Cảnh giác những hội nhóm 'làm liều'
Nhan nhản trên mạng xã hội, hàng nghìn người tham gia, thường xuyên đăng tải và chia sẻ những thông tin tiêu cực, thậm chí dạy nhau “làm liều”… Đó là cách những hội nhóm lệch lạc này đang hoạt động.
Nhóm ảo, hậu quả thật
Thời gian gần đây, rất nhiều những hội nhóm tiêu cực xuất hiện trên Facebook. Không chỉ có số lượng thành viên đông, từ vài nghìn đến cả chục nghìn người, những hội nhóm như: “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, “Hội những người muốn tự tử”, “Hội những người đã từng đi tù”, “Hội những người từng đi cai nghiện ma túy”,… còn liên tục đăng tải và chia sẻ những thông tin tiêu cực, lệch lạc. Thậm chí còn lôi kéo, xúi giục và kích động nhau thực hiện những hành vi liều lĩnh, vi phạm pháp luật. Đáng nói hơn, rất nhiều thành viên trong các hội nhóm này có tuổi đời còn rất trẻ.
Không chỉ dừng lại ở việc hoạt động trên mạng “ảo”, gần đây nhiều vụ việc vi phạm pháp luật đã được ghi nhận tại nhiều địa phương trong cả nước xuất phát từ các hội nhóm này.
Mới đây, ngày 22/2, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Anh (Hà Nội) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng liên quan đến vụ trộm cắp, đột nhập lấy đi nhiều tài sản có giá trị tại siêu thị trên địa bàn.
Các đối tượng bị bắt gồm: Kiều Quang Hiếu (33 tuổi); Nguyễn Tiến Mạnh (33 tuổi), cùng ở Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội; Thiều Quang Hưng (36 tuổi), trú tại Thịnh Đán, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Lê Hữu Cường (29 tuổi), ở TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh và Nguyễn Đình Hiệu (23 tuổi) ở Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.
Theo đó, Kiều Quang Hiếu lập ra hội nhóm “Những người vỡ nợ muốn làm liều” để lôi kéo một số đối tượng đi trộm cắp. Thiều Quang Hưng cùng Nguyễn Tiến Mạnh, Nguyễn Đình Hiệu, Lê Hữu Cường đã liên kết với Hiếu. Sau đó nhóm này bàn bạc phương thức thủ đoạn và địa điểm gây án.
Trước đó, ngày 21/2, Công an huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Dương Hoàng Kiên (28 tuổi, trú xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), Trần Văn Tường (22 tuổi, trú huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) và Phạm Văn Tuân (38 tuổi, trú huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) để điều tra về hành vi cướp tài sản.
Điều đáng nói, cả 3 đối tượng này vì nợ nần và tình cờ quen biết nhau ở "Hội những người vỡ nợ muốn làm liều" trên Facebook nên lên Đắk Lắk và cùng nhau tham gia cướp tài sản.
Tỉnh táo để không dính “bẫy”
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cho biết, những hội nhóm lệch lạc, độc hại xuất hiện rất nhiều trên Facebook và thu hút một lượng rất lớn các thành viên tham gia. Đồng thời hiện nay còn phát triển thêm nhiều nhóm nhỏ khác. “Các hội nhóm này thường xuyên chia sẻ những thông tin tiêu cực, làm liều, “dạy” nhau làm những hành động tiêu cực, thậm chí phạm pháp. Hành vi này hoàn toàn không phù hợp với bộ nguyên tắc ứng xử trên mạng, đồng thời cũng vi phạm những điều khoản trong Luật An ninh mạng. Đây là những hành vi không hợp pháp và có thể bị xử lí theo quy định của pháp luật” - ông Nam khẳng định.
Tuy nhiên, cơ chế để phát hiện, giám sát và xử lí tất cả những hội nhóm còn đang gặp rất nhiều hạn chế, dù hệ luỵ thì có thể thấy rất rõ. Nhiều trường hợp tự tử đã được ghi nhận với số lượng ngày càng gia tăng, đặc biệt ở những người có tuổi đời còn rất trẻ. Gần đây nhiều vụ án liên quan đến các hội nhóm này cũng bị cơ quan chức năng phát hiện và xử lí.
Bên cạnh đó, bộ phận lớn những thanh niên không được giáo dục về những giá trị tích cực nên sẵn sàng tham gia, bàn luận… Dẫn đến những nhóm độc hại này liên tục phát triển về số lượng thành viên.
“Chiến thuật “bước một chân vào cánh cửa” được các hội nhóm này sử dụng kết hợp cùng tâm lí đám đông đã thao túng tâm lí của nhiều nạn nhân đang trong trạng thái tiêu cực, bất ổn, đang gặp vấn đề,… dẫn đến những hậu quả đáng buồn. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời không nên tham gia vào các hội nhóm này để tránh rơi vào bẫy tâm lí. Bên cạnh đó cha mẹ cũng cần quan tâm và có biện pháp giáo dục, quản lí con cái trên mạng xã hội để có cơ chế phòng vệ trước những hội nhóm độc hại” - PGS.TS Trần Thành Nam cho hay.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, nguyên nhân các nhóm độc hại xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội một phần do sự phát triển nền kinh tế số, những thể chế về mặt pháp luật giám sát chưa chặt nên một bộ phận có ý thức xã hội kém, thiếu hiểu biết pháp luật đã lợi dụng tâm lí để tạo ra các nhóm độc hại này.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối:
Có thể bị xử lý hình sự
Điều 8, Luật An ninh mạng quy định các hành vi bị cấm trên không gian mạng, trong đó có hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội,...
Tổ chức cá nhân vi phạm các quy định của Luật An ninh mạng, thực hiện một trong các hành vi bị cấm sẽ tùy vào tính chất mức độ vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật không cấm việc lập hội, lập nhóm ở ngoài xã hội cũng như trên mạng xã hội, thậm chí những hội nhóm hoạt động tích cực trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học, giải trí, giáo dục... Tuy nhiên, nếu thành lập các hội nhóm với mục đích chống phá chính quyền hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác thì đây là hành vi đặc biệt nguy hiểm, từ những hội nhóm có tính chất giải trí trên mạng xã hội có thể biến thành các nhóm tội phạm có tổ chức.
Trường hợp những người lập hội nhóm này với mục đích kết nối tội phạm, khuyến khích cổ súy thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, thì trước hết có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 20 triệu đồng với hành vi tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc,… được quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Trường hợp gây thiệt hại nghiêm trọng thì những người lập hội nhóm còn bị xử lý hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 với mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.