Đồng hành cùng doanh nghiệp
Chỉ trong vòng 5 ngày, UBND TPHCM đã tổ chức 1 hội nghị, 1 tọa đàm với doanh nghiệp trên địa bàn: Hội nghị ngày 17/2, với doanh nghiệp “nội” và cuộc tọa đàm với khối doanh nghiệp “ngoại” vào ngày 22/2. Cả hai sự kiện diễn ra trong bối cảnh kinh tế TPHCM đang đối diện với nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng buộc phải cho công nhân giãn việc, nghỉ việc.
Ngày 22/2, phát biểu tại tọa đàm với lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp (DN) nước ngoài, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, thành phố sẵn sàng lắng nghe và giải quyết ngay những gút mắc của DN. Trường hợp ý kiến cần có sự tham gia giải quyết liên ngành sẽ giải quyết và phúc đáp trong 1 tháng. TPHCM luôn hoan nghênh nhà đầu tư nước ngoài, sẽ tạo điều kiện đất đai, nhân lực, thủ tục… cho DN. Từ nay đến năm 2025, TPHCM sẽ lần lượt công bố các lĩnh vực kêu gọi đầu tư cùng những chính sách ưu đãi để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nước ngoài tham gia đầu tư.
Trước đó, ngày 17/2, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM đã chủ trì Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của DN trên địa bàn thành phố. Phát biểu tại hội nghị, ông Nên nhấn mạnh, thành phố sẽ đẩy mạnh hơn nữa và cải cách ở từng cơ quan cho đến hệ thống chính quyền. Phải làm sao công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh các mối quan hệ giữa DN và chính quyền. Trong bối cảnh càng khó khăn thì lại càng phải nỗ lực.
“TPHCM cam kết tiếp tục chỉ đạo, khó khăn ở đâu tháo gỡ tới đó; khuyến khích các DN nếu thấy chính sách nào không phù hợp thì đề xuất ngay cho lãnh đạo thành phố “ - ông Nên nhấn mạnh.
Có thể thấy, lãnh đạo TPHCM thực sự quyết tâm đồng hành cùng DN, tạo mọi điều kiện cần thiết để DN phát triển, cũng là để kinh tế thành phố phát triển. TPHCM chú trọng cả hai khối DN: nội và ngoại, không thiên lệch mà là hỗ trợ phát triển một cách công bằng.
Trước quyết tâm của lãnh đạo TPHCM, cộng đồng DN cũng đã nêu ra những khó khăn vướng mắc đang gặp phải, cần được thành phố vào cuộc tháo gỡ. Nếu như đại diện khối DN ngoại chủ yếu đề xuất về việc giải quyết sớm thủ tục đầu tư, thì DN trong nước nêu lên nhiều “nút thắt” hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA), cho biết nhiều DN đang bị thiếu đơn hàng và bị cạnh tranh gay gắt về giá, không ít khách hàng đưa ra mức giá chỉ bằng 50% so với mức bình thường, thậm chí có khách hàng đưa ra chỉ bằng 40%. Từ cuối năm 2022 tới nay, nhiều DN đã phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất. Ông Hòa cũng cho rằng, những khó khăn từ thị trường bất động sản đã lan sang các ngành khác, khiến một số ngành “vạ lây”. Cụ thể, giá thép giảm 60%; xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%. “Sự sụt giảm của niềm tin trên thị trường bất động sản khiến mọi thứ gần như đóng băng và có khả năng còn kéo dài” - ông Hòa nói.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may - Thêu đan TPHCM cho biết, hiện nhiều DN chỉ sản xuất cầm chừng vì thiếu đơn hàng và lại khó thêm khi khó vay vốn ngân hàng, dễ dẫn tới nợ xấu. Còn ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vietravel nêu vấn đề trong bối cảnh sức khỏe tài chính của DN yếu đi sau Covid-19 thì việc khó tiếp cận vốn giống như DN “không có ôxy để thở”. Ông Kỳ phân tích, trong khi ngành du lịch Việt Nam đang chật vật phục hồi với bài toán làm sao đón 8 triệu lượt khách quốc tế năm 2023 thì Thái Lan lại vừa điều chỉnh mục tiêu đón từ 20 triệu lên 30 triệu lượt, “cho thấy chúng ta đang có sự tụt hậu”.
Đáng chú ý, trong số các ý kiến, kiến nghị của DN nổi lên vấn đề nhiều công chức thờ ơ, chưa tích cực, chuyển biến theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố. Thủ tục thực hiện dự án đầu tư hiện nay khó khăn hơn trước do các cơ quan sợ trách nhiệm, cán bộ công chức không nhiệt tình với công việc.
Như vậy là trăn trở của lãnh đạo TPHCM cũng là trăn trở của cộng đồng DN. Cùng một mục tiêu, cùng chung nỗi lo, lãnh đạo UBND TPHCM đã giao cho các sở, ngành mời gặp từng DN để lắng nghe và tìm giải pháp tháo gỡ.
Với những hành động khẩn trương, quyết liệt ấy, hy vọng TPHCM sẽ nhanh chóng vượt qua thách thức, khó khăn, tiếp tục giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế. Năng lượng tích cực ấy sẽ lan tỏa tới các địa phương cả nước, để nền kinh tế Việt Nam có thêm một năm “vượt bão” thành công.