Mắc ký sinh trùng: Cẩn trọng biến chứng nguy hiểm
Những món ăn sống, tái như tiết canh, gỏi cá, nem chạo… là món ăn khoái khẩu của không ít người. Thế nhưng, đằng sau những món ăn này là hậu quả vô cùng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí là nguy cơ tử vong.
Nguyên nhân từ ăn đồ sống, tái
Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân nam (42 tuổi, quê ở Yên Bái) nhập viện khi phát hiện giun chui ra khỏi da từ những nốt nổi cục ở vùng cổ. Bệnh nhân cho biết, công việc hàng ngày của mình là làm ruộng, thường xuyên đi rừng, hay ngủ lán rừng, từng ăn gỏi cá, tiết canh, các món tái... và ăn thịt chuột đồng, mấy năm nay không tẩy giun sán. Gia đình bệnh nhân dùng nước giếng khoan và nước sinh hoạt thải ra ngoài suối cạnh nhà.
Sau một giời gian thấy ngứa vùng cổ, nổi sẩn trên bề mặt da như mề đay, có những nốt ngoằn ngoèo nổi dưới da căng tức, tại vị trí vùng cổ trên xương đòn phải xuất hiện nốt sẩn u cục, bệnh nhân ngứa gãi và xuất hiện một đầu giun màu trắng, tự rút ra được đoạn giun khoảng 0,7cm và bị đứt, tại vị trí sưng đỏ, ngứa và mưng mủ.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm giun rồng. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân xuất hiện thêm 1 nốt sẩn ở mặt dưới 1/3 đùi dưới phải, kéo ra được đoạn giun khoảng 0,5cm… Sau 7 ngày điều trị bằng nội khoa và chích rạch lấy giun, bệnh nhân ổn định và được cho xuất viện.
Trường hợp tương tự cũng đã được ghi nhận tại Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Trung ương. Ông T.V.N. (55 tuổi, quê ở Nam Định) nhập viện trong tình trạng đau dữ dội ở bên phải đầu, điều trị ở bệnh viện tuyến dưới một thời gian không hiệu quả. Kết quả chụp chiếu, bác sĩ nghi ngờ có u não. Bệnh nhân được chuyển tới Viện Sốt rét - Kí sinh trùng - Côn trùng Trung ương vì nghi ngờ mắc bệnh kí sinh trùng. Kết quả chụp cộng hưởng từ, phát hiện có tổn thương ở não. Xét nghiệm cho thấy bệnh nhân mắc ấu trùng sán lợn ở hệ thần kinh trung ương (sán não). Bệnh nhân cho biết trong các dịp lễ Tết, hội hè, ông có ăn tiết canh, thịt lợn tái…
Phải thay đổi thói quen ăn uống
BS Trần Quang Bính - Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho biết, nhiễm ký sinh trùng là căn bệnh âm thầm, do các loài ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người. Chúng có thể “chung sống hòa thuận” trong cơ thể người nhiều năm liền để sinh sôi, nảy nở và hút dinh dưỡng, máu từ cơ thể vật chủ. Người bệnh có thể vô tình phát hiện khi đi khám sức khỏe tổng quát hay khám bệnh thông thường có thực hiện các chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu.
Tại nước ta, do điều kiện khí hậu và tập tục sinh hoạt của một số địa phương dễ tạo điều kiện cho các loại ký sinh trùng phát triển. Ký sinh trùng có thể tồn tại trong thức ăn nấu chưa chín, như thịt bò, thịt lợn, cá, cua, ếch hay rau sống… là nguồn mang rất nhiều mầm bệnh giun sán. Đáng lo ngại khi theo quan niệm của nhiều người, những thức ăn bổ dưỡng tươi sống như thịt tái, “ăn thuận tự nhiên” không qua chế biến sẽ tốt,nhưng thực ra lại ẩn chứa mầm bệnh ký sinh trùng rất cao.
BS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa điều trị hàng ngày, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho biết: Thực tế, ở một khía cạnh nào đó, bệnh ký sinh trùng có thể xem là “căn bệnh bị lãng quên”. Bởi không chỉ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mà ngay đến cả các bác sĩ cũng chủ quan, không nghĩ đến. Những tổ sán âm thầm phá hủy gan của người bệnh chỉ được nhìn thấy khi được chụp chiếu bằng kỹ thuật hiện đại. Các bệnh nhân thì bàng hoàng khi biết tình trạng của mình. Họ chưa bao giờ nghĩ, chỉ vì thói quen ăn uống mà tính mạng của họ bị những “kẻ thù ký sinh trùng” đe dọa. Hơn nữa, các bệnh ký sinh trùng thường âm ỉ, dai dẳng nên nhiều người dân thờ ơ, bỏ qua. Khi bị ngứa hay đau đầu, mọi người đi điều trị da liễu và tâm thần. Nhưng vì điều trị không đúng bệnh, cho tới khi lên cơn co giật mới khám… lúc ấy, bệnh đã tiến triển nặng.
Theo các chuyên gia, bệnh do ký sinh trùng nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như: Tắc ruột, ống mật, viêm màng não, rối loạn tim mạch, viêm phổi, viêm ruột, thiếu máu, suy dinh dưỡng. Nếu ấu trùng xâm nhập vào hệ thần kinh, điều này có thể khiến người ăn mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn ở não, gây nhiễm trùng não nghiêm trọng. Nếu sán xâm nhập vào não thì người bệnh còn có thể bị động kinh. Đặc biệt, với người bệnh suy giảm miễn dịch thì hậu quả nặng nề, có thể biến chứng tử vong nếu không phát hiện, chữa trị kịp thời.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên ăn chín, uống sôi; không ăn gỏi cá, cá chưa nấu chín; không ăn thịt lợn, thịt bò tái, các loại nem không đảm bảo chất lượng; không ăn tiết canh và các thức ăn chưa nấu chín. Các loại rau sống như rau muống, rau ngổ, cải, rau cần, rau diếp cá không được rửa kỹ có thể gây nhiễm sán lá gan lớn, khiến áp xe, tổn thương gan…