Không thể 'trăm dâu đổ đầu… người bệnh'

Ngọc Anh 25/02/2023 07:05

Suốt từ cuối năm 2021 tới nay, tuy “lúc nóng lúc lạnh” nhưng nhìn chung các bệnh viện đều rơi vào cảnh thiếu thuốc, vật tư y tế, dẫn đến quyền khám, chữa bệnh của người dân không được bảo đảm, nhất là với những người có bảo hiểm y tế.

Người dân khám chữa bệnh bằng thẻ Bảo hiểm y tế tại tỉnh Bạc Liêu.

Bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế khiến người bệnh thuộc diện bảo hiểm y tế phải mua thuốc bên ngoài. Người bệnh và thân nhân của họ đã phải vật vã chiến đấu với bệnh tật thì lại thêm lo lắng vì lấy tiền đâu để mua thuốc, mua vật tư y tế theo chỉ định của bác sĩ. Đó là thiệt thòi rất lớn của người bệnh khi phải bỏ tiền túi để mua các loại thuốc mà lẽ ra được bảo hiểm y tế chi trả.

Thật đau lòng khi một nữ bệnh nhân 50 tuổi ở Nam Định được chẩn đoán u gan, viêm gan. Bệnh viện không có thuốc, con dâu của bà dù đang mang thai gần đến ngày sinh cũng phải ngược xuôi lên Hà Nội tìm mua thuốc cho mẹ chồng. “Hành trình tìm thuốc” của hai mẹ con họ được ví như chuyện tìm thuốc trường sinh bất tử trong những câu chuyện cổ thời xa xưa.

Một bà mẹ trẻ ở đường Phan Đình Giót (Hà Nội) kể rằng, con chị bị bệnh hen. Bình thường đi học, con đều có thuốc dự phòng trong ba-lô. Nhưng lại gặp thời buổi khó khăn, cả tháng trời không mua được thuốc, chuyển qua khí dung. Tuần vừa rồi đang đêm bé lên cơn hen, đập cửa hàng xóm ầm ầm, cũng còn may có hàng xóm giúp trong lúc “thập tử nhất sinh”.

Trường hợp của chị H. (TPHCM) cũng khổ sở vì bệnh viện thiếu vật tư. Chị H. cho biết người nhà chị bị hạch chèn, bít đường thở, do đó phải tiến hành hóa trị đợt 1 với đơn 5 loại thuốc. Tuy nhiên, Bệnh viện Thủ Đức (TPHCM) chỉ có 1 loại. Số thuốc còn lại, người nhà chị H. phải tự tìm mua ở các nhà thuốc tư nhân.

Cảnh nguy khốn khi thiếu thuốc của người bệnh cũng nhận được sự chia sẻ của các bác sĩ. Bác sĩ Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn) có lần kể về trường hợp bệnh nhân 86 tuổi bị tiểu đường biến chứng, kèm chấn thương phần mềm do tai nạn. Cụ ông này phải chuyển 3 bệnh viện điều trị nhiều tháng trời vì thiếu thuốc. “Lần này, bệnh nhân trình bày nguyện vọng ở lại và ký cam kết đồng ý mua thuốc bên ngoài. Thật may mắn, vì thêm vài triệu tiền thuốc mỗi ngày với gia đình này không phải vấn đề lớn" - vị bác sĩ nói.

Còn bác sĩ Hựu (Bệnh viện E) cho biết, cách đây không lâu, ông nhận được thông tin bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện E, trong đơn thuốc điều trị bệnh tiểu đường có 3 loại, thì 2 loại bệnh nhân phải đi tìm mua ở ngoài, dù trước đó khi đến đây khám, bệnh nhân được hưởng thuốc từ bảo hiểm y tế.

"Chúng tôi kiểm tra, một đơn thuốc cho bệnh nhân tiểu đường như thế này, mỗi tháng mất 450 nghìn đồng. Trong một đợt đi khám lĩnh thuốc 3 tháng, chi phí thuốc hơn 1 triệu đồng. Giả sử, nếu các bệnh viện đều đang thiếu thuốc như vậy, con số hàng nghìn bệnh nhân với số tiền nhân lên, sẽ là một con số rất lớn, hàng nghìn bệnh nhân đang chịu thiệt" - bác sĩ Hựu nói.

Đó còn chưa kể bệnh nhân đi mổ phải ra hiệu thuốc mua từ sợi chỉ, băng gạc, dây truyền, dụng cụ y tế...

Phúc lợi y tế là một trong những cột trụ của hệ thống phúc lợi xã hội. Nhờ bảo hiểm y tế mà nhiều người được chữa bệnh, gia đình họ không bị “nghèo hóa”. Vì thế, bảo đảm quyền khám, chữa bệnh của người dân không chỉ là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân mà còn để họ không bị nghèo đi.

Ngọc Anh