Chống học lệch
Cho đến thời điểm này, nhiều địa phương đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2023-2024 với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Đa số các tỉnh, thành đều quy định điểm số bài thi môn Toán, Ngữ văn nhân hệ số 2, bài thi ngoại ngữ nhân hệ số 1.
Một băn khoăn lớn đang đặt ra, nếu việc nhân hệ số không đồng đều các môn thi tuyển sinh được mặc định sẵn như vậy, khác nào gieo vào các em tâm thế học lệch. Đặc biệt môn Ngoại ngữ sẽ ít được coi trọng hơn ở các bậc học dưới.
Trước hết, hãy bắt đầu bằng điểm thi tốt nghiệp THPT qua nhiều năm. Tuy Ngoại ngữ là môn học quan trọng trong việc hình thành kỹ năng hội nhập, nhưng phân tích kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 3 năm liên tiếp gần đây nhất cho thấy, không chỉ điểm trung bình thấp mà có đến 2 năm “đội sổ”. Cụ thể, năm 2022, cả nước có 866,196 thí sinh tham gia bài thi ngoại ngữ thì điểm số trung bình là 5,15, có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,8 điểm. Điều đáng nói, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình có tới 446,648 (chiếm tỷ lệ 51,56%), cộng với 423 thí sinh bị điểm liệt đã đưa môn học này xuống cuối bảng. Kết quả này phần nào cho thấy, việc dạy và học môn Ngoại ngữ nói chung, môn tiếng Anh nói riêng ở bậc học THCS chưa thực sự hiệu quả. Theo các chuyên gia, chất lượng môn học chưa được cải thiện là do chưa đổi mới phương pháp dạy học.
Nhìn ở góc độ dạy và học Ngoại ngữ, GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, phổ điểm tiếng Anh được xem là những cảnh báo cho các địa phương phải tìm cách nâng cao việc dạy và học, đánh giá kiểm tra hàng ngày.
Còn nhìn ở góc độ tuyển sinh, điểm thi môn Ngoại ngữ chỉ tính hệ số 1 đã không còn phù hợp với thực tế. Trong khi yêu cầu học ngoại ngữ ở bậc học phổ thông đang ngày càng đòi hỏi cao, rồi việc tuyển sinh vào các trường đại học cũng đang đề cao năng lực trình độ ngoại ngữ, lẽ ra môn học này cần sớm được coi là một môn học quan trọng ngang hàng với các môn Toán, Ngữ văn. Chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân chia sẻ, sau năm học này, sẽ chỉ còn một lứa học sinh nữa học và thi theo chương trình cũ. Những năm tiếp theo có lẽ câu chuyện thi 3 hay 4 môn để tuyển sinh vào lớp 10 THPT sẽ phải lùi vào dĩ vãng. Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ phải kéo theo việc đổi mới thi cử, tuyển sinh. Trong đó, ông Ân nhấn mạnh: Cần chấm dứt việc coi trọng Toán, Ngữ văn hơn Ngoại ngữ bằng việc nhân hệ số. Phải tính điểm bình đẳng. Đồng thời việc ưu tiên cộng điểm chứng chỉ nghề phải đi kèm điều kiện quản lý và thi chặt chẽ. Là bởi lâu nay việc học và thi nghề chỉ để lấy điểm ưu tiên.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng- Hà Nội cũng cho rằng, việc nhân đôi 2 môn Ngữ văn - Toán xuất phát từ quan niệm cho đây là những môn chính dùng để đánh giá năng lực học sinh mà nhiều địa phương vẫn áp dụng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ đều là các môn bắt buộc. Để tránh tâm lý môn chính môn phụ, đảm bảo công bằng trong xét tuyển, các địa phương nên bỏ quy định nhân hệ số 2 với các môn Ngữ Văn và Toán.
Đổi mới dạy - học và thi cử không chỉ bàn về vấn đề tuyển sinh, hay câu chuyện thi vào lớp 10, mà cần nhìn rộng hơn là giải pháp nào để tăng cơ hội học bậc THPT cho học sinh ở độ tuổi này. Cần xem xét mở rộng hệ thống các trường công lập, hoặc có các chính sách khuyến khích hơn nữa tư nhân tham gia vào việc xã hội hóa giáo dục. Nhưng kèm theo đó, cần có cơ chế giám sát chặt với hệ thống các trường xã hội hóa hoặc các trường công lập tự chủ dán mác “chất lượng cao”. Khích lệ dạy và học ngoại ngữ thật tốt ở các bậc học dưới, để sau này những học sinh nếu không muốn học tiếp lên bậc THPT mà rẽ sang học nghề cũng cần giỏi ngoại ngữ. Làm thầy hay làm thợ ở thời đại công dân toàn cầu - giỏi ngoại ngữ sẽ có rất nhiều lợi thế.