Nhìn lại di tích xưa, ngẫm việc tu bổ nay

NAM PHONG 26/02/2023 10:00

Triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954” là dịp để mỗi người xem cùng nhìn lại công tác bảo tồn, tu bổ di tích được thực hiện trong thế kỉ đã qua, và cùng suy ngẫm về hiện trạng tu bổ di tích thiếu tính khoa học ở một số địa phương hiện nay.

Hướng đến chào mừng kỉ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp, 30 năm Viện Viễn Đông Bác cổ quay trở lại Việt Nam (1993-2023), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) đã khai mạc triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954” tại Tiền đường nhà Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (triển lãm mở cửa đến ngày 30/4).

Khuê Văn Các hiện nay. Ảnh: Lê Minh.

Bài học từ tiền nhân

“Tham dự triển lãm, du khách được tận mắt chứng kiến miền ký ức của khu di tích đã từng bị lãng quên trong một giai đoạn lịch sử, có thời điểm trở thành trường dạy nhạc hay nơi cách ly bệnh tả tại Hà Nội... Nhưng rồi EFEO đã thấy được tầm quan trọng về mặt tín ngưỡng tâm linh, cũng như nhận diện được biểu tượng cho truyền thống hiếu học lâu đời của nước nhà, nên đã xếp hạng di tích này cùng các di tích khác, sau đó tài trợ kinh phí và cử các chuyên gia tiến hành khảo sát, nghiên cứu, thực hiện công tác bảo tồn, để trả lại cho di tích vẻ vẹn nguyên như ngày hôm nay chúng ta được chiêm ngưỡng” - bà Đường Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám chia sẻ.

Còn nói theo cách của PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đây là dịp để mỗi người xem cùng nhìn nhận lại, đánh giá công tâm những tâm huyết, công sức của những nhà quản lý như Tổng đốc tỉnh Hà Đông Hoàng Trọng Phu, và nhà nghiên cứu người Pháp như Gustave Dumoutier hay người Việt như Trần Văn Giáp… phối hợp với nhau cùng hướng đến mục đích chung là gìn giữ di sản văn hóa cho thế hệ mai sau.

Bên cạnh đó, đứng từ góc độ của một nhà quản lý văn hóa, ông Huy nhận định: “Chuyên đề này đã để lại cho những người làm công tác lưu trữ văn thư, quản lý bảo tàng, di tích, di sản bài học sâu sắc về tầm quan trọng của công việc bảo tồn di sản văn hóa được những nhà quản lý, nhà nghiên cứu của thế kỉ trước nhận thức rõ như thế nào. Công việc của chúng ta ngày hôm nay cũng cần đi theo lộ trình như tiền nhân đã làm, và rất cần những con người với tầm nhìn chiến lược, giữ được cái tâm với những tinh hoa được đúc kết từ lịch sử, góp sức vào công cuộc bảo tồn di tích, di sản ở đất nước ta.”

Công trình Khuê Văn Các năm 1912 trong Bộ sưu tập ảnh EFEO.

Suy ngẫm về hoạt động tu bổ di tích hiện nay

Những bài học từ mỗi lần tôn tạo di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám của tiền nhân vẫn còn đấy, thế nhưng hậu thế - những người đang làm công tác bảo tồn di tích, dường như không phải ai cũng tiếp thu. Vấn đề này lộ rõ khi mà trong bối cảnh hiện nay, nhiều di tích dù đã được xếp hạng, nhưng việc tôn tạo, duy tu thiếu kiến thức, thiếu nghiên cứu kỹ lưỡng, cùng với đó là sự buông lỏng trong khâu giám sát thi công, sự “ngó lơ” trước những quy định chặt chẽ về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do Bộ VHTTDL ban hành, đã phá vỡ trật tự theo thiết kế cũ, khiến những công trình vốn có lịch sử lâu đời trở nên biến dạng và mất đi giá trị thẩm mỹ, văn hóa, lịch sử nguyên bản.

