Nguyễn Mạnh Hùng với “Tất cả khởi hành”
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng được biết đến với tư cách là một người có nhiều đóng góp vào nghệ thuật đương đại. Thời gian qua, Nguyễn Mạnh Hùng tập trung sáng tác, chiêm nghiệm, và tham gia các hoạt động từ thiện. Sau 7 năm, anh xuất hiện trở lại với bộ tác phẩm mới: “Tất cả khởi hành”.
Nguyễn Mạnh Hùng bắt đầu sự nghiệp sáng tác từ năm 1998 bằng chất liệu sơn dầu trên vải, đây cũng là điểm mạnh nhất trong các kỹ năng thực hành mỹ thuật của anh. Tuy nhiên phần lớn các ý tưởng xuất hiện trong đầu anh lại bắt nguồn từ những hình ảnh trong không gian 3 chiều chứ không giới hạn trên mặt phẳng. “Để đáp ứng những hình ảnh đó, tôi chọn hình thức mỹ thuật siêu thực, có không gian hiện thực và lắp ghép các vật thể hình khối với nhau, nhằm tái hiện ý tưởng giống như mình muốn nhất. Khi có đủ điều kiện tài chính, tôi sẽ chuyển các ý tưởng đó thành điêu khắc, hoặc sắp đặt trên không gian 3 chiều” - Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Với anh, việc khám phá thể nghiệm nằm trong một tiến trình để hiện thực hoá ý tưởng. Nếu ý tưởng đó chỉ hạn hẹp trong lĩnh vực hội hoạ thì anh chỉ cần vẽ tranh, không cần tìm tòi, thể nghiệm gì: “Tuy nhiên, nghệ thuật cực kỳ phong phú và công chúng thì đa dạng, cho nên mỗi một khám phá và thể nghiệm mới sẽ giúp cho mỹ thuật có sự tiến hoá và đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của thời đại mới hơn”.
Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, những chật vật của đời sống mà anh trải nghiệm chính là yếu tố quan trọng để tác phẩm có “câu chuyện”. Triển lãm gần đây nhất “Tất cả khởi hành” của anh trưng bày tại Galerie Quỳnh (diễn ra từ ngày 15/2 đến 1/4/2023) xuất phát từ kiến giải cá nhân anh về giáo lý đạo Phật.
Bắt đầu nghĩ về việc sáng tác với các chủ đề liên quan đến tín ngưỡng từ khoảng 10 năm trước, nhưng khi đó Nguyễn Mạnh Hùng chưa phải Phật tử, chưa học giáo lý nên cũng chưa đủ điều kiện để tạo nên tác phẩm. Sau khi đã trải nghiệm đời sống giữ giới, học giáo lý... anh thấy cuộc sống bản thân có những thay đổi về nhận thức. Nhiều bài học mới, nhiều thử thách xuất hiện hơn. “Từ trải nghiệm của chính mình, tôi cũng nhận thấy nhiều người giống tôi, tìm đến nơi nương tựa tinh thần” - Nguyễn Mạnh Hùng tâm sự và cho biết, chính ý tưởng đó đã thúc giục anh sáng tác loạt tác phẩm ‘Tất cả khởi hành’”.
Khoảng thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành cũng khiến Nguyễn Mạnh Hùng suy tư nhiều hơn về cái chết. Hùng cho biết, anh muốn diễn tả cái chết giống như một chuyến đi và mỗi người đều có hành lý của mình. Trong hành lý chỉ có nghiệp mà chính người đó đã tạo khi còn sống, “hành lý” nặng hay nhẹ do bản thân mỗi người quyết định. “Tương tự các triển lãm trước kia, tôi đã chuyển tải các hình tượng “chuyến đi” trong triển lãm này trên nhiều chất liệu khác nhau như phác thảo trên giấy, sơn dầu trên vải, điêu khắc kim loại và tại phòng triển lãm là sắp đặt biệt vị với kích thước tương tác cho người thật” – anh cho biết.
Khi triển lãm ở nước ngoài, nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Hùng nhận thấy mức độ quan tâm của công chúng nơi đó với mỹ thuật rất mật thiết. Công chúng coi việc đi xem triển lãm, bảo tàng nghệ thuật như là một nhu cầu của cuộc sống. Thậm chí phải xếp hàng dài để trả tiền mua vé vào xem triển lãm mỹ thuật: “Tuy nhiên ai cũng biết lý do là họ coi trọng việc tạo nên hệ sinh thái gồm có: nền giáo dục mỹ thuật, thị trường mỹ thuật, hội chợ mỹ thuật, nhà đấu giá nghệ thuật, hệ thống bảo tàng mỹ thuật, các chuyên gia phê bình, lực lượng nghệ sỹ sáng tác... Do vậy, để trả lời câu hỏi làm thế nào để nghệ thuật Việt Nam tiếp tục ra thế giới thì: chỉ cần có hệ sinh thái như trên. Khi hệ sinh thái này lớn mạnh lên thì giá trị tinh thần của tác phẩm sẽ được chuyển hoá sang giá trị vật chất và điều này giúp cho các nghệ sĩ sáng tác có được thu nhập tốt.
Nguyễn Mạnh Hùng kể: “Có một người hỏi tôi là: - Anh làm nghề gì? Tôi nói tôi là hoạ sĩ, người đó hỏi đại khái là: - vậy thu nhập sẽ như thế nào? Tôi hỏi lại người đó: - Trong nhà anh/chị treo cái gì trên tường? Có treo tranh vẽ không? Người đó trả lời: “Không”. Vậy nên tôi bảo: Nghề của tôi làm cái thứ mà không ai cần thì anh/chị biết thu nhập ra sao rồi đấy”.