Hành trình trở về của cuốn sổ tay đặc biệt thời chiến
Tháng 3/2023, cuốn sổ tay thời chiến khắc tên “Cao Xuan Tuat” do một cựu quân nhân ở Mỹ lưu giữ suốt 56 năm bên mình sẽ đi nửa vòng trái đất để về với thân nhân liệt sĩ Cao Văn Tuất ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Những trang lưu bút của người chiến sĩ trẻ khắc họa một thời hoa lửa hào hùng, bi tráng và sôi nổi của thế hệ thanh niên ngày ấy. Đặc biệt, hành trình trở về của cuốn sổ tay lưu lạc hơn nửa thế kỷ hết sức ly kỳ, thú vị.
Cựu quân nhân Mỹ mở lòng sau nửa thế kỷ
Đây là câu chuyện xúc động của cựu quân nhân Peter Mathews (77 tuổi, ở New Jerey, Mỹ). “Tôi đã tìm thấy cuốn sổ của một quân nhân Việt Nam trong trận chiến ở Đồi 724, Đăk Tô tháng 11/1967. Nay tôi rất mong muốn tìm được người thân của chiến sĩ này để trao trả”, Peter Mathews đăng thông báo trên tài khoản mạng xã hội vào cuối tháng 1/2023.
Sau đó, phóng viên Megan Burrow của tờ North Jersey (Mỹ) đã tìm hiểu, ngày 27/1, tờ North Jersey đăng tải câu chuyện của Peter Mathews. Theo đó, cựu binh lính Mỹ cho biết ông vẫn giữ kỹ quyển sổ suốt 56 năm qua, dù không biết rõ chủ nhân của nó là ai. Ông chỉ biết rằng bên trong cuốn sổ là những ghi chép của một người lính có tên là Cao Xuan Tuat, quê quán ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Ông đã lập một website với mong muốn tìm kiếm các đầu mối liên hệ cũng như quay lại Việt Nam và tìm ra chủ nhân những dòng chữ cùng các bức vẽ minh họa khiến ông vô cùng ấn tượng, hay chí ít là trao lại di vật này cho thân nhân của người đó. Hành trình đi tìm chủ nhân quyển sổ cũng là cách để Peter Mathews đối diện với những vết hằn mà chiến tranh để lại trong ông, khép lại những trăn trở suốt bao năm qua.
“Ước mơ của tôi là tìm ra người lính năm xưa, đến tận nơi và trả lại cho ông ấy quyển sổ. Tôi mong khép lại quá khứ của mình. Khi đã đến tuổi này, tôi nghĩ đã đến lúc làm điều ấy rồi”, ông nói trong cuộc phỏng vấn.
Peter Mathews sinh ra tại Hà Lan và di cư sang Mỹ năm 1963. Ông nhập ngũ theo diện nghĩa vụ quân sự vào năm 1966 và sau đó đến chiến trường Việt Nam. Ông tìm thấy quyển sổ sau một trận đánh kéo dài khoảng 4 ngày vào tháng 11/1967, khi đang rà soát một điểm tập kết hành trang của bộ đội Việt Nam dưới chân Đồi 724. Ông kể rằng đó là quyển sổ được bọc trong túi bóng kỹ lưỡng, cất trong một chiếc balô tại điểm tập kết.
Bên trong cuốn sổ là những trang được vẽ vô cùng khéo léo, cùng những ghi chép bằng tiếng Việt mà ông nghĩ là thơ, nhạc và tự sự. Ông không báo cáo với cấp trên về phát hiện này vì nghĩ đây là một quyển nhật ký chứ không phải tài liệu quân sự.
“Khi ấy, tôi chỉ nghĩ đây là một quyển sổ thật đẹp. Tôi ấn tượng với độ chi tiết và khiếu thẩm mỹ của chủ nhân quyển sổ. Đáng ra tôi nên nộp lại tài liệu này, nhưng tôi không thể rời xa nó. Quyển sổ cũng không giống tài liệu quân sự hay tài liệu mật. Tôi thậm chí không kể về nó với bất kỳ ai”, Peter Mathews kể lại.
Mathews cất quyển sổ vào túi, giữ nó bên mình đến khi kết thúc thời hạn nghĩa vụ vào tháng 12/1967 và trở về Mỹ. Vài tháng sau đó, ông được nhập tịch Mỹ. Người đàn ông gốc Hà Lan cố gác lại quá khứ chiến tranh, trở lại với cuộc sống hòa bình, kết hôn, sinh con và mở một công ty xây dựng nhỏ. Quyển sổ mà ông nhặt được từ chiến trường được giữ trong một chiếc hộp, cất trên gác mái trong ngôi nhà nhỏ tại Bergenfield, New Jersey.
