Nông thôn đổi thay nhưng không lạ lẫm

D.Hưng – N.Phượng – H.Nguyên 25/02/2023 07:00

Nông thôn mới như một cuộc cách mạng, làm chuyển biến, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân ở các làng quê. Sự đổi thay đó đã tác động tới mọi mặt của đời sống nhưng những mặt trái của nó cũng xuất hiện. Làm thế nào để nông thôn đổi thay nhưng không trở nên lạ lẫm?

Xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo quy hoạch nhưng vẫn giữ được không gian truyền thống của mỗi làng quê. Ảnh: Quang Vinh.

Diện tích ruộng đất bị bỏ hoang ngày càng tăng

Những biến chuyển trong đời sống “tam nông” ở Nam Định - tỉnh nằm ở trung tâm vùng nam sông Hồng đã và đang diễn ra mạnh mẽ sau 13 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) cùng chủ trương đưa công nghiệp về nông thôn. Thay đổi rõ nhất là hạ tầng giao thông toàn tỉnh được cải tạo, nâng cấp, mở rộng. Nhiều tuyến huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ được đầu tư làm mới. Ngoài các khu công nghiệp, địa bàn 10 huyện, thành phố trong tỉnh xuất hiện thêm nhiều cụm công nghiệp. Các khu dân cư tập trung mới cũng được thành lập tại địa bàn nông thôn…

Đến nay tỉnh Nam Định đã có 100% xã, huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010-2020; đến hết năm 2022 tỉnh đã có 182/204 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, riêng huyện Hải Hậu đang phấn đấu sớm đạt các tiêu chí NTM kiểu mẫu. NTM đã mang lại điều kiện sống tốt hơn cho người dân, nhất là các điều kiện về hạ tầng cũng như chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa…

Tuy nhiên, những thay đổi trên, một cách rất tự nhiên đã tác động tới mọi mặt đời sống của người dân ở nhiều cộng đồng, cả tích cực lẫn tiêu cực. Tìm hiểu tại thôn Bái Dương, xã Nam Dương (huyện Nam Trực), chúng tôi được biết ở thời điểm hiện tại làng quê này thuộc diện “đất chật, người đông”. Thôn nằm dọc con đường trục dài chừng hơn 2km, chạy hướng đông tây. Dọc đường là những ngôi nhà hình ống nằm đối diện, rất hiếm những ngôi nhà ngói ba gian hướng nam thường thấy, khiến đường làng nhìn giống một con phố ở thị thành nhưng không có vỉa hè, cây xanh.

Theo ông Trần Xuân Vịnh, một người cao tuổi của làng, “phố làng” mới chỉ được hình thành những năm gần đây. Trước đó, không gian trước làng rất khoáng đạt, nhiều màu xanh vì có một dãy dài hồ ao xen kẽ là những khu đất ruộng. Khi đất đai “lên giá” ao hồ của làng bắt đầu bị lấn chiếm. Rồi khi giải quyết nhu cầu giãn cư, địa điểm chính quyền địa phương chọn chính là khu hồ ao, ruộng mạ trước làng. Đất được cấp cũng chỉ rộng mấy chục mét vuông. Nhỏ vậy nên người dân không thể thiết kế nhà ngang, sân, vườn như truyền thống, buộc phải chọn mẫu nhà hình ống, quay mặt ra đường như ở thành phố. “Phố làng” từ đó mà hình thành. Không gian khoáng đạt, nhiều màu xanh trước làng từ đó mất hẳn.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới tình trạng “ly nông”, ở nông thôn nhưng không làm nông nghiệp, nhất là giới trẻ. Họ rời xa ruộng đồng để đi làm ở các công ty, nhà máy. Khi càng nhiều người vào làm ở nhà máy thì lại càng có thêm nhiều thửa ruộng, cánh đồng bị bỏ hoang...

