Ẩn họa từ những chiếc sà lan
An toàn giao thông đường thủy trên tuyến sông Đồng Nai chưa bao giờ hết “nóng”. “Ẩn họa” từ những chiếc sà lan chở hàng quá mớn nước, ì ạch bập bềnh giữa sóng nước không thể chủ quan...
Kìn kịt “ụ nổi di động”
Đồng Nai có mạng lưới sông, kênh với chiều dài lên tới hơn 2.500km, trong đó sông Đồng Nai có lưu vực rộng lớn nhất. Sông Đồng Nai đoạn chảy qua TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và Nhơn Trạch là khu vực đông đúc phương tiện đường thủy qua lại, nhất là các sà lan ra, vào các cảng, bến thủy nội địa để bốc dỡ hàng hóa.
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai, tổng số lượng bến thủy nội địa có phép hoạt động trên địa bàn tỉnh là 100 cảng, bến, gồm 69 cảng, bến hàng hóa, vật liệu xây dựng và 31 bến khách ngang sông. Không quá khi nói rằng, khu vực Đồng Nai là “công xưởng” của các bến thủy nội địa. Ngoài số lượng bến cảng nhiều bậc nhất các tỉnh, thành khu vực phía Nam, chỉ riêng trên đoạn tuyến sông Đồng Nai, chảy qua TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu mỗi ngày ghi nhận có hàng trăm chuyến tàu ra vào nhập hàng, chủ yếu là sà lan chuyên chở vật liệu xây dựng. Tính trung bình một cảng hàng hóa tiếp nhận khoảng trên dưới 10 lượt sà lan/ngày thì tổng số lượng cũng đã vào dạng “khủng”.
Ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết tại tuyến sông Đồng Nai (đoạn cầu Ghềnh, TP Biên Hòa) cho thấy, mỗi ngày, tuyến đường thủy nội địa trên sông Đồng Nai có hàng trăm chuyến tàu, chủ yếu là sà lan chuyên chở vật liệu xây dựng lưu thông.
Bà Ngọc Thanh - phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa cho biết, nhà tôi ở đây sát sông Đồng Nai, ngày nào cũng thấy sà lan. Nghe bảo đây là tuyến sông chính của sà lan đi hàng nên nó chạy nhiều cũng đúng thôi. Ngày vài trăm chiếc ra vào chứ đâu có ít”.
Chở được bao nhiêu thì cứ chở?
Theo quan sát, đa số các phương tiện đều chở hàng quá mớn nước. Thậm chí có những chiếc sà lan chở vật liệu xây dựng như: đất, đá, gạch… ghi nhận nước ngập hết mạn, tràn lên cả boong, chỉ nhô lên phần cơi hầm hàng. Bất chấp việc mất an toàn, những “ngọn núi di động” đầy ắp vật liệu xây dựng vẫn ì ạch vượt sóng.
Ông H.V.H - phường Tân Vạn, TP Biên Hòa có nhà sát bờ sông, nói: “Ngày nào cũng có sà lan chở đất đá xi măng qua đây. Bằng mắt thường có thể thấy là chở quá tải rồi. Đôi lúc, nhiều chiếc có cảm giác chỉ cần gặp sóng mạnh là bị chìm. Nhất là vào cuối giờ chiều đến đêm, hầu hết sà lan đều chở hàng mấp mé mép nước. Rất nguy hiểm”.
Ông L., một tài công lâu năm khẳng định, rất khó để xác định các sà lan hay tàu chở hàng có quá tải hay không. “Xe tải chở quá tải còn cân được là vi phạm hay không. Còn sà lan thì sao mà cân được. Chủ yếu là các chủ bến và tài công nhắm chừng chở được bao nhiêu thì chở. Miễn sao đáp ứng độ an toàn khi lưu thông là được” - ông L. nói.
Tuy nhiên, vị tài công này cũng thừa nhận, đa phần các phương tiện thủy chở các mặt hàng vật liệu xây dựng gần như đều có dấu hiệu quá tải. “Đa số các tàu, sà lan này có trọng tải từ 150 đến 1.500 tấn. Đôi lúc cũng hồi hộp lắm, nhưng chở lâu thành quen. Sợ nhất là khi đang chạy trên sông, nếu gặp tàu ngược chiều, tốc độ cao sẽ tạo sóng, gây nguy hiểm cho phương tiện” - ông L. cho hay.
Liên tiếp tai nạn giao thông đường thủy
Từ đầu năm 2023 đến nay, trên sông Đồng Nai đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường thủy. Cụ thể, ngày 5/1, sà lan chở cát số hiệu LA-07291 khi lưu thông trên sông Đồng Nai, đoạn từ ngã ba mũi Đèn Đỏ về khu vực cảng Cát Lái, khi còn cách bờ phía huyện Nhơn Trạch khoảng 100m thì xảy ra sự cố va chạm với phà Cát Lái số hiệu SG-5889 lúc này đang chở khách từ phía TPHCM sang tỉnh Đồng Nai. Cú va chạm khiến chiếc phà chở khách bị hư hỏng phần vỏ ở mạn đuôi. Rất may là không có thương vong xảy ra.
Mới đây nhất, vào ngày 5/2, tài công Nguyễn Trường Chinh (28 tuổi) trú tại TP Biên Hòa điều khiển đò số hiệu ĐN-1228 chở 12 khách trên sông Đồng Nai, đoạn từ bờ phía chùa Châu Đốc 3, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh sang phía TP Biên Hòa, đến đoạn giữa sông, chiếc đò va chạm với sà lan số hiệu VL-15108. Sau cú va chạm, chiếc đò bị lật úp, 12 hành khách đều rơi xuống sông, trong đó có chị N.T.H. (32 tuổi) đang mang thai 3 tháng, trú tại phường An Bình, TP Biên Hòa bị đuối nước dẫn đến tử vong.