tạo vẫn không thể qua khỏi.
BS Tuyền khuyến cáo, người dân đặc biệt là những người có nền bệnh lý tăng huyết áp nên kiểm tra huyết áp thường xuyên và đến cơ sở y tế khám định kỳ để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, lựa chọn thuốc và kê đơn sử dụng, điều chỉnh liều lượng phù hợp. Từ đó, giúp điều trị bệnh hiệu quả, giảm các nguy cơ tai biến mạch máu não, đột quỵ, suy tim, tránh tác dụng phụ không mong muốn và quá liều gây ngộ độc.
Theo BSCKII Phạm Tuyết Trinh - Trung tâm tim mạch, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, đối với bệnh nhân tăng huyết áp, thuốc điều trị huyết áp phải uống hàng ngày và suốt đời, tuy nhiên liều lượng dùng thuốc còn tùy theo chỉ định của bác sĩ. Mục tiêu của việc chữa trị tăng huyết áp chính là phòng tránh, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Hơn nữa, duy trì việc dùng thuốc để chống tái phát và hạn chế tối đa những chuyển biến xấu của bệnh. Đồng thời, người bệnh cần kiểm tra sức khỏe theo lịch hẹn để bác sĩ theo dõi và có các điều chỉnh thuốc kịp thời, tăng hiệu quả chữa bệnh tối ưu nhất.