Nhiều người lên tiếng vì bị ép mua bảo hiểm, cơ quan thanh tra vào cuộc

Linh Trang 23/02/2023 19:25

Mặc dù việc mua bảo hiểm được tư vấn là tự nguyện và người dân gặp khó mới đến gõ cửa vay ngân hàng, vậy nhưng vẫn không ít trường hợp người vay lại bị "bắt chẹt" phải mua bảo hiểm mới được giải ngân.

Một cổ hai tròng

Cần vay một số tiền lớn để mở cửa tiệm cafe trên đất Hà Nội, chị N.T.M. (28 tuổi) đã tới vay tiền tại một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân trên địa bàn thành phố với hạn mức vay là 250 triệu đồng cùng giấy tờ thế chấp là sổ hộ khẩu.

Tuy nhiên, khi tới ngân hàng, chị M. được yêu cầu muốn ưu tiên giải ngân cho vay thì "bắt buộc" phải mua bảo hiểm nhân thọ có mức phí "ưu đãi" là 5 triệu đồng/năm của công ty bảo hiểm có liên kết với ngân hàng này.

Vì đã đầu tư một khoản lớn cho cửa hàng, chị M. đành chấp nhận đăng ký mua bảo hiểm và được hướng dẫn về việc có thời hạn cân nhắc huỷ hợp đồng bảo hiểm trong vòng 15 ngày làm việc. "Do không có nhu cầu sử dụng bảo hiểm nên tôi đã đến ngân hàng và yêu cầu huỷ hợp đồng. Tuy nhiên bạn nhân viên làm việc cùng tôi lại yêu cầu phải tất toán toàn bộ khoản vay nợ trong một lần dù mới được giải ngân", chị M. bức xúc chia sẻ.

Theo nhân viên làm hợp đồng, do khoản vay của chị M. được hỗ trợ dựa trên khách hàng tham gia sản phẩm bổ trợ của ngân hàng để được ưu tiên giải ngân sớm. Khách hàng có quyền không tham gia mua bảo hiểm tuy nhiên sẽ phải đợi hợp đồng giải ngân được duyệt.

Chị M. cho biết, lúc trước bạn mình cũng từng đi vay ngân hàng và chọn không mua bảo hiểm rồi cuối cùng phải đợi đến gần một năm hợp đồng mới được duyệt. "Nếu cứ như vậy cửa hàng tôi khó mà hoạt động được, chưa kịp có lãi đã phải tính toán phí duy trì hàng tháng", chị M. bức xúc chia sẻ.

Cũng giống chị M, anh Bùi Ngọc Tuấn (35 tuổi) vừa đóng khoản bảo hiểm nhân thọ hàng năm là 30 triệu đồng chia sẻ, do cần tiền để mua nhà nên đã vay ngân hàng 2 tỷ đồng từ năm 2020. Khi đó nhân viên ngân hàng yêu cầu muốn được giải ngân số tiền nhanh thì phải mua bảo hiểm nhân thọ với số tiền 30 triệu đồng, sẽ được rút lại và hủy khi không có nhu cầu.

Do không được tư vấn cặn kẽ, anh Tuấn chấp nhận đóng 30 triệu đồng trên 2 tỷ đồng để mua bảo hiểm và được ngân hàng nhanh chóng giải ngân tiền. Tuy nhiên, vào đầu năm 2019 nhân viên của công ty bảo hiểm đã gọi điện yêu cầu anh nộp tiếp 30 triệu đồng nữa.

Nhiều người chấp nhận mua bảo hiểm vì cần vay tiền gấp tại ngân hàng. (Ảnh minh hoạ).

Khi hỏi lại anh mới biết đây là gói đầu tư bảo hiểm và mỗi năm phải đóng 30 triệu đồng. Với gói này, nhà đầu tư có thể dừng tham gia sau 5 năm thanh toán đủ, tuy nhiên để lấy lại tiền phải đợi thêm 3 năm giải ngân nữa để đủ cả gốc lẫn lãi. Nhà đầu tư muốn hủy hợp đồng sau năm đầu thì coi như mất trắng không lấy về được đồng nào.

