Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước về đất đai
Góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, việc soạn thảo Luật cần bám sát quan điểm tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền minh bạch trong quản lý nhà nước về đất đai.
Theo GS.TS Trần Ngọc Đường, Dự thảo Luật Đất đai lần này đã sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013, đặc biệt là thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đất đai trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 18–NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Tuy nhiên, tại Điều 21 của dự thảo Luật hiện không phải là quy định nội dung quản lý nhà nước về đất đai. Điều luật này mới chỉ liệt kê các công việc cần phải làm trong quản lý đất đai. Khi đề cập tới nội dung của quản lý nhà nước nói chung và quản lý nhà nước về đất đai nói riêng, thường phải chỉ ra được vấn đề gì thuộc nhà nước Trung ương quản lý, vấn đề gì thuộc chính quyền địa phương quản lý, vấn đề gì cả Trung ương và địa phương cùng quản lý. Vì vậy, ông Đường cho rằng cần viết lại Điều 21 để quy định rõ trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai thì những vấn đề gì phải quản lý theo ngành và vấn đề gì phải quản lý theo lãnh thổ... Có như vậy mới hình thành cơ sở để phân cấp, phân quyền minh bạch trong quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai quy định ở các chương sau.
Cũng theo dự thảo Luật Đất đai, việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thực hiện ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện (không kể quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng và đất an ninh). Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được tiến hành từ trên xuống. Điều đó có nghĩa, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp trên quyết định quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới.
Theo ông Đường, quy định này chưa hợp lý. Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên được tiến hành từ dưới lên thì mới sát thực tế và khả thi. Thực tiễn chỉ ra rằng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất những năm qua thường xuyên điều chỉnh, thay đổi thiếu ổn định trong đó không ít trường hợp là vì lợi ích nhóm.
Liên quan đến vấn đề này, Điều 71 của dự thảo Luật Đất đai quy định việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các căn cứ để điều chỉnh quy định quá rộng và thiếu cụ thể nên rất dễ bị lợi dụng để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phê duyệt. Cụ thể tại khoản 2 Điều 71, tại điểm đ quy định “do biến đổi bất thường của tình hình kinh tế - xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện, hay điểm e là “do phát triển của khoa học công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất”.
Đồng thời cần xem lại thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch quy định có quá rộng không? Theo ông Đường, thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp tỉnh phải được cơ quan quy hoạch cấp quốc gia cho phép và thẩm quyền thay đổi quy hoạch cấp quận, huyện phải do cấp tỉnh quyết định. Không nên quy định như dự thảo Luật Đất đai rằng, cấp nào có thẩm quyền quy hoạch cấp đó quyết định thay đổi, điều chỉnh quy hoạch. Cùng với việc xem xét lại việc phân cấp, phân quyền giữa các cấp trong quy hoạch và thay đổi quy hoạch, Ban soạn thảo cũng cần xem xét lại việc phân cấp, phân quyền trong thu hồi đất, thẩm quyền thẩm định giá đất thu hồi là những vấn đề còn rất nóng trong thực tế, cần phải quy định rất chặt chẽ.
Cũng theo GS.TS Trần Ngọc Đường, dự thảo Luật Đất đai cần hình thành một cơ chế kiểm soát theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Theo đó, cơ chế này bao gồm cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực, trong đó nhân dân với tư cách là công dân có quyền giám sát, kiến nghị, đề nghị, tố cáo, tham gia quản lý nhà nước,... trong các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai. Cơ chế này còn là tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp của công dân mà trước hết là MTTQ các cấp và các thành viên của Mặt trận thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội. Sau khi chính sách pháp luật được hình thành thì giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật trong thực tế. Mặc dù dự thảo Luật đã chú trọng đến vai trò của MTTQ các cấp, nhưng các quy định chưa đầy đủ và bao quát hết tất cả các khâu của quá trình quản lý nhà nước về đất đai.
GS.TS Trần Ngọc Đường cũng nhấn mạnh, cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước bên trong mỗi quyền và kiểm soát lẫn nhau giữa các quyền cần được quy định đầy đủ và đủ mạnh để việc quản lý và sử dụng đất đai có hiệu lực và hiệu quả, khắc phục được tình trạng tiêu cực, tham nhũng về đất đai.
“Tất cả các khâu của quản lý nhà nước về đất đai đều phải có cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước theo Hiến pháp năm 2013. Theo đó, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận không nên quy định tại Điều 20 trong dự thảo Luật mà nên quy định trong tất cả các chương” - GS.TS Trần Ngọc Đường đề xuất.