Dấu ấn cuộc đời, sự nghiệp nhà thơ, dịch giả Dương Tường
Sinh thời, nhà thơ, dịch giả Dương Tường dành nhiều thời gian cho công việc học thuật, ông gắn cả đời mình với con chữ....
Thông tin nhà thơ, dịch giả Dương Tường qua đời khiến người hâm mộ vô cùng tiếc thương. Quá nhớ thương một tên tuổi tài năng, nhiều độc giả trích lại thơ ông như lời tiễn biệt cuối cùng cho thi sĩ gắn cả đời mình với con chữ.
Sự nghiệp lẫy lừng
Dương Tường, tên đầy đủ là Trần Dương Tường, sinh ngày 4/8/1932 tại thành phố Nam Định. Năm 1944, ông lên Hà Nội học lớp 6 tại trường Louis Pasteur. Đến năm 1945, ông bỏ học làm liên lạc viên trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Năm 1949, sau khi gia nhập quân đội, ông làm lính thông tin liên lạc rồi chuyển thành cán sự văn nghệ trung đoàn, bắt đầu làm thơ kể từ năm 1953. Khi ấy Dương Tường 21 tuổi. Sau khi giải ngũ, ông về làm phóng viên - biên tập tại Việt Nam Thông tấn xã, nay là Thông tấn xã Việt Nam.
Trong giới dịch thuật, Dương Tường có sự nghiệp trải dài khoảng 60 năm, song hành theo lịch sử xuất bản văn học dịch. Ông là tác giả của hơn 50 tác phẩm dịch lớn nhỏ.
Hơn nửa thế kỷ cặm cụi dịch thuật, gia tài của ông có đến hơn 50 tác phẩm của nhiều nền văn học lớn như: Anh, Mỹ, Nga, Đức, Nhật Bản.
Đối với độc giả Việt, tác giả Dương Tường đã quá quen thuộc qua những tác phẩm chuyển ngữ kinh điển như: "Cuốn theo chiều gió", "Kafka bên bờ biển", "Đồi gió hú", "Con đường xứ Flandres", "Lolita", "Bức thư của người đàn bà không quen"…
Đối với những người yêu thơ, người ta cũng gặp một Dương Tường đầy xúc cảm, sáng tạo qua những trang thơ, hay đầy tinh tế, sâu sắc trong những bài phê bình.
Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Dương Tường bước vào làng thơ và lập tức gây ra những tranh cãi về một thứ thơ còn xa lạ với dòng thơ chính thống.
Nhưng đọc kỹ thơ Dương Tường, mới thấy ông đã chủ động xây dựng "một ngữ - hệ - mới" trong thi pháp Dương Tường nhằm mục đích tối thượng là cách tân trong sáng tạo ngôn ngữ thơ mà bài thơ đề trên mộ chí sau này của ông chỉ duy nhất có một câu “Tôi đứng về phe nước mắt” đã phần nào nói lên điều ấy.
Nghệ thuật thơ ca của ông trước hết là nghệ thuật của chữ, của những "con âm", với rất nhiều nhạc tính, và nhất thiết phải có nhạc trong thơ.
"Tình khúc 24", nói về cuộc tình thời trẻ là một dẫn chứng rõ nhất cho thi pháp thơ ca của ông. Tác phẩm cũng từng được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc và trở thành một ca khúc nổi tiếng.
Tiếc nuối với thi ca
Nghe tin nhà thơ, dịch giả Dương Tường ra đi, không ít nhà thơ bày tỏ sự tiếc thương với người dành tâm huyết cả cuộc đời cho thi ca. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên xúc động viết trên trang cá nhân: "Sự ra đi của Dương Tường đối với tôi vẫn là quá đột ngột, dẫu biết ông đã ngoài tuổi chín mươi, dẫu biết ông đã nằm viện hơn hai tháng nay, dẫu biết ông có thể rời bỏ cõi đời bất cứ lúc nào.
Khoảng thời gian ông ở bệnh viện không ai người ngoài được vào thăm do những quy định nghiêm khắc của ngành y tế đối với người bệnh. Và thế là tôi đã không được gặp ông lần cuối như những lần tôi đến nhà ngồi bên ông. Phút cuối bên ông có vợ chồng con trai, vợ chồng con gái, và một đứa cháu. Ông đã rời cõi thế trong một cơn mê kéo dài.
Anh đi, những trang thơ và trang sách dịch của anh ở lại".
Với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Dương Tường là một nhà thơ, một dịch giả dành cả đời người dấn thân cho sáng tạo văn học, cả trong dịch thuật lẫn sáng tác thơ ca. Cho đến tận những năm cuối đời, khi sức khỏe đã hao mòn, ông vẫn lặng lẽ làm việc.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định rằng ông Dương Tường là người làm việc với con chữ một cách nghiêm túc, dấn thân trọn vẹn cho sự nghiệp văn chương. Ông nói: "Đó là điều chúng ta cần ghi nhận. Ông ra đi, để lại những tác phẩm dịch quan trọng và những sáng tác thơ ca cho hậu thế. Những thế hệ sau này, trong thời đại đã có nhiều đổi thay, cũng sẽ nhớ đến tấm gương cống hiến thầm lặng như Dương Tường", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh.
Trước tin buồn, nhiều bạn văn và hậu bối của nhà thơ đã bày tỏ sự buồn thương, tiếc nuối. Biên tập Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - người từng trực tiếp biên tập cuốn "Dương Tường - Thơ", bà nói đã tìm thấy vẻ đẹp bất biến của "ngón thơ con âm" và tính bất biến của cảm xúc chất chứa trong thơ của ông.
Trên trang cá nhân, bà Diệu Thủy viết: "Trong quá trình biên tập cuốn sách, một buổi chiều tôi đến nhà ông. Bậc thang gỗ nhỏ hẹp dẫn lên căn gác chật chội ẩm thấp bộn bề sách vở".
"Dương Tường cho tôi xem bản gốc hai tập thơ thị giác Ngày và Đàn của ông, mà ông gìn giữ nâng niu cẩn thận. Cái cảm giác được chạm tay vào quá khứ, chạm tay vào sáng tạo không khỏi khiến tôi có đôi chút rung động. Và Dương Tường hào hứng chỉ cho tôi lai lịch từng bức".
Chính trong dịp này, bà Nguyễn Hoàng Diệu Thủy đã có dịp trao đổi với ông Dương Tường về quan điểm thơ ca và sự nghiệp văn chương của ông. Theo đó, ông đã nói: "Tôi vẫn cho tôi là một nhà thơ. Cho dù tôi đã dịch đến sáu chục đầu sách, nhưng cái cốt lõi tâm hồn tôi vẫn là nhà thơ. Tôi tiếc là mình không sống được trọn vẹn với thơ".