"Lúc đấy cũng nghĩ thôi chấp nhận nộp tiền bảo hiểm, tự an ủi là một khoản tiết kiệm nhưng đến năm nay sau Covid-19 tình hình gia đình khó khăn, không thể một lúc lo đủ 30 triệu để đóng, nhưng nhân viên tư vấn lại cho biết nếu muốn huỷ hợp đồng trước thời hạn thì khoản tiền thu về hiện giờ chỉ khoảng 20%, coi như mất trắng gần 4 năm ròng đã đóng tiền nên đành chấp nhận vay mượn để đóng bảo hiểm", anh Tuấn cho biết.

Buồn rầu chia sẻ, "Biết là bị ép mua với đóng bảo hiểm kiểu như vậy tôi đã không cố chấp vay, nhưng đợi để được giải ngân thì cũng chẳng biết đến bao giờ, vừa phải trả nợ khoản vay mua nhà vừa phải chấp nhận đóng bảo hiểm theo năm, giờ cũng chẳng biết kêu với ai".

Cú "bắt tay" giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thoả thuận phân phối độc quyền giữa một ngân hàng và bảo hiểm Prudential ước tính mức phí trả trước mà ngân hàng nhận được có thể lên đến 3.500 tỷ đồng, đồng thời ước tính doanh thu từ phí bảo hiểm cũng sẽ tăng khoảng 30 - 40% hằng năm trong vòng 5 năm tiếp theo.

Trong khi đó, mức phí trả trước mà một ngân hàng khác có thể nhận được từ thương vụ ký độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ của Sun Life là 370 triệu USD, tương đương hơn 8.500 tỷ đồng.

Trong năm 2022, một ngân hàng cổ phần lớn và bảo hiểm AIA ký gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền lên 19 năm thay vì 15 năm như ban đầu. Phía Công ty Chứng khoán Yuanta cũng ước tính ngân hàng này nhận về khoảng 8.000 tỷ đồng từ thương vụ này.

Một ngân hàng có công ty con là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ và trong năm 2022 đã thu về hơn 10.180 tỷ đồng từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm ( tăng 21% so với năm trước), đóng góp vào gần 72% tổng doanh thu mảng dịch vụ.

Chính vì thế, sau những cú "bắt tay" giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm cũng như lợi nhuận từ việc bán bảo hiểm mang lại, không ít ngân hàng đã thiết kế sản phẩm theo hướng cài cắm bảo hiểm vào dịch vụ ngân hàng hoặc ép nhân viên phải tìm mọi cách để khách hàng có đi đường nào cũng dẫn đến việc mua bảo hiểm.

Các cơ quan thanh tra vào cuộc

Trước tình trạng "bán bia kèm lạc" đang liên tục được người dân phản ánh, Bộ Tài chính nhận định, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) phát triển nhanh và có những đóng góp nhất định vào tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam, khoảng 20% tổng doanh thu phí của bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của bảo hiểm phi nhân thọ.

Tuy vậy, Bộ đánh giá việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay.

Bộ Tài chính đánh giá, "Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc 'tự nguyện' được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm".

Theo đó, cơ quan này đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Dự kiến sẽ được thực hiện tại cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp với cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm quản lý chặt chẽ các ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc hợp tác bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng...

Bộ Tài chính nhấn mạnh, "Các cơ quan quản lý của Bộ Tài chính tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay hình thức giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào các sản phẩm liên kết trái với quy định pháp luật...".

Ngoài ra, Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng đã trao đổi, làm việc, thống nhất thiết lập đường dây nóng của cả hai cơ quan để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng (trong giờ hành chính).

Đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước:

(024) 3.826.6344

(024) 3.936.1017

- Email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn

Linh Trang