Học tiếng đồng bào để gần dân
Đóng quân nơi biên giới, để hoàn thành nhiệm vụ, những người lính thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực tham gia học tiếng đồng bào để đến gần với người dân, giúp dân hiệu quả. Qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vững chắc thế trận lòng dân.
A Lưới là một huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là địa phương có hơn 80km đường biên với 12 xã tiếp giáp nước bạn Lào. Ngoài ra, A Lưới là địa bàn trọng điểm, tiềm ẩn nguy cơ về hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép, di cư tự do. Vì thế, việc hiểu tiếng nói, biết chữ viết và nắm chắc được phong tục, tập quán của đồng bào sẽ là con đường ngắn nhất để được lòng dân.
Trung úy Đỗ Xuân Công - Đội trưởng Đội Trinh sát (Đồn Biên phòng Nhâm) cho biết, anh được điều động lên huyện A lưới công tác được gần một năm. Đặc thù công việc thường xuyên xuống địa bàn, gặp gỡ, trò chuyện với người dân mà không biết tiếng đồng bào nên rất khó khăn.
“Do đó, tôi cũng như nhiều cán bộ khác đã tham gia lớp học tiếng của đồng bào do Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Bên cạnh đó, bản thân cũng tích cực tìm hiểu tài liệu, học qua đồng đội, những lúc rảnh thì gặp gỡ người dân địa phương để giao tiếp, trò chuyện. Đến nay, cơ bản tôi đã nói và hiểu được tiếng của đồng bào” - Trung úy Công chia sẻ.
Theo chân cán bộ Đội Vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Hương Nguyên) xuống địa bàn, chúng tôi đã được nghe những lời đối thoại bằng tiếng Tà Ôi của cán bộ Biên phòng và người dân địa phương.
Trung tá Lê Văn Tuấn - Chính trị viên Đồn Biên phòng Hương Nguyên cho biết: Địa bàn do đơn vị quản lý gồm hai xã A Roàng và Hương Nguyên thuộc huyện A Lưới, với 1.009 hộ dân, trong đó dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Cô - Vân Kiều chiếm hơn 90%. Chính vì vậy, chúng tôi đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị học tiếng và hiểu được phong tục, tập quán của đồng bào trên địa bàn đơn vị phụ trách để thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ”.
Già làng Nguyễn Minh Sang (trú tại huyện A Lưới) khẳng định, trong quá trình công tác, cán bộ Biên phòng nói và hiểu được tiếng dân tộc thông qua giao tiếp với bà con dân bản thì nhanh chóng hòa nhập, tạo được niềm tin với cộng đồng dân cư, hiểu phong tục, tập quán và kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.
“Khi dân hiểu, dân tin thì việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như hướng dẫn đồng bào biết cách làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn minh sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều” - già làng Sang nhấn mạnh.
Đại tá Phạm Tùng Lâm - Chính ủy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thực hiện Đề án học tiếng dân tộc của Bộ tư lệnh BĐBP, những năm qua, Đảng ủy, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND huyện A Lưới mở các lớp học tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên địa bàn biên giới của huyện A Lưới.
“Qua đó, không chỉ giúp cán bộ, chiến sĩ am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào mà còn nghe hiểu, nói được tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc. Đây chính là cầu nối giữa cán bộ, chiến sĩ với người dân, để “nghe dân nói, nói dân hiểu”, tạo được niềm tin yêu của quần chúng nhân dân, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ” - Đại tá Lâm khẳng định.
Việc sử dụng thành thạo ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào đã nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động. Bên cạnh đó, công tác xây dựng mối đoàn kết với cấp ủy, chính quyền địa phương và đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới; giúp nhân dân phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh sẽ thuận lợi hơn khi quân với dân cùng chung tiếng nói.