Văn hóa soi đường
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nhấn mạnh vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tiếp nối tư tưởng, quan điểm của Người, nền văn hóa Việt Nam đã chuyển biến mạnh mẽ, có những đóng góp tích cực, quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 – 2023), dịp này, câu chuyện vai trò của văn hóa trong mục tiêu phát triển đất nước hiện nay lại tiếp tục được nhiều người nhắc tới, luận bàn. Trò chuyện với Tinh hoa Việt, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: Văn hóa là nhu cầu tự thân của con người, chính vì thế nó phát huy hết năng lực của con người ở mỗi cương vị, mỗi hoàn cảnh khác nhau mà người ta có thể đóng góp làm phong phú thêm cho giá trị ấy.
PV: Thưa ông, cách đây 80 năm, bản Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 ra đời. Từ góc nhìn của nhà sử học, ông có chia sẻ khái quát quá trình hình thành của bản Đề cương?
Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC: Nhìn vào hoàn cảnh lịch sử năm 1943, tức là chỉ 2 năm trước khi cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ. Có thể nói tình thế đã đặt cho những người làm cách mạng Việt Nam không chỉ nghĩ tới việc làm sao giành được chính quyền, đánh đổ được chế độ phong kiến, thực dân mà quan trọng là phải xây dựng được một nhà nước mới như thế nào.
Để xây dựng nhà nước mới, trước hết hồn cốt của nó chính là văn hóa dân tộc. Văn hóa ấy sẽ góp phần định chế thiết chế chính trị, tổ chức xã hội và nguồn lực tinh thần cho nhân dân. Còn nếu nhìn lại toàn bộ lịch sử phong trào yêu nước và phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam, ngay từ đầu thế kỷ XX, chúng ta đã có những nhân vật, hay những khuynh hướng đề cập đến văn hóa như: Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Tuy nhiên, những điều đó đặt ra như một nhu cầu mà mong ước nhiều hơn là một cương lĩnh chính trị.
Dân tộc là tinh thần yêu nước, là trách nhiệm đối với vận mệnh quốc gia của những người công dân Việt Nam, của trí thức Việt Nam. Khoa học là phải hướng đến sự tiến bộ của xã hội Việt Nam và bắt kịp tiến bộ của nhân loại trên mọi lĩnh vực. Đại chúng là mục tiêu văn hóa cũng như người hưởng thụ văn hóa, cũng là tác giả thì đó chính là quần chúng. Có thể nói 3 yếu tố đó đã tập hợp được lực lượng và mang lại sự tin tưởng. Vì thế nó giải thích vì sao mà cách mạng thành công ở nước ta, là trước hết bằng sức mạnh của quần chúng, sức mạnh chính trị. Nhưng cốt lõi của sức mạnh chính trị ấy chính là sức mạnh văn hóa dân tộc.
Đến những năm 20, 30 của thế kỷ XX, khi phong trào cách mạng Việt Nam trực tiếp hình thành những chính đảng lớn, những chính đảng ấy đưa ra cương lĩnh chính trị của mình, vẫn tập trung chính vào việc đánh đổ đế quốc và đánh đổ phong kiến. Những vấn đề chính trị được đặt ra rất sát sườn nhưng hầu như chưa bàn đến câu chuyện xây dựng chế độ mới, trong đó có nền văn hóa mới như thế nào.
Thời điểm đó, xã hội Việt Nam đã trải qua một thời gian khá dài của thời kỳ thuộc địa, tiếp cận văn hóa phương Tây, nền giáo dục phương Tây bên cạnh yếu tố thực dân nó có cả những yếu tố của văn minh, tiến bộ. Và xã hội Việt Nam thay đổi rất căn bản.
Người ta đã chứng kiến một số khuynh hướng mới trong đời sống văn hóa, nghệ thuật. Ví dụ: Tự lực văn đoàn đề cập tới văn chương Việt Nam sẽ phát triển như thế nào; Hội Ánh sáng đề cập đến kiến trúc phục vụ công chúng ra sao; Những cuộc tranh luận về nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh đã được đặt ra…
Rồi những tổ chức truyền bá quốc ngữ, các tổ chức văn hóa cũng đã vào cuộc, như Hội khai trí Tiến Đức là một tổ chức do người Pháp lập ra nhưng tập hợp được khá nhiều tinh hoa của trí thức Việt Nam bàn về vấn đề “Truyện Kiều”, “Từ điển Việt Nam”…
Thế nhưng một cương lĩnh để thể hiện được bản chất và động lực, định hướng phát triển như thế nào của văn hóa thì hầu như chưa ai đề cập.
