Doanh nghiệp bất động sản và năng lượng chậm trả gốc, lãi trái phiếu
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội vừa thông báo Danh sách các tổ chức phát hành công bố thông tin bất thường và báo cáo theo yêu cầu từ ngày 16/9/2022 đến ngày 31/01/2023 có nội dung chậm thanh toán gốc, lãi.
54 doanh nghiệp chậm trả gốc, lãi trái phiếu
Theo danh sách Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo có 54 doanh nghiệp từng chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu tính từ 16/9/2022 đến hết tháng 1/2023, chiếm phần lớn các các doanh nghiệp địa ốc, điện mặt trời.
Cụ thể, trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, hàng loạt doanh nghiệp được điểm tên như: Công Ty Cổ Phần Apec Land Huế; Kinh doanh bất động sản Hà An; Novaland, Hải Phát, Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín, Nam Lan, Đầu tư LGD, Danh Khôi, Gotec Land, Đất xanh miền Nam, Nam Land, Sunny World, Gotec Land, Quốc tế Sơn Hà; Xây dựng Đại Thịnh Phát, Xây dựng Vạn Trường Phát, Đầu tư và Xây dựng Giao thông Vận tải; Xây dựng Hưng Phát, Kinh doanh bất động sản Thái Bình;…
Mảng giáo dục cũng có một số doanh nghiệp được điểm tên như: CTCP Anh ngữ Apax, Giáo dục Quốc tế Mỹ AIS,…
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chậm trả lãi, gốc trái phiếu kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng như BCG Energy, Điện gió Trung Nam Đak Lak 1, Điện mặt trời Trung Nam, Trung Nam Thuận Nam hay Năng lượng tái tạo Đại Dương.
Một số doanh nghiệp trong các linh vực khác cũng nằm trong danh sách này như: CTCP Chứng khoán Tân Việt, Xuất nhập khẩu An Giang,…
Theo thống kê từ Công ty Chứng khoán VnDirect cho biết, trong năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 272.853 tỷ đồng tăng 76,6% so với cùng kỳ. Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của ngành Bất động sản, Tài chính – Ngân hàng, Khác lần lượt là 37,6%, 37,0% và 25,5%. Thống kê này chỉ bao gồm các đợt phát hành Trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ năm 2019 tới nay và đã bao gồm các doanh nghiệp phát hành đã thực hiện mua lại trái phiếu trước thời gian đáo hạn.
Trong đó, Bất động sản là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất với 37,6% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm, tương đương 102.570 tỷ đồng tăng 76,0% so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp bất động sản có giá trị đáo hạn cao nhất trong 2023 bao gồm: Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va 14.476 tỷ đồng, Công ty CP Saigon Glory 7.000 tỷ đồng, và CT TNHH Phát triển Bất động sản An Khang 4.960 tỷ đồng.
Tài chính – Ngân hàng là nhóm ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ hai với 37,0% tổng giá trị đáo hạn trong 2023, tương đương 100.824 tỷ đồng tăng 55,0% so với cùng kỳ. Các tổ chức tài chính có giá trị đáo hạn cao nhất trong 2023 gồm: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng 13.650 tỷ đồng và NHTMCP Bưu điện Liên Việt 9.900 tỷ đồng.
Các ngành khác chiếm 25,5% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong 2023, đạt 69.459 tỷ đồng tăng 122,4% so với cùng kỳ.
Nhiều nhà phát hành trái phiếu "mất" khả năng thanh toán?
Từ sau sự kiện Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát xảy ra, cùng với việc Nghị định 65/2022/NĐ-CP được ban hành, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị đóng băng, hàng loạt doanh nghiệp không thể huy động trái phiếu mới để đảo nợ.
Các chuyên gia của FiinRatings nhìn nhận, khó khăn thanh khoản sẽ tiếp diễn trong năm nay. Ước tính đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ có điểm rơi vào năm 2023 và 2024, lần lượt ở mức 157.970 và 341.270 tỷ đồng.
“Thị trường có thể chứng kiến thêm nhà phát hành mất khả năng thanh toán, đặc biệt là doanh nghiệp liên tục tăng cường đòn bẩy trong ít nhất 3 năm và có dòng tiền yếu”, FiinGroup nhận định.
Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra, bởi theo thống kê, 80% trái phiếu bất động sản phát hành trên thị trường là của doanh nghiệp chưa niêm yết với năng lực tài chính yếu, đòn bẩy tài chính cao. Báo cáo tài chính quý IV/2022 của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết cũng cho thấy dòng tiền yếu đi rõ rệt, tồn kho tăng, vay nợ tăng.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, hiện nhiều doanh nghiệp phát hành kẹt vốn trong các Dự án bất động sản dang dở, không có vốn để tiếp tục triển khai, sản phẩm chưa có để bán thu hồi vốn trả nợ. Chính vì vậy, sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP sẽ giúp doanh nghiệp phát hành có thêm thời gian xoay xở dòng tiền.
Mặc dù vậy, Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi cũng chỉ được coi là giải pháp gỡ khó tạm thời cho doanh nghiệp trong việc gia hạn nợ, đảo nợ. Về lâu dài, thị trường cần thêm thời gian để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, cũng như để doanh nghiệp phát hành và các tổ chức trung gian chuyên nghiệp hơn.
Hiện phần lớn trái phiếu trên thị trường đang được phát hành với thời gian đáo hạn từ 3,5 năm trở xuống, cho thấy nhu cầu vay vốn để tái cấp vốn của ngành là rất lớn. Các doanh nghiệp sẽ buộc phải dựa vào dòng tiền hiện có, hoặc tiếp cận các nguồn vay bên ngoài rủi ro hơn.
Để trả nợ trái phiếu trong điều kiện thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp buộc phải đàm phán với trái chủ gia hạn trái phiếu, chuyển trái phiếu thành gói vay với lãi suất mới, trả nợ bằng bất động sản, bán tài sản để trả nợ…
Mặc dù vậy, các chuyên gia FiinGroup cho rằng, ngay cả khi đạt được thỏa thuận với các trái chủ về việc giãn nợ hoặc hoán đổi trái phiếu sang bất động sản, doanh nghiệp vẫn chỉ có thể duy trì thanh khoản trong khoảng thời gian ngắn, bởi ngoài trả nợ cho trái chủ, doanh nghiệp còn phải trả nợ vay ngân hàng, trả nợ đối tác…