Uống rượu lái xe: Hết thời gọi ‘cứu trợ’
Đợt cao điểm xử lý lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn vừa qua của TP Hà Nội đang cho thấy việc mạnh tay của ngành chức năng là không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Đặc biệt, việc xử lý nghiêm đã giúp người dân thấy rõ tính chất nguy hiểm của việc vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, từ đó lan tỏa sâu rộng văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe" trong đời sống xã hội.
Xử lý nghiêm “ma men”
Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP Hà Nội, từ 15/11/2022 đến ngày 15/2/2023, các lực lượng của đơn vị này đã xử lý 75.033 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền 123 tỷ 733 triệu đồng, tạm giữ 16.354 phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe 12.708 trường hợp. Trong đó, xử lý 14.929 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, phạt tiền 82 tỷ 586 triệu đồng, tạm giữ 14.929 phương tiện các loại, tước giấy phép lái xe 8.584 trường hợp. Hiện TP Hà Nội tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Qua ghi nhận, nhiều lái xe khi đã uống rượu, bia vẫn điều khiển xe, khi gặp các Tổ công tác CSGT yêu cầu thổi nồng độ cồn thổi vào máy đo chuyên dụng họ thường không chấp hành. Không ít trường hợp gọi “cứu trợ” từ người thân và giới thiệu người thân đó có địa vị trong xã hội để tổ công tác bỏ qua lỗi vi phạm. Tuy nhiên, xử lý nồng độ cồn của ngành chức năng không có ngoại lệ, không có vùng cấm.
Cụ thể, tối 19/2, tại khu vực phố Miếu Đầm (Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm), Tổ công tác thuộc Đội CSGT số 6 đã thực hiện lập chốt kiểm tra nồng độ cồn. Thời điểm này có 2 trường hợp bỏ chạy cũng như tỏ thái độ không hợp tác. Theo đó, tài xế T.C.S., người điều khiển phương tiện mang biển kiểm soát: 30F-785.xx sau khi được các cán bộ CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn đã liên tục lẩn tránh, quyết không hợp tác.
Trong khi tài xế S. làm việc với tổ công tác thì một số cá nhân cũng bước xuống xe để gây áp lực với lực lượng chức năng. Thậm chí một người đàn ông còn lớn tiếng giới thiệu mình là phóng viên của một tờ báo lớn và có rất nhiều mối quan hệ. Tài xế S. sau 5 lần được yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn vẫn không chịu hợp tác, liên tục trốn tránh và yêu cầu được gọi điện thoại nhằm kêu gọi sự hỗ trợ. Đến khi Trung tá Đoàn Xuân Thảo (tổ trưởng tổ công tác) yêu cầu cưỡng chế cẩu phương tiện với lý do tài xế không hợp tác thì anh S. mới nhanh chóng đổi ý. Kết quả đo nồng độ cồn của tài xế T.C.S. là 0,252 miligam/lít khí thở, tương đương với vi phạm nồng độ cồn ở mức 2.
Cũng trong tối 19/2, Đội CSGT số 1 lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại ngã tư Tràng Thi - Quán Sứ cho dừng ô tô khách loại 16 chỗ mang biển kiểm soát 29B-400.XX để kiểm tra. Qua đo nồng độ cồn, tài xế N.T.H. (SN 1967, trú tại Hà Nội) vi phạm ở mức 0,153 miligam/lít khí thở. Trên xe tài xế H. chở 16 phụ huynh và học sinh từ Hà Giang về tham quan tại Hà Nội. Tổ công tác đã lập biên bản với tài xế H. lỗi vi phạm nồng độ cồn. Với hành vi trên, tài xế H. bị phạt tiền 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Trước đó, vào tối 18/2, tại Km 11+300 Tỉnh lộ 427, Tổ công tác thuộc Đội CSGT - Trật tự, Công an huyện Thường Tín trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã phát hiện một số trường hợp điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia. Trong đó có tài xế L.V.G., người điều khiển xe ô tô mang biển kiểm soát: 30Y-2643 sau khi được các cán bộ CSGT yêu cầu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn đã có thái độ bất hợp tác. Lái xe G. liên tục gọi điện thoại cho người thân và giới thiệu có anh làm phó chủ tịch để tổ công tác bỏ qua lỗi vi phạm. Trước thái độ của lái xe G., tổ công tác kiên quyết xử lý nghiêm. Căn cứ điểm b, khoản 10 và điểm h, khoản 12, điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. Ngoài ra, tài xế xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng… Có thể nói, ngay từ cuối năm 2022, với tinh thần quyết liệt, không can thiệp, không có vùng cấm, Công an TP Hà Nội đã triển khai cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội, trong đó tập trung mạnh vào xử lý lỗi vi phạm nồng độ cồn.