Chính cái đó là mong ước và suy nghĩ của rất đông trí thức Việt Nam, những tầng lớp thanh niên, tầng lớp có học vấn có trình độ, kể cả số người học ở nước ngoài về. Cho nên Đề cương về văn hóa đáp ứng yêu cầu ấy, và nó thể hiện được niềm tin sắt đá của những người cách mạng lúc đó là sự nghiệp chính trị giành độc lập sẽ thành công phải chuẩn bị ngay từ bây giờ những bước đi cho văn hóa của dân tộc.
Có phải đó là lý do ta chứng kiến từ đầu những năm 40 của thế kỷ XX một phong trào yêu nước được thể hiện trên lĩnh vực văn hóa rất mạnh mẽ?
- Đúng vậy. Đó là thời kỳ của phong trào truyền bá quốc ngữ, thời kỳ của nghệ thuật âm nhạc hiện đại và đặc biệt là những bản hùng ca mà sau này trở thành những sản phẩm âm nhạc đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Rồi những hội đoàn tổ chức đêm kịch để kích thích lòng yêu nước của người dân ở đô thị…
Chính lúc đó, chỉ 1.500 chữ nhưng quan trọng nhất là bản Đề cương đạt được sự cấp bách phải có, tất yếu phải có vì cách mạng không chỉ đánh đổ chế độ cũ mà quan trọng là xây dựng chế độ mới, thứ hai nữa là thấy được vị trí văn hóa trong đời sống xã hội nói chung, kể cả đời sống chính trị. Mà chính tinh thần của bản Đề cương tập hợp được lực lượng, trong đó có lực lượng chúng ta hoàn toàn có thể gọi là tầng lớp tinh hoa của dân tộc.
Về căn bản có thể nói trước khi cách mạng Tháng Tám bùng nổ là gần như toàn bộ tầng lớp trí thức đã hướng về cách mạng không phải chỉ với mục tiêu chính trị, mà một trong những sức hấp dẫn với họ là xây dựng nền văn hóa. Vì thế cốt lõi của Đề cương văn hóa tập trung vào 3 nguyên lý cơ bản là: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng.
Ba nguyên lý chỉ là 3 cụm từ nhưng có tính bao quát tất cả nguyên lý cơ bản. Cho đến ngày nay xã hội phát triển và có những thay đổi rất lớn nhưng Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 vẫn còn nguyên vẹn giá trị.
Không phải ngẫu nhiên trước khi kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, chúng ta rất quan tâm tới tinh thần lấy lại phát huy hồn cốt văn hóa dân tộc như một sức mạnh. Không phải trong giải phóng dân tộc mà ngay trong xây dựng đất nước cũng đang rất cần sức mạnh của văn hóa, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập hiện nay?
- Tôi cho rằng sức sống của Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 chỉ có thể phát huy được trên một tư duy phát triển. Chúng ta kế thừa một di sản, một truyền thống nhưng phải phát triển nó như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước, trong môi trường sinh thái của thế giới và đặc biệt trong mục tiêu phát triển đất nước của chúng ta hiện nay.
Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 cũng được ví như tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về văn hóa, và luôn đặt văn hóa ngang hàng với chính trị, kinh tế. Theo ông, quá trình vận động và phát triển văn hóa đã được thể hiện rõ nét như thế nào?
- Tôi nghĩ trước hết sự thể hiện rõ nhất là luôn lấy con người làm trung tâm. Ta nhớ câu chuyện xây dựng lực lượng vũ trang, Cụ Hồ quan tâm tới đội ngũ trước khi quan tâm tới công cụ, đến vũ khí, lấy tuyên truyền để làm hình thức vận động, để tập hợp và tạo sự nhất trí trong cộng đồng, trong người dân, và chính nói tới yếu tố con người là nói tới yếu tố văn hóa, sức mạnh văn hóa, sức mạnh của con người có tư duy, có tổ chức và có định hướng phát triển đúng đắn.
Tôi cho điều đó thể hiện trong thời kỳ chống thực dân giành độc lập dân tộc và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đương nhiên trong chiến tranh vệ quốc, trong chiến tranh giải phóng chúng ta có vũ khí của nước ngoài, bạn bè, đồng minh nhưng nếu không phải là những con người ấy thì làm sao chúng ta có thể đạt được mục tiêu của mình. Vì thế mà tôi cho là bài học trong chiến tranh và đặc biệt là bài học trong xây dựng đất nước thì văn hóa càng ngày càng có vị trí, mà có lúc chúng ta chưa nhận thức hết.
