Thủy sản trúng mùa, được giá

Đoàn Xá 24/02/2023 06:49

Những ngày qua, nông dân miền Tây đón nhận nhiều tin vui khi thủy sản bất ngờ tăng giá mạnh, trong đó, có một số loại thủy sản chủ lực đã tạo hiệu ứng tích cực ngay tháng đầu năm.

Cua, cá “lên hương”

Là sản phẩm đặc trưng ở vùng đất Cà Mau nhưng thực tế hiện nay cua biển được nuôi ở hầu hết các tỉnh ven biển miền Tây Nam bộ như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng... Ghi nhận từ một số đầm thả nuôi của nông dân cho thấy, vài tuần trở lại đây, giá cua thương phẩm neo ở mức rất cao. Bà Nguyễn Thị Bé, chủ một vựa thu mua cua biển ở thị xã Duyên Hải (Trà Vinh) cho biết, hiện nay bà đang thu mua tại vựa cua loại 1 (3 con/kg) dao động khoảng 350.000 - 400.000 đồng/kg. Cua loại 2 dao động ở mức 300.000 - 350.000 đồng/kg. Riêng cua gạch, loại cua ngon nhất có giá khoảng 800.000 đồng/kg.

Nếu so với thời điểm cua tăng giá cao nhất (cuối năm 2021) thì hiện vẫn chưa bằng, nhưng so với nhiều thời điểm khác, đây là mức giá khá cao. Cũng theo bà Bé, cua hiện nay tăng giá do xuất khẩu sang Trung Quốc dễ dàng và thuận lợi hơn.

Thủy sản tăng giá, nông dân phấn khởi.

Anh Nguyễn Văn Hiệu ở TP Tân An (Long An) cho biết, anh đầu tư trại nuôi cua ở huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) được gần 10 năm. “Thường các chủ vuông cua sẽ dồn lực cho mấy tháng giáp Tết. Sau Tết giá cua sẽ giảm, nhưng năm nay ngược lại. Vừa qua nhiều thương lái gọi điện hỏi cua thịt nhưng nhà tôi chưa có, mới bán hết hồi trước Tết rồi. Giờ cua mới vào vuông được mấy tuần, phải 3 tháng thì bắt đầu chọn bán được”- anh Hiệu kể. Cũng theo anh Hiệu, hiện nay quy trình nuôi cua thương phẩm khá khoa học. Sau khi ương giống chừng 1 tháng trong bể, nông dân sẽ cho cua vào vuông (ao) để nuôi thương phẩm với mật độ ít hơn. Từ lúc cua giống tới khi bán thường mất khoảng 4-5 tháng, tùy theo từng chủ vuông chọn thời điểm.

Cũng tăng giá mạnh khoảng một tháng trở lại đây là cá kèo, loại cá khá phổ biến trong tiêu thụ nội địa ở khu vực phía Nam. Hiện những địa phương có nhiều nông dân tham gia nuôi cá kèo là Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An và Bến Tre… chủ yếu là mô hình hộ nông dân nhỏ lẻ. Tuy nhiên, việc cá kèo tăng giá mạnh cũng mang đến nhiều niềm vui cho nông dân, thậm chí nhiều hộ đã chuyển sang nuôi cá kèo bởi quy trình đơn giản, thời gian thu hồi vốn ngắn.

Anh Nguyễn Văn Chung, 39 tuổi trú xã Nhị Mỹ (thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, gia đình có hơn 1 nghìn mét vuông ao nuôi. “Mấy vụ trước tôi thả nuôi ếch, gần đây chuyển qua nuôi cá diêu hồng nhưng tuần trước nghe cậu em vợ bảo nuôi cá kèo có lời hơn. Đợi bán hết lứa diêu hồng này tôi sẽ chuyển sang nuôi cá kèo. Nghe nói cá kèo giờ tăng giá lắm, 200.000 đồng/kg. Trước chỉ có 50.000 - 60.000 đồng/kg”- anh Chung chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, giá cá kèo ở nhiều tỉnh, thành miền Tây Nam bộ hiện được thương lái thu mua ở mức cao, khoảng 160.000 - 200.000 đồng/kg, gấp gần 3 lần thời điểm trước Tết. So với những thời điểm khác, giá cá kèo cũng tăng gấp 4 lần. Nguyên nhân chủ yếu của việc tăng giá cá kèo là hiện có ít người nuôi và nhu cầu thu mua làm nguyên liệu tăng mạnh.

