Vay tiền ngân hàng, bị ép mua bảo hiểm: Khách hàng có quyền khiếu nại
Trong trường hợp vay tiền ngân hàng, bị ép mua bảo hiểm, khách hàng có quyền khiếu nại hành vi chèo kéo, ép buộc mua bảo hiểm của phía ngân hàng đến cơ quan chức năng.
Ép khách mua bảo hiểm là vi phạm nguyên tắc "tự nguyện"
Vay vốn ngân hàng là một hoạt động đang diễn ra rất phổ biến hiện nay nhằm đáp ứng các nhu cầu về kinh doanh, tiêu dùng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít khách hàng khi liên hệ với các ngân hàng để được giải quyết nhu cầu vay vốn thì đều được tư vấn là khi vay vốn tại ngân hàng, khách hàng sẽ phải tham gia một gói bảo hiểm (bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm khoản vay hoặc các loại bảo hiểm khác) của các doanh nghiệp bảo hiểm mà ngân hàng có liên kết.
Không những vậy, còn có trường hợp nhân viên tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng.
Những điều này đang dẫn đến sự bức xúc với phần lớn người dân, nhiều người cho rằng mình đang bị “ép” phải tham gia bảo hiểm khi không thực sự có nhu cầu và điều kiện không cho phép.
Theo thông cáo mới đây của Bộ Tài chính về việc đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm; hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng đã phát triển nhanh chóng và có đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Tuy vậy, việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng.
"Hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc "tự nguyện" được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm", Bộ Tài chính cho biết.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Đoàn (Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X), căn cứ khoản 4 Điều 10 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi 2010) có quy định nghiêm cấm ngân hàng bán bảo hiểm có các hành vi sau đây: "c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ định, yêu cầu, ép buộc, ngăn cản tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm”.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 73/2016/NĐ-CP có quy định thì tổ chức cá nhân có quyền lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm và không tổ chức, cá nhân nào được phép can thiệp vào sự lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm của bên mua.
Như vậy, hành vi ngân hàng bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm để được giải ngân vay vốn là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về bảo hiểm. Các ngân hàng khi thực hiện hoạt động liên quan đến bảo hiểm thì chỉ được khuyến khích khách hàng tham gia bảo hiểm trên tinh thần tự nguyện mà không được bắt buộc hay lấy đây làm điều kiện bắt buộc khách hàng thực hiện mới được giải ngân vay vốn.
Khách hàng có quyền khiếu nại
Theo Luật sư Đoàn, trong trường hợp nhân viên ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn, khách hàng có quyền khiếu nại hành vi chèo kéo, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nêu trên của phía ngân hàng đến cơ quan chức năng về hành vi vi phạm này.
Cụ thể, căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Nghị định 98/2013/NĐ-CP (bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 48/2018/NĐ-CP) quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về triển khai bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe là phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm, trong đó có bao gồm việc ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo hợp đồng bảo hiểm chính hay ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức
Hơn nữa có thể bị đình chỉ hoạt động từ 2 - 3 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động.
Công văn số 1544/BTC-VP của Bộ Tài chính đã công bố đường dây nóng (số điện thoại, email) để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về các sản phẩm bảo hiểm biến tướng nêu trên.
Do đó, công dân có thể gọi cho Hotline của Ngân hàng Nhà nước: (024) 388266344, (024) 3936.1017 hoặc gửi email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn để phản ánh tình trạng ngân hàng ép khách hàng đi vay vốn mua bảo hiểm.