Nhưng với khái niệm, ý niệm gọi là ngang bằng phải được hiểu theo cách biện chứng. Không phải là cứ ngân sách đầu tư cho văn hóa phải ngang bằng với kinh tế, chính trị, quân sự. Quan trọng vị trí của văn hóa chính là mối quan hệ biện chứng. Chúng ta có những bài học quốc tế như các nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… họ rất quan tâm tới văn hóa dân tộc, và văn hóa đã mang lại lợi ích cho quốc gia.
Thế thì những mô hình ấy cộng với truyền thống, bản sắc của Việt Nam hoàn toàn có thể biến Việt Nam trở thành một cường quốc không chỉ trên lĩnh vực kinh tế như chúng ta mong muốn, mà chính giá trị về văn hóa có thể tồn tại trong đời sống kinh tế, chính trị. Ví dụ xu thế hiện nay là du lịch, rõ ràng tiềm lực văn hóa lại là yếu tố quyết định bên cạnh cảnh quan thiên nhiên, và văn hóa ứng xử của chúng ta đối với du khách, bạn bè cũng là một phần rất quan trọng.
Cho nên tôi nghĩ rằng, hiểu quan điểm ngang bằng không thuần tuý nhận thức về mặt số học, vật lý mà nó là vấn đề tư tưởng, quy luật vận động khi chúng ta quan tâm đến con người, thì chính con người đã sinh ra của cải vật chất. Và phương thức sinh ra của cải vật chất chính là văn hóa.
Đến nay, văn hóa Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi để thích nghi với thời cuộc và hội nhập quốc tế. Chúng ta cần vận dụng và phát huy những điều gì từ bản Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 để thực hành văn hóa trong sự đa dạng nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng?
- Trước hết, tôi cho rằng từ mỗi một con người hay một quốc gia cũng vậy thôi, chúng ta phải tự tin, không tự ti. Chúng ta phải tin vào sức mạnh của nền văn hóa dân tộc, chính vì vậy phải bảo tồn, phát huy nó. Nhưng ngược lại một trong những cái mà tôi cho là hết sức quan trọng từ trong nhận thức. Chúng ta là một dân tộc do hoàn cảnh lịch sử, vị trí địa lý, lại có rất nhiều tiềm năng, năng lực để hội nhập với thế giới. Hội nhập với thế giới chính là để làm phong phú thêm cho văn hóa dân tộc Việt Nam đủ sức mạnh để bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Nhân nói về sự hội nhập, hiện nay ảnh hưởng của văn hóa Hàn Quốc với giới trẻ Việt Nam khá rõ, điều đó có đáng lo ngại không, thưa ông?
- Tôi cho là khuynh hướng đó không nên tránh, nếu đứng ở cương vị những người làm cha mẹ thì rất dễ lo ngại vì thấy mình có trách nhiệm phải hướng dẫn con cái. Nhưng bản thân các bạn trẻ cũng có cái chúng ta không có, đó là sự dấn thân. Và nếu chúng ta làm tốt tinh thần của Đề cương văn hóa là luôn lấy dân tộc, đại chúng và khoa học thì chính các bạn trẻ sẽ tự định hướng cho mình.
Nói như thế không phải là bỏ qua vai trò của Nhà nước, nhưng rõ ràng chúng ta phải tin tưởng vào giới trẻ. Khi họ có kiến thức, bản lĩnh thì việc tiếp nhận một nền văn hóa khác là rất bình thường, thậm chí chúng ta cần khuyến khích để các bạn trẻ chắt lọc được những cái hay của thế giới, để tích hợp thành sự phong phú của chúng ta. Mặt khác, với khuynh hướng giới trẻ học theo phong cách của Hàn Quốc, Nhật Bản thì ta phải đánh giá cao cách làm của họ.
Ta phải cạnh tranh, nhưng cạnh tranh không có nghĩa là bài bác. Phải học cái hay của họ biến thành của mình, vượt lên trên cái đó, đấy là cạnh tranh tích cực nhất trong bối cảnh chúng ta hội nhập với thế giới.
Đảng đã xác định rõ “văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Theo ông, ngành công nghiệp văn hóa có sứ mệnh ra sao trong việc thực hiện mục tiêu trên? Ông có thể đánh giá về sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa trong những năm qua?
- Gần đây, chúng ta hay dùng khái niệm công nghiệp văn hóa. Từ thực tế của đất nước, của đời sống chúng ta phải phân tích khái niệm này, chứ không thể chủ quan lý luận thuần tuý được. Thế nào là công nghiệp văn hóa, theo quan niệm của tôi, công nghiệp được hiểu không chỉ mang giá trị tinh thần mà nó mang cả giá trị vật chất.
