Kiểm tra chuyên ngành: Vẫn phức tạp và phiền hà
Trình tự thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn phức tạp, phiền hà. Doanh nghiệp (DN) mất nhiều thời gian cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Thông tin trên được đại diện DN đưa ra tại hội nghị tháo gỡ khó khăn trong thực thi chính sách và thực hiện thủ tục hành chính về tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới, tổ chức tại TPHCM, ngày 24/2.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu tỉnh Đồng Nai nhận định: “Cải cách thủ tục hải quan đã có được một bước tiến rất dài. Hàng hóa thông thường được truyền dữ liệu và thông quan nhanh chóng, thuận lợi hơn trước. Thế nhưng, quản lý chuyên ngành vẫn là điểm nghẽn chưa được tháo gỡ làm mất nhiều thời gian và chi phí DN”.
Ông Hưng dẫn chứng, liên quan đến mặt hàng kính xây dựng, trước thời điểm 2021 chỉ cần có giấy chứng nhận chất lượng của đơn vị thứ 3 mà được Bộ Xây dựng chỉ định để lập tờ khai thông quan. Tuy nhiên từ 2021 trở lại đây, ngoài việc phải có chứng nhận chất lượng của đơn vị được chỉ định của Bộ Xây dựng thì DN phải tiếp tục nộp hồ sơ sang Sở Xây dựng để làm kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa. Quy trình này làm chậm hơn nhiều so với việc thông quan hàng hóa như trước đây, ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa của DN. Từ năm 2022 đến nay, mỗi ngày DN đều phải có danh sách kiểm tra soi chiếu từ Tổng cục Hải quan gửi xuống cho các chi cục Hải quan. Thủ tục này dẫn đến phát sinh rất nhiều chi phí, thời gian cho DN.
Chia sẻ những vướng mắc mà DN gặp phải trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, ông Trương Đức Trọng - đại diện Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam-VCCI) cho rằng thủ tục kiểm tra chuyên ngành tuy đa số được thực hiện kiểm tra tập trung tại các cửa khẩu nhưng vẫn có trường hợp DN phải tới tận các bộ ngành mới giải quyết xong việc. Thực tế này gây nhiều phiền toái do gia tăng chi phí, thời gian tuân thủ của DN. Khảo sát của VCCI từ DN cho thấy, về mức độ thuận lợi khi tuân thủ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa ở mức trung bình. Đáng chú ý, không có thủ tục nào nhận được trên 70% đánh giá tương đối dễ hoặc dễ thực hiện. Không có khâu quy trình nào nhận được từ 70% ý kiến DN trở lên đánh giá việc tuân thủ là dễ hay tương đối dễ. Khâu quy trình nộp hồ sơ đăng ký kiểm tra là bước được DN nhìn nhận dễ tuân thủ nhất trong 4 khâu. Trong khi đó, lấy mẫu kiểm tra là khâu DN thường gặp khó khăn hơn cả. Cần xem xét giảm số nhóm sản phẩm, giảm số lượng dòng hàng cần kiểm tra, giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra.Việc kiểm tra cần thực hiện triệt để theo nguyên tắc đánh giá rủi ro, kiểm soát theo xác xuất.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên giao kiểm tra chuyên ngành cho hải quan, hải quan thành đầu mối kiểm tra.
Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, giao đầu mối chấp thuận thông quan là hải quan là hay nhất, DN đỡ vất vả. Ông Hiệp cho biết, ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc... hải quan sẽ là đấu mối chấp thuận thông quan.
Tuy nhiên, về vấn đề này, một số ý kiến cho rằng hải quan không làm thay hoạt động đánh giá tính phù hợp của hàng hóa nhập khẩu. Các tổ chức, cơ quan được bộ ngành chỉ định thực hiện kiểm tra chuyên ngành vẫn tiếp tục hoạt động và được công bố công khai tên các đơn vị đạt chất lượng để DN lựa chọn. Hơn nữa, công tác triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia giữa các bộ là khá khác nhau, vì vậy DN phải đi gõ cửa từng kênh. Nếu đưa về một mối, cơ quan hải quan phải chịu áp lực rất nhiều.
Theo ông Võ Tân Thành - Phó Giám đốc VCCI, mức độ hài lòng của DN về thuận lợi trong cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành đã hơn trước. Kiểm tra chuyên ngành có thuận lợi hơn nhưng cộng đồng DN vẫn mong muốn các bộ ngành cần nỗ lực nhiều hơn nhằm nâng cao hiệu quả một cửa quốc gia và đẩy mạnh cải cách quản lý chuyên ngành, song song với việc tháo gỡ điểm nghẽn khơi thông xuất khẩu, tạo thuận lợi thương mại.