Cú hích cho nông nghiệp hữu cơ
Sản phẩm hữu cơ đã trở thành xu hướng sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) của Việt Nam còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, cần sự phát triển ổn định, bền vững.
Hiệu quả nhờ “xanh hóa” nông sản
Quyết định khởi nghiệp với nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ, ông Lại Ngọc Thanh - Giám đốc Công ty cổ phần Thế giới Hạt Dưỡng (HANUTI) Đông Anh, Hà Nội bắt đầu bằng việc xây dựng các vùng nguyên liệu hữu cơ. Để phát triển vùng nguyên liệu, HANUTI đã khảo sát và liên kết với các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi đang canh tác nông nghiệp theo phương pháp truyền thống, chưa hoặc sử dụng rất ít thuốc trừ sâu và phân bón hóa chất. Từ đó HANUTI đã xây dựng chuỗi liên kết với nhiều vùng nguyên liệu sản xuất như vùng nguyên liệu hữu cơ cho các loại hạt bản địa tại tỉnh Cao Bằng; vùng nguyên liệu dâu tằm tại Quảng Ninh, Thái Bình; vùng nguyên liệu mơ tại Bắc Kạn; vùng nguyên liệu mận tại Sơn La; vùng nguyên liệu sấu tại Hà Nam… Sản phẩm được sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ nguồn nguyên liệu hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong quá trình canh tác. Việc liên kết sản xuất đã mang lại lợi ích kép, vừa giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu, vừa tạo sinh kế ổn định cho người dân trong vùng.
Với sự liên kết chặt chẽ về quy trình sản phẩm của Hanuti đã đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế của châu Âu (EU), Mỹ (USDA/NOP), Nhật Bản (JAS)… hiện HANUTI là một trong những sản phẩm tiềm năng, có thế mạnh về OCOP tại thị trường nội địa, đồng thời đang chuyển hướng xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường cao cấp châu Âu, Nhật Bản, Mỹ.
Bà Trịnh Thị Nguyệt - Chủ tịch Hợp tác xã NNHC Đồng Phú (Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, trong sản xuất hữu cơ việc quan trọng nhất là sự liên kết, do đó hợp tác xã đã liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi với mô hình 4 nhà gồm: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà kinh doanh và xây dựng thương hiệu xuất khẩu gạo. Do thực hiện sản xuất hữu cơ cũng như liên kết chuỗi nên giá trị thu nhập của bà con nông dân cao hơn gấp 1,8 lần so với sản xuất thông thường. Bình quân thu nhập trên diện tích sản xuất hữu cơ đạt 185 triệu đồng/ha/năm. Điển hình trong vụ Xuân năm 2022, bình quân thu nhập đạt lợi nhuận 2 triệu đồng/sào, 54 triệu đồng/ha.
Sản xuất hữu cơ, sản phẩm hữu cơ giờ không còn là câu chuyện mới mà đã trở thành xu hướng tiêu dùng, xu hướng sản xuất của doanh nghiệp (DN).
Ông Trần Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam cho biết, sau 3 năm thực hiện Đề án NNHC, đến nay sản xuất NNHC của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm NNHC đạt trên 335 triệu USD/năm và đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Châu Âu là thị trường nhập khẩu chính các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam.
Hướng đến “xanh hóa” nông nghiệp
Tuy nhiên, bên cạnh lý do về cơ chế, chính sách, theo các chuyên gia sản xuất NNHC đang đứng trước thách thức về thu nhập của người sản xuất, sự phức tạp về quá trình sản xuất và giám sát. Hiện tại, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất NNHC do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường tiêu thụ không được cam kết. Ngoài ra, vấn đề đầu ra cho NNHC cũng cần phải giải quyết triệt để. Có một nghịch lý trong sản xuất, tiêu dùng sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam là người tiêu dùng rất muốn mua sản phẩm hữu cơ, sản phẩm an toàn cho sức khỏe nhưng không biết mua ở đâu trong khi đó sản xuất NNHC hiện nay quy mô còn rất nhỏ nhưng vẫn khó tìm thị trường đầu ra.
Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết, năm 2016, lượng phân bón hữu cơ của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 5% (0,8 triệu tấn). Đến nay, lượng phân bón hữu cơ đã tăng lên 20%; tương đương khoảng 3 triệu tấn, và đang không ngừng tăng mạnh
“Hiện nay, tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng đã nâng lên, chiếm khoảng 21%. Đây là những bước tiến rất nhanh chóng nhằm tạo nền tảng cho sản xuất NNHC, nhất là sản xuất lúa trong giai đoạn tới” - ông Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng, sản xuất NNHC không còn là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề chính sách. Việc “xanh hóa” ngành chủ lực xuất khẩu như nông sản đang đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ cao trong toàn bộ ngành nông nghiệp, từ cung ứng nguồn lực đầu vào đến canh tác, nuôi trồng, khai thác, mua, chế biến, bảo quản, phân phối nông sản đến tay người tiêu dùng.
Do đó, Chính phủ cần có định hướng quy hoạch vùng, với các sản phẩm ưu tiên; có cơ chế giao đất dài hạn với hạn điền phù hợp cho mỗi đối tượng sản xuất. Cụ thể là quy hoạch và bảo vệ đất đai và nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn thích hợp cho sản xuất NNHC theo hướng hàng hóa. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm NNHC. Trong việc này, chính sách phải hướng tới người sản xuất và thực tế thị trường chứ không phải hướng tới mục tiêu quản lý DN.
Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam hiện nay đã tăng 4 lần so với trước. Dự báo khoảng 3 năm nữa sẽ đạt chỉ tiêu đặt ra và đến năm 2030 sẽ vượt kế hoạch là 2% về diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ.Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, cần sự phát triển ổn định, bền vững.