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, nông dân thôn Bái Dương, quê ông có truyền thống thâm canh rau màu vì đồng đất phù hợp. Trước đây ruộng đất của làng rất quý, “hở” ra là có người đến thuê. Ở thời điểm hiện tại chuyện lại khác. “Con nhà nông nhưng rất ít các cháu trong làng biết đến việc ruộng đồng. Tôi có 2 con trai, cháu đầu đi làm công nhân, cháu út học xong ở lại Hà Nội làm việc. Ra đồng giờ chỉ còn người già như chúng tôi” - ông Toàn chia sẻ.

Chia sẻ của ông Toàn rất phù hợp với kết quả thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Nam Định, đó là diện tích ruộng đất bị bỏ hoang ở tỉnh ngày càng tăng, hiện tại lên tới cả nghìn ha.

Theo ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định, quá trình xây dựng NTM cũng phát sinh nhiều vấn đề cần được giải quyết, khắc phục. Nhận thức rõ điều này và với quan điểm xây dựng NTM “có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, tỉnh Nam Định đã lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng và thực hiện nghiêm các quy hoạch, nhất là quy hoạch chung xã. Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ, đồng hành của Mặt trận, chính quyền cơ sở, các cộng đồng thôn, xóm đều đã xây dựng, ban hành hương ước, hướng người dân trong cộng đồng vào việc tuân thủ pháp luật, tích cực lao động, sản xuất; có ý thức, trách nhiệm xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, giữ gìn “thuần phong, mỹ tục”, trên hết là phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, đồng thuận để xây dựng cuộc sống bình yên, no ấm ở mỗi làng quê.

Những năm qua, nhiều khu, cụm công nghiệp được xây dựng tại địa bàn nông thôn tỉnh Nam Định. Ảnh: Duy Hưng.

Làng bây giờ như phố

Hà Nội là địa phương có kết quả xây dựng NTM đi đầu cả nước. Tuy nhiên, cùng với những thành tựu xây dựng NTM, kiến trúc của nông thôn ngày càng bị thay đổi. Nhưng vấn đề quy hoạch, kiến trúc chưa “theo kịp” sự phát triển kinh tế, khiến cho càng có điều kiện xây dựng các công trình mới, thì nông thôn lại càng xa rời bản sắc. Những không gian kiến trúc truyền thống bị phá vỡ. Những ao làng, hệ thống cây xanh bị mất đi. Nhiều công trình mọc lên có kiến trúc không phù hợp với không gian truyền thống. Trong đó, có cả những ngôi nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng được “bê” kiến trúc xa lạ đặt giữa làng quê.

Đối với các công trình nhà ở, không chỉ “bê-tông hóa” ở mức độ cao, mà còn kiến trúc pha tạp. Nhiều mẫu nhái nửa vời theo kiến trúc Pháp, hoặc sao chép nguyên những kiến trúc nhà ống tại đô thị về. Chưa nói đến những làng đã bị “đô thị hóa” mạnh, vùng Hà Tây (cũ) có nhiều làng cổ nổi tiếng như: làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng cổ Cự Đà (huyện Thanh Oai), làng Cựu (huyện Phú Xuyên)... nơi đây vốn được xem là giữ được “hồn cốt” làng quê Việt với những nếp nhà cổ kính. Bên cạnh những nếp nhà lợp ngói xưa, còn có nhiều ngôi nhà thể hiện sự giao lưu văn hóa Pháp – Việt nửa đầu thế kỷ 20, trong đó, có cả những biệt thự cổ. Song, những năm gần đây, những ngôi làng cổ này cũng “biến dạng”.