Hình thành văn hóa "đã uống rượu bia là không lái xe"
Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết: Khi việc xử phạt được thực hiện trên tinh thần không có vùng cấm, không thể can thiệp, đồng thời thông báo tới đông đảo nhân dân được biết qua các phương tiện thông tin đại chúng, chắc chắn về lâu dài, số lượng vi phạm lỗi nồng độ cồn sẽ giảm đi. Thói quen, văn hóa giao thông mới sẽ có điều kiện hình thành trở lại.
Về nhận định chế tài xử phạt hành vi lái xe khi đã uống rượu bia vẫn chưa đủ tính răn đe, ông Khuất Việt Hùng khẳng định: Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, chúng ta mới đưa ra mức xử phạt cao nhất với nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nhưng, thực tế có những người uống gấp 3-4 lần ngưỡng này. Trước đây, đã có nhiều ý kiến đề xuất đối với ngưỡng 0,8 miligam/lít khí thở thì cần phải xem xét xử lý hình sự. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã áp dụng hình phạt tù cho lỗi vi phạm nồng độ cồn. “Tôi cho rằng, nếu phát hiện nồng độ cồn ở ngưỡng cao (từ 1 miligam/lit khí thở trở lên) cũng nên xem xét để xử lý hình sự” - ông Hùng kiến nghị.
Ngoài ra, ông Hùng thông tin thêm: Khoản 4, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định rõ: Những hành vi vi phạm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông có khả năng gây uy hiếp, có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông nguy hiểm có thể bị xem xét xử lý hình sự, kể cả trong trường hợp chưa gây ra hậu quả. Quy định đã có, điều chúng ta cần là hướng dẫn triển khai cụ thể.
Cũng có ý kiến cho rằng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có rất nhiều điều khoản quy định. Đồng thời cũng đã có Nghị định hướng dẫn đưa ra chế tài xử phạt đối với các hành vi bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, hành vi uống rượu, bia trong giờ làm việc. Tuy nhiên, tới lúc này, chưa có số liệu nào thể hiện việc xử phạt như quy định. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã được ban hành nhưng tới nay vẫn chưa có thông tin nào cho thấy việc xử phạt khi vi phạm luật này trừ các trường hợp "ma men" bị cảnh sát giao thông phát hiện. Bởi vậy, bên cạnh việc các lực lượng bảo vệ pháp luật về an toàn giao thông tiến hành phát hiện, xử phạt theo Nghị định 100, thì cũng phải đồng bộ các lực lượng khác chịu trách nhiệm thực thi Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Có như thế mới ngăn chặn được triệt để các “ma men” lái xe.
Ở góc nhìn chuyên gia, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho rằng: Việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia được tham khảo từ nhiều nước, trong đó có khoảng 20 quốc gia quy định cấm hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe, tức là quy định “nồng độ cồn bằng 0”. Nếu chúng ta không nghiêm, không thể thay đổi văn hóa uống rượu, bia. Càng dung túng có ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu, người dân vẫn tiếp tục uống và như thế, tình hình tai nạn sẽ không thể giảm.
