Thúc đẩy mục tiêu phát triển kinh tế số

H.Hương 23/02/2023 06:38

Mặc dù đứng đầu khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương về chuyển đổi tư duy hướng tới kinh tế số, song Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số như chưa đồng bộ về hạ tầng, năng lực kết nối số còn thấp, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao...

Rất cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển kinh tế số.

Thay đổi tư duy về chuyển đổi số

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, cách mạng công nghiệp 4.0 là một cơ hội rất lớn để một quốc gia vươn lên trình độ phát triển cao hơn.

Còn theo tính toán của Công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG), nếu tận dụng được cách mạng công nghệ 4.0 và phát triển kinh tế số có thể đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, đến năm 2030, GDP của nước ta có thể tăng thêm từ 28,5 - 62,1 tỷ USD, tùy theo mức độ ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp (DN), tương đương với mức tăng thêm từ 7-16% GDP (so với kịch bản không tham gia cách mạng công nghệ 4.0). Cách mạng công nghệ 4.0 sẽ làm tăng ròng từ 1,3 - 3,1 triệu việc làm, mặc dù có thể làm thay đổi cấu trúc việc làm trong nền kinh tế. Đến năm 2030, năng suất lao động tính bằng GDP/lao động sẽ tăng thêm từ 315 - 640 USD.

Các hiệu quả của kinh tế số được nhìn thấy rõ. Song câu hỏi đặt ra là: Liệu mục tiêu phát triển kinh tế số có khả thi không khi mà nhiều DN Việt Nam chưa xác định được mục tiêu chuyển đổi số, cũng như thiếu nhân sự phục vụ chuyển đổi số cả về lượng và chất.

Báo cáo thường niên về chuyển đổi số DN 2022 cho biết, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của DN Việt Nam thấp, quá trình thực hiện chuyển đổi số trong DN còn rời rạc, chưa có sự kết nối mang tính đồng bộ giữa các khâu vận chuyển hàng hóa, quản lý kho hàng, bán hàng, quản lý nhân hay các nghiệp vụ kế toán. Thực tế, chỉ có khoảng 20% – 30% DN được khảo sát là có ứng dụng công nghệ số trong một số nghiệp vụ một cách thường xuyên.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số nêu quan điểm, trọng tâm của chuyển đổi số trong DN bị đặt sai chỗ, từ việc hiểu chuyển đổi số là tiến trình tạo ra sự đột phá về năng suất thì nhiều DN vẫn đang hình dung là một dự án về công nghệ thông tin.

Ngoài ra Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản trong quá trình phát triển kinh tế số như hạ tầng chưa đồng bộ, năng lực kết nối số còn thấp, nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế số còn thiếu và yếu, thiếu quy định về bảo vệ người tiêu dùng...

Đảm bảo hạ tầng số

Theo tính toán của Vụ Kinh tế số và Xã hội số, quy mô nền kinh tế số ghi nhận sự tăng trưởng trên cả 3 khía cạnh: kinh tế số ICT, kinh tế số nền tảng và kinh tế số ngành trong suốt 3 quý năm 2022. Trong đó, hoạt động có đóng góp nhiều nhất cho kinh tế số là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin (chiếm khoảng 30% tổng giá trị đóng góp của kinh tế số), tiếp đến là thương mại điện tử (14,3%), sản xuất phần cứng (12,83%) và hoạt động có tốc độ tăng trưởng cao nhất là thông tin nội dung số. Số liệu tạm tính, đóng góp của kinh tế số cho GDP quý III/2022 ước đạt tỷ trọng khoảng 14,26%, trong đó: kinh tế số ICT đóng góp khoảng 7,15%; kinh tế số nền tảng ước tính đóng góp 2,84% và kinh tế số ngành ước tính đóng góp khoảng 4,28%.

Do vậy, theo khẳng định của ông Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, để có kinh tế số thì phải có thị trường số, phải có không gian số, dữ liệu số và quan trọng là phải đảm bảo hạ tầng số. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên muốn có kinh tế số là phải bảo đảm hạ tầng số đến tận người dân. Để phát triển kinh tế số, cần hướng dẫn người dân về ứng dụng số, đặc biệt vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo sử dụng điện thoại thông minh, hướng dẫn mua bán hàng hóa qua điện thoại thông minh…

Theo Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam Nguyễn Văn Khoa, để phát triển kinh tế số, cần sự quyết tâm vào cuộc của toàn xã hội, đặc biệt là nhóm DN có vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số.

H.Hương