Điển hình trong đó là làng cổ Cự Đà (huyện Thanh Oai). Cách đây chừng 10 năm, làng cổ Cự Đà là một địa chỉ được dân “phượt” ưa thích khám phá. Ngôi làng nằm ven sông Nhuệ, có hàng trăm nếp nhà cổ kính, tuổi đời từ 70-80 năm trở lên. Giờ vào các ngõ, tất cả chỉ là những ngôi nhà bê tông cao vút, hiếm hoi mới gặp được mái nhà còn giữ ngói mũi rêu phong. Thống kê sơ bộ của xã Cự Khê cho thấy, giai đoạn 1945 -1975, làng Cự Đà có đến hơn 100 ngôi nhà cổ, niên đại từ 100 - 130 năm, nhưng đến nay chỉ còn 51 ngôi nhà. Theo quan điểm của lãnh đạo xã Cự Khê và những lời chia sẻ từ chính người dân Cự Đà, bản thân họ rất muốn giữ lại nhà cổ, nhưng “giữ bằng cách nào và với cơ chế, chính sách gì?” thì lại là câu hỏi đã đặt ra từ lâu nhưng chưa có lời đáp.

Nét văn hóa còn được lưu giữ ở Làng Cự Đà, Thanh Oai, Hà Nội. ảnh: Quang Vinh.

Những ngôi làng ven đô, tình trạng “làng không ra làng, phố không ra phố” càng phổ biến hơn, nhất là địa bàn các huyện: Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức... Do đất chật, người đông, càng gần khu vực đô thị thì tình trạng cắt mặt đường làm nhà ống ngày càng phổ biến.

Ông Nguyễn Viết Văn (xã Xuân Trạch, huyện Đông Anh) chia sẻ: “Nhiều người dân vẫn thích những mái nhà truyền thống, nhưng khi gia đình đông con, phải chia tách hộ thì bắt buộc phải xây nhà ống mới đủ diện tích để ở. Người dân cứ thấy thế nào thuận tiện thì xây chứ không có cơ quan nào hướng dẫn nên xây dựng theo kiểu mẫu thế nào. Do đó, làng bây giờ như phố, kiểu mẫu nhà nọ cạnh nhà kia cứ như đang “cãi nhau”.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn, TS.KTS Lê Thị Bích Thuận cho rằng, trong quá trình xây dựng NTM gắn với đô thị hóa tại Hà Nội, nhiều làng xã đã và đang mất dần bản sắc truyền thống vốn có. Bên cạnh nhiều kiến trúc, cảnh quan, di sản văn hóa làng quê đã bị mai một, nhiều làng xã trở thành “phố làng”, nhiều khu đô thị mini trong lòng nông thôn. Các xã NTM đang xây dựng hệ thống đường giao thông đồng loạt theo phong trào và công thức đơn giản đã “bê tông hóa làng quê”.

Các chuyên gia cho rằng việc đánh giá đúng thực trạng, dự báo trước sự phát triển để đưa ra những giải pháp quy hoạch và định hướng cho tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan thích ứng với những điều kiện mới tại các huyện của TP Hà Nội là hết sức cần thiết.

Các trò chơi văn nghệ, dân gian tại Ngày hội Đại đoàn kết ở Hà Tĩnh. Ảnh: Hạnh Nguyên.

Nỗ lực gìn giữ nét làng

Trong vòng xoáy của sự đổi thay từ NTM, nét đẹp truyền thống của làng quê, những giá trị văn hóa đặc sắc ở núi Hồng, sông La vẫn luôn được Hà Tĩnh giữ gìn và phát huy.

Huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) là một địa phương nổi trội trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM. Huyện đã về đích NTM năm 2019, hiện nay đang trong tiến trình xây dựng huyện NTM nâng cao.

Về vùng đất văn hiến Kim Song Trường (Can Lộc) sẽ thấy rõ, các giá trị văn hóa truyền thống được các làng, xã xem như “báu vật”, là nền tảng để phát triển mọi mặt kinh tế - xã hội. Xã này hiện có 3 di sản được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm: Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ và bộ sưu tập Văn bản Hán Nôm.