Dù vậy, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, Hà Nội duy trì 15 tổ cảnh sát 141 cùng công an các quận, huyện liên tục xử lý 24/24h. Theo lực lượng chức năng, việc chấp hành không sử dụng rượu bia khi lái xe của người dân đã được cải thiện đáng kể. Thời điểm này, trung bình khi dừng tới vài trăm phương tiện mới phát hiện 1 trường hợp vi phạm. Tối 21/2, tổ công tác thuộc Đội CSGT số 6 đã thực hiện lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực phố Miếu Đầm (Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm). Theo ghi nhận, một ca kiểm tra nồng độ cồn trong 2 tiếng của cảnh sát đã kiểm tra 300 xe ôtô nhưng chỉ phát hiện 2 tài xế vi phạm.
Anh Nguyễn Văn Long - quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ: Lỗi vi phạm uống rượu bia lái xe sẽ phạt rất nặng nên nếu uống rượu tôi sẽ gọi taxi để đảm bảo an toàn cho tính mạng của bản thân cũng như người tham gia giao thông. Đợt cao điểm vừa qua, ngành chức năng của Hà Nội đã làm rất mạnh tay. Việc xử lý nghiêm, không thể có sự can thiệp nào cho thấy tình hình tai nạn giao thông do uống rượu bia sẽ giảm đáng kể.
Mặt khác, nhiều ý kiến cũng đề xuất để khắc phục những bất cập thuộc ý thức chấp hành các quy định về điều khiển phương tiện giao thông ở một bộ phận người dân hiện nay cần thực hiện đồng thời cả hai nhóm giải pháp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tiếp tục hoàn chỉnh các chế tài xử lý để từ đó lan tỏa sâu rộng văn hóa “đã uống rượu bia không lái xe” trong đời sống xã hội.
Thiếu tá Trần Quang Chinh - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội): Không linh động bất kỳ trường hợp nào
Số lượng người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông gần đây đã giảm đáng kể. Người dân thấy rõ sự đổi thay trong xử phạt vi phạm giao thông, nhất là với lỗi vi phạm nồng độ cồn. Chúng tôi phạt không nể nang, không linh động cho bất cứ ai vì bất cứ lý do nào. Việc xử lý vi phạm quán triệt trên tinh thần xử lý nghiêm minh, không có chuyện xin tha để bỏ qua vi phạm. Riêng các trường hợp can thiệp vi phạm giao thông, lực lượng làm nhiệm vụ thu thập đầy đủ thông tin, báo cáo đơn vị công tác để có hình thức xử lý.
Luật sư Đỗ Xuân Đang - Công ty Luật TNHH ĐT & Solutions (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Mức phạt đã có sức răn đe
Hiện tại, mức phạt vi phạm hành chính đối với hành vi uống rượu bia trước khi lái xe hiện nay không phải là thấp, thậm chí ở mức cao so với các nước trong khu vực, do đó đã phần nào có sức răn đe.
Theo đó, Nghị định 100, mức phạt đối với người uống rượu, bia lái xe là một trong những mức phạt tăng mạnh nhất, được phân ra 3 mức phạt tùy theo nồng độ cồn đo được từ tài xế. Mức phạt này giao động từ 80.000 đồng đến 800.000 đồng (với người điều khiển xe đạp); từ 2 triệu đồng đến là 8 triệu đồng và bị xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng (với người điều khiển xe gắn máy); từ 6 triệu đồng đến 40 triệu đồng và bị xử phạt bổ sung tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng (với người điều khiển xe ôtô).
Dù biết mức phạt rất nặng song không ít người vì ham vui, cả nể vẫn uống và cố tình lái xe; một số người buộc phải lái xe vì không thể gọi được taxi, hay xe dịch vụ. Nhưng với lý do gì, cá nhân sử dụng rượu bia, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông vẫn phải bị xử lý nghiêm khắc để bảo đảm an toàn cho bản thân họ và người tham gia giao thông.