Gạo Việt bám thị trường để bứt tốc
Xuất khẩu gạo đang có nhiều tín hiệu tích cực về thị trường, kỳ vọng xuất khẩu cả năm thắng lớn. Theo đó, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1/2023 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn.
Nhiều triển vọng tích cực
Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến giữa tháng 2/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 579.793 tấn gạo, trị giá 304,8 triệu USD. Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, giá xuất khẩu gạo trung bình trong tháng 1/2023 đạt 519,3 USD/tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022, đây chính là tín hiệu tích cực cho xuất khẩu gạo trong năm 2023.
Theo đó xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1/2023 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước. Trong tháng 1 cũng ghi nhận mức tăng trưởng 100% sang thị trường Indonesia. Xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia chiếm 24% tổng xuất khẩu của cả nước, tương đương 85.925 tấn (chủ yếu là chủng loại gạo trắng cao cấp và gạo thơm).
Với thị trường nội địa, dự báo giá tiếp tục ổn định ở mức cao do vụ Thu Đông sản lượng thấp hơn mọi năm và phải đến giữa tháng 3/2023 vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới bước vào cao điểm thu hoạch vụ Đông Xuân 2022- 2023.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm 2023, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ. Tính đến ngày 15/2, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 463 USD/tấn (FOB), tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương với giá gạo của Thái Lan cùng chủng loại, cao hơn 20 - 23 USD/tấn so với gạo 5% tấm của Ấn Độ, Pakistan.
Dự báo về giá cả cũng như thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, tại Hội nghị đánh giá hoạt động xuất khẩu gạo năm 2022 và bàn phương hướng xuất khẩu gạo năm 2023 do Bộ Công thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Phúc Nam - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi dự báo, xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp (DN) gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
Tương tự nhận định về triển vọng cho ngành gạo, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch VFA cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc, châu Phi... nhìn chung trong quý I- II/2023 sẽ ổn định do các nước đang tăng cường dự trữ lương thực.
Bám sát tín hiệu thị trường
Bên cạnh những yếu tố khách quan do phản ánh từ các DN cho biết, năm 2023 ngành gạo Việt Nam cũng có nhiều lợi thế từ các ưu đãi mà Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) mang lại. Đơn cử như ở thị trường EU, ông Nguyễn Văn Nhật - Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Minh Nhật cho biết, theo EVFTA, Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn, trong đó 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 tấn gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do đó, các đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên thì được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho DN nhập khẩu. Do đó, các DN nên tìm cách gia tăng sản lượng chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế.
Bên cạnh những triển vọng, cơ hội, cộng đồng DN xuất khẩu gạo cho biết, hiện nay vấn đề vốn đang là bài toán nan giải nhất với các DN vì vậy, việc thu mua và dự trữ gạo khi giai đoạn thu hoạch vụ Đông Xuân đang đến gần gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất gạo cũng như chi phí vận tải đang tăng cao, thậm chí là hình thành mặt bằng giá mới do ảnh hưởng của thiên tai và biến động địa chính trị.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hạn mức được vay vốn đối với mặt hàng lúa gạo trong năm 2022 còn thấp. Đặc biệt là giai đoạn thu hoạch, DN không có vốn thu mua và dự trữ nên lợi nhuận của thương nhân và người trồng lúa bị ảnh hưởng. Ngoài ra, DN còn bị chậm trong việc hoàn thuế, có khi vài năm mới hoàn thuế được.
“Ngân hàng Nhà nước xem xét và sớm đề xuất với các ngân hàng thương mại về khả năng cho vay không tài sản bảo đảm, áp dụng trong khoảng thời gian cao điểm thu hoạch mùa vụ. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nâng tỷ lệ tín dụng dành cho doanh nghiệp kinh doanh gạo” - ông Nam đề xuất.
Ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhìn nhận, thị trường vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao cũng như tình hình lạm phát trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác. Do đó VFA và các DN xuất khẩu gạo cần theo sát tín hiệu từ các thị trường. Đặc biệt, DN cần nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do.
Sản lượng xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng ĐBSCL
Về nguồn cung gạo, theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa. Diện tích gieo trồng của Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 ước khoảng 3,83 triệu ha, năng suất bình quân khoảng 6,27 tấn/ha, sản lượng ước đạt 24 triệu tấn lúa. Lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu năm 2023 ước khoảng 13,2 triệu tấn, tương đương 6,6 triệu tấn gạo. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,5 triệu tấn đến 7 triệu tấn.