Nông dân miền Tây thu hoạch tôm.

Nông dân yên tâm sản xuất

Dù không tăng bất thường như những loại thủy sản trên nhưng 2 tuần trở lại đây, giá cá tra ở khu vực miền Tây cũng tăng khoảng 4.000-5.000 đồng/kg, từ 27.000 đồng lên 31.000-32.000 đồng/kg. Mức tăng không cao nhưng độ ảnh hưởng của giá cá tra không thua kém bất cứ loại thủy sản nào, bởi đây là loài cá được nuôi nhiều nhất khu vực, từ Long An, Đồng Tháp cho tới An Giang… Giá cá tra tăng lên ảnh hưởng tích cực tới đời sống sản xuất của người dân.

Theo các hộ nuôi cá tại tỉnh An Giang, cả tuần nay, giá cá tra tăng mạnh, đặc biệt, doanh nghiệp xuống tận ao đặt tiền cọc trước để giữ mối nên nông dân rất phấn khởi. Hiện giá thành nuôi cá tra hiện nay đã lên mức 29.000 - 30.000 đồng/kg, với mức giá cá tăng lên 31.500 - 32.000 đồng/kg, người nuôi cá tra đã bắt đầu có lời.

Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, giá cá tra sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi thị trường chủ lực là Trung Quốc mới mở cửa trở lại và nhu cầu đang tăng. Theo ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, giá cá tra có thể lên sát mốc 40.000 đồng/kg. Lý do giá cá tra tăng là nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vừa được phê duyệt vào thị trường Trung Quốc và hiện nay chưa phải chính vụ thu hoạch cá tra. 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cá tra tiêu thụ chậm, nhiều nông dân bỏ ao nuôi khiến sản lượng cá giảm, vùng nguyên liệu bị thiếu hụt, đẩy giá cá lên cao.

Giá cua biển đang tăng cao.

Tương tự, giá tôm nguyên liệu thời gian qua cũng bắt đầu nhích lên và nhu cầu thu mua của thương lái tăng cao. Nhiều nông dân nuôi tôm ở Bạc Liêu, Kiên Giang cho biết các thương lái đã tìm vào tận ruộng để thu mua tôm. Ông Trần Công Danh - Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện giá tôm nguyên liệu dùng sản xuất hàng đông lạnh xuất khẩu dao động ở mức 130.000-133.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với tháng trước. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm cũng cho biết thời gian tới giá tôm còn tăng cao hơn do các đơn hàng từ thị trường Trung Quốc tăng.

Dù không phải toàn bộ các loại thủy sản nuôi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều tăng giá những tháng đầu năm 2023 nhưng với các tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc và diễn biến thực tế, dự báo thời gian tới nhiều loại thủy sản ở khu vực sẽ tăng giá, tăng nhu cầu sản xuất. Sau khoảng 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, đây là thời điểm mà nhiều nông dân miền Tây Nam Bộ có thể yên tâm đầu tư sản xuất, không còn quá lo lắng về giá cả khi tới thời điểm thu hoạch như vài năm trước nữa.

2 tuần trở lại đây, giá cá tra ở khu vực miền Tây cũng tăng khoảng 4.000-5.000 đồng/kg, từ 27.000 đồng lên 31.000-32.000 đồng/kg. Dù chỉ tăng ít nhưng độ ảnh hưởng của giá cá tra không thua kém bất cứ loại thủy sản nào, bởi đây là loài cá được nuôi nhiều nhất khu vực, từ Long An, Đồng Tháp cho tới An Giang… Giá cá tra tăng tác động tích cực tới đời sống sản xuất của người dân.

Đoàn Xá