Mathews chưa bao giờ quên được quyển sổ đặc biệt của người lính Việt Nam. Ông vẫn thường mang quyển sổ ra, kể lại câu chuyện về nó với người thân, dù ông hiếm khi thật sự trải lòng về ký ức chiến tranh.
“Tôi đã cố lãng quên rất nhiều điều về chiến tranh tại Việt Nam và hành trình này sẽ khơi lại trong tôi nhiều ký ức, cảm xúc khó tả. Đây cũng là điều tốt cho tôi, khi ít ra tôi đã bắt đầu chia sẻ”, ông Mathews nói.
Đầu năm 2023, Peter Mathews nhận được sự hỗ trợ tích cực trong hành trình tìm lại chủ nhân quyển sổ.
Cơ duyên của cán bộ Mặt trận
Ngày 30/1, ông Trần Nhật Tân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh tình cờ nhận được thông tin, với lợi thế tiếng Anh, ông nhanh chóng tìm hiểu, đọc bài báo của phóng viên Megan Burrow trên tờ North Jersey và cố gắng kết nối với tác giả bài báo, cựu quân nhân Peter Mathews qua email.
Để đốc thúc quá trình tìm kiếm, ông Trần Nhật Tân nhớ lại quá trình gặp Giáo sư Shanon Gramse (Đại học Alaska - Mỹ) trong chuyến công tác của gia đình Giáo sư vào dịp Tết dương lịch 2023. Nhờ sự kết nối của Giáo sư Shanon Gramse, ông Tân đã trao đổi với tác giả bài báo Megan Burrow và vị cựu quân nhân Peter Mathews qua email, Facebook.
Ông Peter Mathews đã 77 tuổi, không thành thạo sử dụng điện thoại, máy tính và các phần mềm chia sẻ nên việc gửi hình ảnh các trang trong cuốn sổ thường xuyên gián đoạn và các thông tin, hình ảnh chắp nối, khó xác định.
Sau quá trình nỗ lực kết nối, xác minh thông tin, từ ngày 30/1 đến 3/2/2023 với trên 100 email trao đổi bằng tiếng Anh giữa ông Trần Nhật Tân với 3 người ở Mỹ, ông Tân mới nhận được gần như trọn vẹn các thông tin, hình ảnh về cuốn sổ. Kể lại khoảnh khắc nhận được bức ảnh ghi thông tin, địa chỉ, người thân của chủ nhân cuốn sổ vào lúc 9 giờ tối 31/1, đến giờ ông Trần Nhật Tân vẫn còn xúc động khi biết ông Cao Xuân Tuất - chủ nhân cuốn sổ.
Thông tin được ghi cụ thể như sau: “Cao Xuân Tuất, xóm Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh”. Phía dưới là những dòng chữ viết về những thân nhân: “C - Cao Xuân Kế, M - Lê Thị Vỹ, chị - Diếu”.
Ngay lập tức, ông Tân liên hệ với huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh và các cơ quan chức năng như Bộ chỉ huy Quân sự, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh… Cơ quan chức năng Hà Tĩnh đã tích cực phối hợp trích lục hàng trăm hồ sơ các cựu binh, liệt sĩ trên toàn tỉnh có họ Cao. Trong đó xác định có 36 liệt sĩ quê Kỳ Anh có họ Cao và 9 liệt sĩ quê Kỳ Anh có tên Tuất, nhưng duy nhất 1 người có họ Cao tên Tuất là Cao Văn Tuất (khác tên đệm), ở xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh với nhiều thông tin trùng khớp.
Ngoài ra, theo thông tin từ Công an tỉnh, sau khi rà soát dữ liệu dân cư và xác định không có ai có đầy đủ tên Cao Xuân Tuất như trong cuốn sổ ghi chép có hộ khẩu tại Hà Tĩnh. Mặt khác, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh trích lục thông tin quân nhân có một liệt sĩ tên là Cao Văn Tuất, nguyên quán ở xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh. Hy sinh ngày 10/12/1967, nơi hy sinh là Trường Lâm, Hoài Nhơn, Bình Định.
Chiều 1/2, chúng tôi biết được thông tin nên nhanh chóng theo chân lực lượng chức năng đến nhà ông Hà Huy Mỳ (con trai bà Cao Thị Diếu, cháu của liệt sĩ Cao Văn Tuất ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để tìm hiểu. Tại đây, cơ quan chức năng Hà Tĩnh thu nhận được nhiều chi tiết trùng hợp với cuốn sổ, chỉ khác mỗi tên đệm là Xuân và Văn.
