Luật Thuế Thu nhập cá nhân bộc lộ nhiều bất cập
Bộ Tư pháp đang dự thảo trình Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 với việc đề xuất sửa đổi một số quy định của Luật Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) sát hơn với thực tiễn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Vinh (53 tuổi, trú phường Phước Bình, TP Thủ Đức) mới đây khi làm thủ tục tách thửa để chia đất cho 2 người con cho biết, ông khá bất ngờ khi biết đơn giá nhà đất tại khu vực mình sống đã tăng gấp 7-8 lần so với thời điểm gia đình ông mua mảnh đất kể trên. “Tổng chi phí cả tách thửa và hoàn công cho 2 thửa đất, trong đó phần lớn là Thuế TNCN mà tôi phải đóng lên đến cả trăm triệu đồng” - ông Vinh nói.
Còn anh Nguyễn Đăng Ninh (37 tuổi, trú phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức) cho biết, là người làm công ăn lương, 10 năm qua, mức lương tối thiểu vùng đã tăng lên từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/người/tháng. Thế nhưng, mức giảm trừ gia cảnh Thuế TNCN chỉ tăng có 1 lần là điều hết sức bất cập. Bởi với mức lương hiện nay, theo cách tính Thuế TNCN là anh Ninh đã phải nộp thuế. Trong khi so với tình hình giá cả thị trường, mức thu nhập chỉ hơn chục triệu đồng như anh Ninh là không đủ chi tiêu, vậy nhưng vẫn phải nộp thuế TNCN, trong khi mức giảm trừ gia cảnh lại không hợp lý.
Ông Trương Văn Quân (41 tuổi - Giám đốc Công ty TNHH Phúc Quân) phản ánh, hiện nay mức khai báo thuế trong các giao dịch bất động sản trên địa bàn TP Thủ Đức đã sát hơn với giá thị trường, đồng nghĩa với việc người có nghĩa vụ đóng Thuế TNCN cao hơn trước nhiều lần. Điều này không có gì đáng nói vì là một tín hiệu tốt cho một thị trường minh bạch, khách quan, công bằng hơn. Thế nhưng, theo ông Quân, mức sống của người dân ngay tại đô thị cũng đã có khoảng cách và sự chênh lệch ngày càng lớn hơn. Nếu ở vùng quê thì chi tiêu với khoản tiền 11-13 triệu đồng/tháng có thể coi là tạm đủ chi phí sinh hoạt, nhưng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM thì mức chi phí này chỉ đủ để duy trì các chi tiêu cơ bản và buộc phải co kéo giữa cơn “bão giá”. “Vì vậy tôi nghĩ rằng mức giảm trừ gia cảnh chia theo vùng hiện nay là còn quá thấp và cần tăng lên mức tương ứng với biến động tăng lên của các lần điều chỉnh lương tối thiểu” - ông Quân đề xuất và nhấn mạnh, việc này sẽ hỗ trợ thêm và giúp công nhân, người lao động, người nghèo ở đô thị đáp ứng được các nhu cầu sinh hoạt ngày càng đắt đỏ hơn.
Trên thực tế, Luật Thuế TNCN đã được Quốc hội khóa XII thông qua từ tháng 11/2007 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Luật này đã được sửa đổi, bổ sung 2 lần vào các năm 2012 và năm 2014, trong đó mức giảm trừ gia cảnh khi tính TNCN được áp dụng từ mức 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng kể từ năm 2020.
Theo ThS xã hội học Nguyễn Công Hoài Lương (TPHCM), đây là mức giảm trừ gia cảnh đã không còn phù hợp và quá thấp so với các chi tiêu cơ bản của người dân sống ở đô thị. Trong đó, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc hiện cũng chỉ vào khoảng 4,4 triệu đồng/tháng là không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho một người ở TPHCM, Hà Nội và các đô thị lớn. Vị chuyên gia nêu rõ, một số khảo sát đời sống của công nhân, người lao động ở Khu chế xuất Tân Thuận từ vài năm trước đã tính trung bình một bữa ăn của một gia đình có từ 3 người trở lên ở mức tối thiểu 50.000 - 70.000 đồng/bữa ăn, tính đủ 30 ngày đã cao hơn 4,5 triệu đồng. Đó là chưa kể các chi phí khác còn phát sinh lớn hơn nhiều.
TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TPHCM (HASEM) đưa ra thống kê của Tổng cục Thuế, chỉ tính trong năm 2022 đã đạt số thu từ Thuế TNCN trên cả nước là gần 167.000 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021). Tính trung bình trong 10 năm qua, nguồn thu từ Thuế TNCN đã tăng tứ 3-4 lần và vào năm 2022 đã đạt ở mức kỷ lục.
Cũng theo bà Sâm, thực tế này là điều đáng suy ngẫm so với phần đông công nhân, người lao động là những người nộp Thuế TNCN trong nhiều giao dịch dân sự, chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày nhưng đang phải đối diện nhiều khó khăn do trượt giá thị trường, giá cả hàng hóa “leo thang”.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - nguyên Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường cho rằng, việc sửa đổi Luật Thuế TNCN đã được bàn tới từ rất lâu, qua nhiều hội thảo, tọa đàm để góp ý. Thế nhưng, quá trình dự thảo còn quá chậm và dẫn đến các biến động thực tế ngày càng cao hơn, ảnh hưởng đến cuộc sống của phần đông người nộp thuế.