Lĩnh vực đặc biệt cần chính sách đặc biệt
Cách đây 68 năm, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi hội nghị cán bộ ngành y tế. Trong thư, Bác căn dặn: “Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.
Ngày 6/2/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Năm nay, kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam trong bối cảnh rất đặc biệt, khi mà ngành y tế đang phải nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.
Những thách thức đối với ngành y tế
Sáng 23/2, tại tọa đàm “Ngành y vượt khó”, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, cán bộ, nhân viên ngành y luôn hết sức hết lòng làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng như cứu sống người bệnh. “Với tinh thần ấy, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đặt ra trước mắt, chúng ta quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: Lương y phải như từ mẫu”.
Ông Tuyên cũng nhấn mạnh, ngành y tế vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khi mà các quốc gia đều nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn và vẫn xuất hiện những biến chủng mới, có nguy cơ diễn biến phức tạp và khó khăn hơn. Cùng đó lại xuất hiện các dịch sốt xuất huyết; nguy cơ xâm nhập các dịch bệnh nguy hiểm mới nổi như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp… chưa rõ nguyên nhân. Trong khi đó, vẫn còn những bất cập, đặc biệt là những bất cập liên quan đến mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, sử dụng tài sản công. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế trên toàn quốc chưa được khắc phục một cách triệt để. Năng lực hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở và y tế dự phòng cũng còn nhiều hạn chế. Tình trạng quảng cáo về tác dụng của thực phẩm chức năng chưa đúng với quy định trên môi trường mạng còn diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng Bộ Y tế đặc biệt lưu ý tới việc quản lý đào tạo chất lượng và nhân lực y tế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và hội nhập quốc tế. Cùng với đó là tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, chuyển từ hệ thống y tế công lập sang y tế ngoài công lập, đặc biệt là những cán bộ y tế có tay nghề cao, có kinh nghiệm. “Đây cũng là một khó khăn, thách thức đối với ngành y tế” - ông Tuyên nói.
Theo TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, trải qua đại dịch Covid-19 đã bộc lộ nhiều vấn đề về mặt thể chế, đầu tư, nguồn lực và xây dựng nền tảng y tế cơ sở với tư cách là chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, thầy thuốc chăm sóc sức khỏe nhân dân nhưng vấn đề tiền lương, đời sống của họ đang rất khó khăn.
GS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết, nguồn chi thường xuyên cho cán bộ nhân viên, đặc biệt là trong 3 năm qua của bệnh viện giảm trầm trọng. Thực hiện liên doanh, liên kết trong 10 năm, có những văn bản pháp quy chưa phù hợp nên bệnh viện đã vướng vào vấn đề pháp lý. Điều đó làm cho các đề án liên doanh, liên kết dừng lại.
“Một khi có bệnh viện nào mới thành lập, tư nhân hoặc thậm chí kể cả bệnh viện công lập, có những khoa mới thành lập là cán bộ Bệnh viện Bạch Mai lại rục rịch xin sang đơn vị đó. Vì thực tế tại Bệnh viện bây giờ nguồn chi cho cán bộ nhân viên eo hẹp” - ông Cơ nói và dẫn chứng: Giá siêu âm ổ bụng cho người bệnh, các bệnh viện thu giá dịch vụ khám theo yêu cầu từ 110.000 đến 150.000 đồng. Tuy nhiên tại Bệnh viện Bạch Mai, thì hiện tại thu bằng giá của bảo hiểm y tế là 43.900 đồng, “vì hiện tại không có một cơ chế nào để giúp cho Bạch Mai thu giá đúng, đủ”. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục thì nguy cơ những cán bộ, thầy thuốc giỏi, chuyên gia đi khỏi bệnh viện là điều có thể lường trước.
“Giữ chân” nguồn nhân lực
Việc nhiều nhân viên y tế bỏ việc được coi là vấn đề lớn của ngành. Vậy, nguyên nhân chính là gì và làm sao để khắc phục?
TS.BS Tăng Hà Nam Anh (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TPHCM) cho rằng, nguyên nhân đầu tiên ai cũng thấy đó là thu nhập quá thấp của nhân viên y tế khối công lập. Nhất là sau chủ trương tự chủ tài chính, một số bệnh viện không thể trả lương cao hơn vì lý do doanh thu thấp.
Cùng với thu nhập thấp, theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam (Trường Đại học Y Dược TPHCM), trong môi trường công lập, nhân viên y tế chưa thật sự được coi trọng, thậm chí nhiều trường hợp thầy thuốc còn bị coi như một dạng lao động phổ thông, thiếu hẳn sự tôn trọng của người lãnh đạo. Một số cơ sở y tế đã yêu cầu thầy thuốc làm việc quá sức, kể cả không được nghỉ trưa.
“Ở một bệnh viện chuẩn thì bệnh nhân là thượng khách của bác sĩ, nhân viên y tế là thượng khách của lãnh đạo bệnh viện. Thế nhưng rất khó có được điều này ở bệnh viện công” - ông Nam nói.
Về giải pháp giữ chân nhân viên y tế trong hệ thống bệnh viện công, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường Đại học Y Dược TPHCM cho rằng, trước hết các cơ sở y tế cần có sự hỗ trợ ngay cho nhân viên của mình bằng các hành động thiết thực để họ cải thiện đời sống. Bên cạnh đó phải cắt giảm một số gánh nặng không cần thiết cho nhân viên y tế như các giấy tờ, thủ tục hành chính... tạo điều kiện để họ được làm việc đúng với chuyên môn. Những người bị căng thẳng, tâm lý bất ổn nên có sự hỗ trợ tinh thần cho họ. Về lâu dài, cần có những chính sách mang tầm chiến lược của Nhà nước như: Cải cách tiền lương, cải thiện thu nhập cho cán bộ y tế.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện, môi trường làm việc thuận lợi cho nhân viên y tế bằng việc trang bị đầy đủ trang thiết bị, máy móc, thuốc men, vật tư y tế; có định hướng phát triển rõ ràng cho những vị trí đặc thù như bác sĩ y tế dự phòng, điều dưỡng...
Còn theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, cần 3 yếu tố để "giữ chân" nguồn nhân lực: Một là thu nhập, vị trí hợp lý; hai là có chính sách đãi ngộ tốt và ba là tạo môi trường làm việc thật sự khoa học, thân thiện.
Những khó khăn, vướng mắc và những thách thức của ngành y tế đã được nhận diện rõ. Vấn đề còn lại là cơ chế, chính sách để tháo gỡ. Và đây cũng xin được coi là câu chuyện nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay.
Xốc lại ngành y tế với quyết tâm mới
Ngày 9/2, làm việc với Bộ Y tế, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nhiều cơ chế, chính sách trước đây đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, tồn tại sau khi "cơn bão" Covid-19 đi qua. Đơn cử, mô hình tự chủ bệnh viện vốn là điểm sáng cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không còn phù hợp. Công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, xã hội hóa trong cơ sở y tế công lập… nảy sinh những vấn đề không lường trước được.
Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế xốc lại với quyết tâm mới, lấy lại động lực như thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Ngành y tế phải rà soát cụ thể từng điều, khoản, thông tư, nghị định, luật cần sửa đổi, bổ sung về tự chủ, xã hội hóa, mua sắm, đấu thầu…; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nhằm xây dựng được những chính sách cốt lõi, năng động, có tính chất đặc thù, riêng biệt; tạo sự gắn kết giữa y tế công lập với y tế tư nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe…