Eurozone chưa thoát 'bóng ma' lạm phát

Mai Phương 25/02/2023 07:00

Dù kinh tế thế giới đã có những tín hiệu tích cực hơn và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất nhưng tình trạng lạm phát vẫn tiếp tục đeo bám các nước trong khu vực này, áp lực giá cơ bản vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Áp lực giá cơ bản vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" tại châu Âu. Ảnh: The Guardian.

Vượt đỉnh nhưng chưa hạ nhiệt

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) ngày 24/2 cho biết, lạm phát cơ bản, không bao gồm các mặt hàng thực phẩm và nhiên liệu có tính biến động, của Eurozone đã tăng lên mức kỷ lục 5,3%, trong tháng 1/2023 so với mức 5,2% trước đó. Eurostat cũng nhấn mạnh, tốc độ lạm phát hiện nay đã vượt qua mức đỉnh, song áp lực giá cơ bản vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Trước đó, kinh tế khu vực này được đánh giá là đang tăng tốc khi tăng trưởng trong tháng 2 ghi nhận mức tăng rõ rệt và đạt mức cao nhất trong 9 tháng theo Chỉ số quản lý mua hàng (PMI). Theo dữ liệu khảo sát được công bố, PMI của tháng 2 đã tăng từ mức 50,8 của tháng trước đó lên 52,3 (thông thường chỉ số trên 50 phản ánh kinh tế tăng trưởng tích cực). Sản lượng của các nước Eurozone đã có sự thay đổi trong tháng 1 sau khi sụt giảm do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine.

Dù vậy, lạm phát cũng đã trên đà giảm cùng với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, làm dấy lên hy vọng Eurozone sẽ thoát khỏi suy thoái.

Ông Chris Williamson - nhà kinh tế trưởng của S&P Global Market Intelligence - cho rằng, hoạt động kinh doanh của Eurozone đã sôi động hơn nhiều so với dự kiến trong tháng 2. Theo ông, PMI cao hơn sẽ phù hợp với nền kinh tế khu vực được dự báo chỉ tăng trưởng chưa đến 0,3% trong quý đầu tiên của năm nay. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao, thì việc tăng trưởng nhanh sẽ là yếu tố để Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng lãi suất.

Ông Jack Allen-Reynold - chuyên gia kinh tế cấp cao của Eurozone - cho rằng, việc lạm phát cơ bản của Eurozone bất ngờ tăng lên mức kỷ lục trong tháng 1 sẽ củng cố nhận định của đa số các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vốn thúc đẩy tiếp tục tăng mạnh lãi suất.

Kể từ tháng 7 năm ngoái đến nay, ECB đã thực hiện 5 lần tăng lãi suất cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát. Ngân hàng này đã phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào tháng 3 tới và cả thời gian sau đó nhằm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.

Cùng ngày, lãi suất trái phiếu Eurozone cũng tăng trở lại, ở mức cao chưa từng có trong nhiều năm qua do lạm phát cơ bản cao kỷ lục. Cụ thể, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức, khung tham chiếu chuẩn cho khu vực Eurozone, đã tăng 3 điểm cơ bản lên 2,545%, mức cao nhất kể từ tháng 8/2011. Lãi suất trái phiếu biến động trái chiều với giá cả trên thị trường.

Đầu tháng này, Chủ tịch ECB Luis de Guindos đã cảnh báo, việc người lao động đưa ra các yêu cầu về lương quá cao có thể làm gia tăng lạm phát. Theo ông De Guindos, lý do người lao động đòi tăng lương là bởi giá tiêu dùng tăng mạnh. Thế nhưng vị này cho rằng, cần phải tránh xa vòng xoáy lương - giá. Ông nhận định, lạm phát sẽ giảm trong năm nay, ở mức trung bình khoảng 6%, trong đó trong quý IV là 3,6%.

Áp lực giá từ nền kinh tế “đầu tàu”

Sau khi lạm phát chậm lại trong tháng 12/2022, giá tiêu dùng trong tháng 1/2023 ở Đức đã tăng trở lại, với mức tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, tháng 12/2022, tỷ lệ lạm phát ở nước này đã giảm xuống 8,1% so với mức 10% trong tháng 11/2022 và 10,4% trong tháng 10/2022, thời điểm ghi nhận lạm phát lên đến mức cao kỷ lục trong vòng 70 năm. Theo Destatis, giá cả giảm là nhờ khoản thanh toán một lần trong khuôn khổ gói cứu trợ của chính phủ với hóa đơn khí đốt mùa đông của người tiêu dùng trong tháng 12.

Tuy nhiên, tác dụng gói cứu trợ của Chính phủ Đức dường như đã giảm dần vào tháng 1/2023, khi tỷ lệ lạm phát tăng trở lại lên mức 8,7% và giá hàng tiêu dùng, năng lượng gia dụng cùng một số dịch vụ đồng loạt đi lên.

Chủ tịch Destatis, ông Ruth Brand giải thích: “Nhiều loại hàng hóa có xu hướng tăng giá rõ rệt, đặc biệt là giá dịch vụ. Đối với các hộ gia đình, giá năng lượng và thực phẩm đang neo ở mức cao”. Quả thực, giá năng lượng của các hộ gia đình đã trở nên đắt đỏ hơn trong tháng 1/2023, với mức tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2022. Giá khí đốt tăng 51,7% và người tiêu dùng phải trả thêm 30,6% cho dầu sưởi. Trong khi đó, giá điện đắt hơn 25,7%.

Giá lương thực ở Đức cũng tăng 20,2% trong tháng 1/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ lạm phát đối với hàng tạp hóa vẫn cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ lạm phát chung. Trong khi đó, giá dịch vụ đã tăng 4,5% trong tháng 1/2023. Chẳng hạn, giá bảo trì và sửa chữa nhà ở tăng 16,9% và dịch vụ nhà hàng tăng 10,9%, cao hơn mức trung bình.

Tuy nhiên, một thông tin tích cực hơn cho những người lái xe ở Đức là tốc độ tăng giá nhiên liệu đã chậm lại, với mức tăng trong tháng 1/2023 ghi nhận là 7%.

Chủ tịch ECB De Guindos cho rằng, vòng xoáy lương - giá, với việc lương tăng kéo chi phí sản xuất lên, từ đó có thể xảy ra hiệu ứng domino, làm giá cả tăng thêm nữa, là điều không có lợi cho một ai. Ông khuyến nghị các chính phủ ở khu vực Eurozone cần có các biện pháp hỗ trợ có mục tiêu đối với những người chịu ảnh hưởng lớn nhất do lạm phát. Khi người lao động giảm bớt yêu cầu tăng lương, ECB sẽ không phải thắt chặt chính sách tiền tệ quá mạnh.

Mai Phương