Mặc dù đã về đích NTM nhiều năm nhưng hầu như các kiến trúc cổ kính, nơi lưu giữ nét làng đang được người dân Kim Song Trường lưu giữ, đảm bảo tính vẹn toàn của kiến trúc cổ. Các lễ hội truyền thống được người dân tham gia tích cực. Đặc biệt, câu lạc bộ ví phường vải Trường Lưu ngày càng thu hút đông đảo giới trẻ, học sinh tham gia, trở thành nơi gắn kết mỗi người dân lại gần với nhau hơn.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, nhờ những lợi thế về truyền thống văn hóa, huyện Can Lộc đã và đang tạo ra giá trị kinh tế cho người dân. Đặc biệt, hiện nay, địa phương đang phối hợp với cơ quan chức năng hoàn thiện đề án quy hoạch xây dựng Làng văn hóa du lịch Trường Lưu ở xã Kim Song Trường. “Dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi kỳ vọng, với những lợi thế hiếm có, tin tưởng trong tương lai việc khai thác du lịch làng văn hóa Trường Lưu sẽ hiệu quả” - ông Dũng nhấn mạnh.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, toàn tỉnh đã có 177/182 số xã đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa xã NTM. Số xã đạt tiêu chí văn hóa là 181/182 xã, bằng 99,4%. Có 51 xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa xã NTM nâng cao; 7 xã đạt chuẩn tiêu chí văn hóa xã NTM kiểu mẫu. 7 huyện đạt tiêu chí huyện NTM về văn hóa.

Đây thực sự là những con số “biết nói”, phản ánh quá trình nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và mỗi người dân. Ở đó, người dân có ý thức trong việc đóng góp công sức, tiền của tô đẹp làng quê, tham gia sôi nổi phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, gắn kết nghĩa tình, tương thân tương ái.

Bà Nguyễn Thị Vân (65 tuổi, xã Kim Song Trường) tâm sự: “Tuy đã có tuổi nhưng để góp sức cho phong trào, tôi vẫn tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ dân ca ví, giặm, trước là để động viên lớp trẻ, sau là để mình sống vui vẻ, góp phần giữ gìn di sản của cha ông để lại”.

Văn hóa thấm vào trong nếp nghĩ, trở thành hành động làm thay đổi bộ mặt làng quê, phố phường và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Hà Tĩnh đã thực sự trở thành điểm sáng NTM của cả nước.

Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng Hà Tĩnh, vẫn còn những hạn chế nhất định trong xây dựng cơ sở vật chất văn hóa và xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa ở Hà Tĩnh. Đó là nếp sống văn minh trong một số khu dân cư chưa cao, còn diễn ra tình trạng thả rông gia súc, xả rác bừa bãi. Tình trạng vi phạm pháp luật, vệ sinh an toàn thực phẩm trong một bộ phận người dân vẫn tồn tại...

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Anh Đức, Ủy ban MTTQ các cấp luôn xác định tập trung phối hợp triển khai đồng bộ các nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” gắn với nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, của địa phương và các phong trào thi đua yêu nước.

“Để góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, Mặt trận các cấp đã lồng ghép các chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ, khơi dậy các lễ hội truyền thống trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc... Đặc biệt, mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” mà MTTQ Hà Tĩnh đang triển khai đã trở thành nơi khơi dậy, là điểm “thắp lửa” để các giá trị văn hóa truyền thống phát huy” - Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Hoàng Anh Đức khẳng định.

Ông Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm hội đồng tư vấn về Văn hóa – xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam: Xây dựng nông thôn mới phải tập trung vào yếu tố văn hóa

