Phía sau hành vi đòi nợ thuê
Đòi nợ thuê không phải chuyện mới, nhưng gần đây việc một nhóm đối tượng núp bóng công ty luật để đòi nợ thuê kiểu giang hồ đã cho thấy mức độ nguy hại của loại “dịch vụ” này. Không chỉ nguy hại mà còn đáng sợ. Đáng chú ý trong vụ này những bị hại có ở nhiều địa phương như: Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, TP Hà Nội. Có nghĩa là phạm vi hoạt động của chúng rất rộng.
Ngày 23/2, Công an tỉnh Tiền Giang thông tin chi tiết về vụ án “cưỡng đoạt tài sản” núp bóng Công ty Luật TNHH Pháp Việt (trụ sở tại quận Tân Bình, TPHCM). Vụ án do Công an tỉnh Tiền Giang, Công an TPHCM cùng Bộ Công an triệt phá.
Quá trình xác minh làm rõ, các đối tượng đòi nợ đã gọi điện thoại đe dọa, khủng bố đến các tổ chức, cá nhân, kể cả thân nhân, người quen… có liên quan đến người vay tiền, với hành vi như đe dọa giết vợ, con, người thân… Thậm chí chúng đem cả bình gas, khiêng cả quan tài đến tận nơi để khủng bố nhằm buộc các bị hại phải trả nợ.
Tại Công ty Luật Pháp Việt, Công an đã thu giữ lượng tang vật gồm 233 CPU máy tính bàn, 4 laptop, trên 300 điện thoại di động và nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động khủng bố, cưỡng đoạt tài sản. 133 đối tượng có liên quan, phát hiện có nhiều dữ liệu điện tử, tin nhắn có nội dung liên quan đến việc đòi nợ.
Bước đầu công an xác định, mỗi tháng nhóm người này tham gia đòi nợ thuê từ 141.000 đến 241.000 hợp đồng khách vay. Tổng số tiền mà các nghi phạm đã đòi được là hơn 988 tỷ đồng. “Công ty” được nhận về từ 25 - 35% trên tổng số tiền đòi được.
Củng cố hồ sơ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố vụ án “cưỡng đoạt tài sản”; đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 bị can, gồm: Hà Thị Hiệp (nhân viên Công ty Luật Pháp Việt), Nguyễn Thanh Hải (nhóm trưởng của Hà Thị Hiệp) về tội “cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự. Ngày 22/2, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục khởi tố và ra lệnh tạm giam đối với 3 bị can khác, gồm: Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng là Phó Giám đốc Công ty; Nguyễn Đình Thành (Trưởng phòng kiêm nhóm trưởng); tiếp tục tạm giữ hình sự khẩn cấp đối với 10 đối tượng và đang tiếp tục củng cố chứng cứ, khai thác thông tin, truy bắt các đối tượng liên quan.
Đáng nói là các đối tượng đều không có văn bằng chuyên ngành luật mà thuê một người đứng tên đăng ký pháp nhân công ty. Nhóm này có sự phân công cụ thể từng công việc cho nhân viên công ty thông qua trưởng phòng và các nhóm trưởng.
Nhìn vào vụ việc có thể thấy đây là một hành vi trái pháp luật có tổ chức chặt chẽ, “lách luật” để đòi nợ thuê bằng hợp đồng trợ giúp pháp lý. So với các vụ đòi nợ thuê trước đây, thì đây là vụ quy mô nhất, cho thấy loại tội phạm này ngày một nguy hiểm hơn. Mặt khác cũng cho thấy có sự liên hệ giữa các ngân hàng, công ty tài chính với tội phạm đòi nợ thuê. Như vậy, việc đòi nợ thuê không còn là đơn lẻ mà đã phổ biến trong xã hội, quy mô và hình thức, phương thức hoạt động ngày một phức tạp hơn. Không chỉ cá nhân thuê đòi nợ mà đã “ở cấp” ngân hàng, công ty tài chính.
Vì thế, cùng với việc đấu tranh triệt phá các ổ nhóm đòi nợ thuê thì cũng cần xem xét trách nhiệm của các ngân hàng, công ty tài chính liên quan. Vì nếu không có người thuê thì không có người đòi nợ thuê, từ đó gây ra sự bất ổn xã hội, hoang mang dư luận, kể cả phạm tội hình sự theo kiểu “đâm thuê chém mướn”.
Vậy, nạn nhân của đòi nợ thuê cần phải làm gì để tự bảo vệ? Người dân cầu cứu ai khi bị đòi nợ thuê tạt chất bẩn, khủng bố, hành hung?
Theo Công an TPHCM, trong vòng 1 năm đã ghi nhận 347 vụ ném chất bẩn, dùng sim rác gọi đe dọa liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Cảnh sát hình sự trên địa bàn đã phát hiện 120 vụ việc, khởi tố 45 vụ án và 65 bị can liên quan đến tín dụng đen và đòi nợ thuê; khởi tố 10 vụ án, 27 bị can cho vay nặng lãi.
Trong trường hợp gặp tình huống bị khủng bố tinh thần, quấy rối, xúc phạm nhân phẩm từ các băng nhóm đòi nợ thuê, đại diện Công an TPHCM cho biết người dân có thể làm đơn khiếu nại đến công ty tài chính để khiếu nại về biện pháp đôn đốc, đòi nợ. Mặt khác, người dân cũng có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan thanh tra, Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan công an nếu công ty tài chính tiếp tục có hành vi sử dụng điện thoại, phương tiện truyền thông quấy rối, xúc phạm nhân phẩm và đe dọa tinh thần.
Như vậy, có thể thấy không chỉ các băng nhóm đòi nợ thuê phải chịu trách nhiệm trực tiếp mà người thuê (trong đó có cả ngân hàng, công ty tài chính) cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.