Có thể kể đến những vụ việc trong thời gian gần đây gây xôn xao dư luận như giếng cổ tại di tích đền thờ Lê Văn Hưu (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) bị phá bỏ để xây giếng mới với diện tích thu hẹp hơn vào tháng 3 năm ngoái. Hay sự việc các bức tượng phù điêu và các văn bia tạc trên vách núi bị “làm mới” bằng những màu sơn lòe loẹt tại đền Quan Thánh thuộc cụm di tích danh thắng núi An Hoạch (Thanh Hóa) nổi lên vào tháng 11 vừa qua…

TS Nguyễn Thế Sơn - giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam đánh giá: “Với những đóng góp, những thành tựu của Viện Viễn Đông Bác cổ trong tiến trình lịch sử thế kỉ XIX-XX, nhất là khi quay trở lại Việt Nam vào năm 1993, tôi nhận thấy có sự chính thống, nghiêm cẩn trong việc nghiên cứu, trùng tu, đây là nhân tố rất quan trọng quyết định tới sự thành công trong việc trùng tu một công trình kiến trúc.

Văn bia và phù điêu trên vách đá tại đền Quan Thánh (Thanh Hóa) bị tô sơn.

Khi bắt tay vào tiến hành công việc tu bổ di tích, mỗi người tham gia thi công cần nhìn lại từ khâu quy hoạch cho đến thiết kế ban đầu, để có nhận thức đúng đắn về giá trị của di tích, từ đó, có cơ sở tiến hành trùng tu, cũng như tiếp biến những nét mới mẻ vào công trình ấy. Bởi dù cho có sáng tạo đến đâu, vẫn nên dựa trên thiết kế ban đầu, sẽ cho ra thành quả có tính thuyết phục cao hơn.

Những tư liệu về di sản kiến trúc ở Hà Nội được lưu trữ ở Viện Viễn Đông Bác cổ là nguồn tư liệu quý để những người làm công tác bảo tồn di sản đối chiếu, tham khảo. Tôi cho rằng những tư liệu hiện đang lưu giữ đóng vai trò rất lớn cho công tác khôi phục, tôn tạo di tích trong thời đại hiện nay”.

“Sáng tạo song vẫn cần tôn trọng thiết kế gốc, bởi bảo lưu được thiết kế gốc chính là lưu giữ được giá trị cốt lõi của di tích”, là quan điểm được ông Nguyễn Thế Sơn nhấn mạnh.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Huy nói thêm: “Công tác bảo tồn, duy tu các công trình kiến trúc lịch sử chính là công tác nghiên cứu, thực hành khoa học, mà ở đấy, mỗi người thực hiện đều phải nghiêm túc xây dựng quy chuẩn mang tính khoa học cao, tuân thủ những nguyên tắc đã đặt ra. Khi tiến hành công việc này, cần phải đặt dưới v sự giám sát chặt chẽ về mặt khoa học, phải cơ những cơ quan chuyên môn tổ chức giám định, thi công một cách bài bản, nghiêm ngặt.

Thật xót xa khi gần đây, ở không ít nơi chưa làm tốt việc này. Nhiều khi thuê nhân công đến phục dựng, mà sự giám sát của các nhà quản lí chưa thực sự sát sao. Vì thế mà kết quả phục dựng không đạt kết quả tốt đẹp, khiến cho mỗi lần phục dựng là một lần thay đổi, một lần biến dạng. Vấn đề này rất nguy hiểm và cần khắc phục nhanh chóng”.

Những băn khoăn, trăn trở vẫn còn là gánh nặng trong tâm tư những người yêu di sản như ông Huy và ông Sơn. Nhưng bao giờ mới khắc phục được, cần phải chờ ở một số người làm công tác bảo tồn di tích, di sản bao giờ mới nhận thức rõ được giá trị của những công trình kiến trúc ấy, để rồi nhìn nhận lại những hành động của chính mình và chấm dứt việc phá hoại di tích trên danh nghĩa bảo tồn, tu bổ.

NAM PHONG