Tức là văn hóa là cốt lõi làm cho xã hội vận động mang lại lợi ích vật chất và tinh thần cho xã hội. Vì thế cái ta gọi là công nghiệp không chỉ là máy móc, công nghiệp mà là ta tiến hành nó một cách bài bản, có quy luật. Tôi nói thí dụ lễ hội dân gian, cốt lõi và sức sống của nó chính là ngày hội của người dân chứ không phải là cuộc trình diễn, ta không đi xem trình diễn, hội là của cộng đồng.
Vì thế trong quá trình phát triển, đừng biến văn hóa thành dịch vụ. Quan trọng văn hóa là nhu cầu tự thân của con người, chính vì thế nó phát huy hết năng lực của con người ở mỗi cương vị, mỗi hoàn cảnh khác nhau mà người ta có thể đóng góp làm phong phú thêm cho giá trị ấy. Đương nhiên nhà nước phải xây dựng một hệ thống pháp lý, thiết chế, hệ thống giá trị, đầu tư đúng chỗ, đúng lúc để thúc đẩy quá trình đó nhằm mang lại lợi ích hợp lý, hài hòa.
Chúng ta hay dùng chữ xã hội hóa - tôi cho rằng đó là việc huy động mọi con người tham gia vào quá trình ấy chứ không phải người dân thay nhà nước làm. Mặt khác, công nghiệp là sự phát triển theo quy luật, trong văn hóa có kinh tế và ngược lại trong kinh tế có văn hóa. Vấn đề là nhà nước phải tổng kết xây dựng hệ thống đó. Hiện nay tôi thấy tình trạng chúng ta cứ nói mà không biết làm gì, mỗi anh làm một phách. Thực chất tôi cho rằng công nghiệp văn hóa còn mang tính chuyên nghiệp.
Ý nghĩa của Đề cương về văn hóa rất sát với nhu cầu phát triển của đời sống hiện nay. Vậy vấn đề đặt ra là chúng ta phải làm gì để phát huy những giá trị đó?
- Tôi nghĩ trên nhận thức thì cũng có thể nói là ngày càng hoàn thiện, nhưng để giá trị của bản Đề cương đi vào đời sống như thế nào là câu chuyện cần đặt ra. Hệ thống giá trị của ta đang phần nào bị nhiễu, như việc chúng ta lấy bằng cấp là tuyệt đối, mà không biết phía sau là gì, kể cả những chức vụ hành chính quản lý cho đến việc lợi ích quyền lợi sẽ dẫn đến giả. Cho nên đây là yếu tố rất quan trọng.
Có nhiều vấn đề đặt ra lúc này, nhưng tốt nhất là chúng ta hãy hướng tới tính thực tiễn, lấy thực tiễn là thước đo. Tôi cho rằng không gì bằng thước đo do Đề cương văn hóa đặt ra. Anh có dân tộc hay lai căng, anh khoa học hay phản tiến bộ, mê tín dị đoan, anh có công chúng hay không hay chỉ là sản phẩm cho một số người… Đề cương văn hóa sẽ mất sức sống nếu chúng ta không đưa vào đời sống thực tiễn.
Trong vấn đề khoa học, đại chúng hiện nay, khoa học đang phát triển, đặc biệt là công nghệ thông tin. Thí dụ như ứng dụng ChatGPT đang có nhiều nguy cơ tiềm tàng, theo ông, cần phải ứng xử như thế nào?
- Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc mà phải làm cho ứng dụng này thông minh hơn, hướng tới mục tiêu khoa học, đại chúng, dân tộc và nhân loại. Những chuyện đó ta phải thể hiện rõ thái độ chứ không thể quay lưng, hay là kỳ thị thì chúng ta sẽ thất bại. Ngược lại nếu chúng ta buông thả, chạy theo thị hiếu mà không có sự neo giữ của lợi ích dân tộc, văn hóa dân tộc thì chúng ta sẽ gặp khó khăn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Chúng ta có những bài học quốc tế như các nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… họ rất quan tâm tới văn hóa dân tộc, và văn hóa đã mang lại lợi ích cho quốc gia. Thế thì những mô hình ấy cộng với truyền thống, bản sắc của Việt Nam hoàn toàn có thể biến Việt Nam trở thành một cường quốc không chỉ trên lĩnh vực kinh tế như chúng ta mong muốn, mà chính giá trị về văn hóa có thể tồn tại trong đời sống kinh tế, chính trị. Ví dụ xu thế hiện nay là du lịch, rõ ràng tiềm lực văn hóa lại là yếu tố quyết định bên cạnh cảnh quan thiên nhiên, và văn hóa ứng xử của chúng ta đối với du khách, bạn bè cũng là một phần rất quan trọng.