Xây dựng NTM đảm bảo quy hoạch nhưng vẫn giữ nguyên được không gian, giữ gìn kiến trúc truyền thống của mỗi làng quê là việc làm vô cùng khó, nhưng khó đến mấy chúng ta vẫn phải làm. Bây giờ ở thành phố có hiện tượng nông thôn hóa thành thị nhưng ở nông thôn lại ngược lại. Đây là vấn đề đáng bàn, bởi khi nói tới văn hóa là nói tới cách thức tổ chức cộng đồng, đó là cái ăn thế nào, cái mặc và cái ở ra sao. Đời sống cộng đồng nếu làm như kiểu nông thôn hiện tại thì có vẻ giống thành thị. Tuy nhiên, nếu giống thành thị thì đời sống lại không phù hợp, kể cả kiến trúc, nhà ở và cả suy nghĩ. Vậy thì giai đoạn 2 của xây dựng NTM, văn hóa phải là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Thời kỳ đầu, chúng ta phải tập trung vào kinh tế, điện, đường, trường, trạm thì bây giờ tập trung vào xây dựng văn hóa. Xây dựng văn hóa không phải là những thiết chế văn hóa, xây dựng nhà văn hóa mà phải xây dựng đời sống văn hóa, tư duy của cuộc sống như tình làng, nghĩa xóm thế nào, truyền thống văn hóa của địa phương, của xã, của làng ra sao. Việc gìn giữ và phát huy truyền thống của người Việt Nam trong xây dựng đời sống hạnh phúc; trong nghệ thuật, ca dao, tục ngữ... sẽ góp phần xây dựng con người Việt Nam vừa hiện đại nhưng vẫn giữ được truyền thống.

Nguyễn Phượng (ghi)

Bà Phạm Thị Nhâm – Phó Viện trưởng Viện quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng: Thay đổi nhìn nhận về nông thôn mới

Nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Chương trình này đã thúc đẩy sự thay đổi nông thôn trên nhiều mặt, trong đó có lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc nông thôn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, chúng ta thấy rằng việc triển khai thực hiện NTM tại nhiều địa phương theo kiểu mạnh ai nấy làm đã dẫn đến sự lạ lẫm với nhiều người. Về vấn đề này, các địa phương cần thay đổi tư duy trong xây dựng NTM, không chỉ chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng mà phải kết hợp hài hòa giữa kinh tế - văn hóa - xã hội. Việc xây dựng NTM tất nhiên không nên thực hiện theo hình thức dập khuôn mà tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương. Nhưng phải đề cao sự hài hòa. Trong đó ưu tiên phát triển những không gian mở, không gian xanh để làm nơi sinh hoạt chung giúp gắn kết cộng đồng ở khu vực nông thôn… Có thể thấy, hiện nay, NTM, thực ra đã vượt qua ngưỡng nông thôn rồi và đã từng bước chuyển dần sang đô thị. Theo tôi các địa phương cần thay đổi tư duy, cách làm, xây dựng NTM phát triển theo chiều sâu, khai thác và gìn giữ những giá trị truyền thống của địa phương.

Thúy Hằng (ghi)

Ông Phương Đình Anh - Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương: Gìn giữ nét làng

Với khía cạnh gìn giữ nét làng trong mô hình “Nhà văn hóa cộng đồng - Ngôi nhà trí tuệ” ở Hà Tĩnh, có thể nói, mô hình góp phần phục hồi những bản sắc văn hóa dân gian vốn đang mai một dần trong đời sống hiện đại. Nếu như không có mô hình của Mặt trận Hà Tĩnh, những giá trị này dần dần sẽ bị quên lãng. Điều đặc biệt nhất tôi cho rằng “Ngôi nhà trí tuệ” đã đạt được đó là tính kết nối. Các câu lạc bộ, các trò chơi, các môn thể dục, thể thao… kết tinh trong “Ngôi nhà trí tuệ” tạo ra sự giao lưu văn hóa, giao lưu kiến thức, là không gian cho sự gần gũi giữa thanh thiếu nhi ở nông thôn với sinh viên các trường đại học, học sinh ở các trường THPT. Từ đó, các giá trị văn hóa, tinh thần đoàn kết, sự yêu thương… lan tỏa mạnh mẽ.

Hạnh Nguyên (ghi)

D.Hưng – N.Phượng – H.Nguyên