“Khi nhìn thấy bức ảnh có ghi tên họ, người thân, địa chỉ của cậu Tuất, tôi không kìm được nước mắt. Bức ảnh có tên bố, mẹ, chị của cậu Tuất và địa chỉ ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân. Tôi nghĩ chắc chắn đây là bút tích của cậu. Tôi không ngờ quãng thời gian dài đằng đẵng như vậy mà giờ đây được tận mắt xem kỷ vật của cậu” - ông Hà Huy Mỳ xúc động nói.
Liệt sĩ Cao Văn Tuất ở xã Kỳ Xuân có bố là Cao Văn Kế (đã mất), mẹ là Lê Thị Vỹ (đã mất) và 3 người chị, em gái là Cao Thị Diếu, Cao Thị Nồng và Cao Thị Nành (đã mất). Đáng tiếc, bàn thờ vọng liệt sĩ Cao Văn Tuất tại nhà ông Mỳ không có di ảnh do gia đình có rất ít thông tin, tư liệu của liệt sĩ. Thông tin về phần mộ của liệt sĩ Tuất cũng chưa có manh mối nào dù gia đình đã nỗ lực tìm kiếm lâu nay.
Theo ông Mỳ, liệt sĩ Cao Văn Tuất sinh năm 1946, ông nhập ngũ khi tròn 18 tuổi cùng với 3 người cùng trang lứa ở xã Kỳ Xuân. 4 người nhập ngũ lúc đó đã hy sinh 3 người, chỉ còn duy nhất ông Nguyễn Tiến Huế còn sống và hiện đang trú ở TP Hồ Chí Minh.
Liên lạc qua điện thoại, ông Huế xác nhận với chúng tôi, chữ viết trên cuốn sổ chính là của đồng đội ông - Cao Văn Tuất. Ông Huế cho hay, sau khi nhập ngũ, huấn luyện ở huyện Hương Sơn, ông và các đồng đội đi B (vào chiến trường miền Nam) chiến đấu. Ông ở Đại đội 17 còn ông Tuất ở Đại đội 16, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325. Có thời điểm 2 đại đội cắm quân gần nhau, ông Huế thường xuyên sang thăm bạn.
“Ông Tuất sinh cùng năm, ở cùng thôn với tôi nhưng học sau một khóa, ông Tuất học hết lớp 4. Ông Tuất với tôi nhập ngũ cùng ngày và từng chiến đấu trong chiến dịch Đăk Tô - Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum và ông Tuất rất hay làm thơ” - ông Nguyễn Tiến Huế nhớ lại.
Đối với sự khác nhau về tên đệm giữa Cao Xuân Tuất và Cao Văn Tuất, ông Huế lý giải trước đây do chiến tranh nên tên, họ không trùng khớp là điều dễ hiểu. Mặt khác, trong số 4 người cùng nhập ngũ có người tên Cao Xuân Lý nên rất có thể Cao Văn Tuất chính là Cao Xuân Tuất. Hoặc có thể ông Tuất viết trong sổ đó là do tự đặt tên đệm cho mình.
Ở phía bên kia địa cầu, nhận được thông tin chiều 1/2 đoàn công tác Hà Tĩnh tìm đến gia đình liệt sĩ Cao Văn Tuất để nhận định là thân nhân của người lính Việt đang tìm kiếm, ông Peter Mathews đã thức xuyên đêm, liên tục gửi email cho ông Trần Nhật Tân và chờ phản hồi.
“Nhận được email phản hồi với hình ảnh ông Mathews ôm cuốn sổ trên tay vào lúc 4h12 ngày 1/2 khiến tôi rất xúc động. Ông ấy đã thức cả đêm để chờ tin. Ông nói là ông đã bật khóc khi biết tin về gia đình liệt sĩ Tuất và ông thực sự khao khát được sang Việt Nam trao lại cuốn sổ cho gia đình liệt sĩ. Ông Mathews bày tỏ, ông không cần ai tài trợ chuyến đi mà chỉ mong muốn có vợ cùng đồng hành với mình sang Việt Nam” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh Trần Nhật Tân cho biết thêm.
Phát huy vai trò ngoại giao nhân dân
Ông Hồ Huy Thành - Bí thư Huyện ủy Kỳ Anh chia sẻ: Từ những thông tin ban đầu có thể khẳng định cuốn sổ tay là của liệt sĩ Cao Văn Tuất ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân. Gia đình cũng như địa phương rất mong cơ quan chức năng liên quan tạo điều kiện, hỗ trợ cựu quân nhân Mỹ sang Việt Nam để trao lại cho thân nhân liệt sĩ.
Căn cứ vào các thông tin, bản trích lục liệt sĩ và kết quả thẩm tra xác minh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh nhận định: Liệt sĩ Cao Văn Tuất ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh là tác giả của cuốn sổ có tên Cao Xuan Tuat. Cuốn sổ được cựu binh Mỹ - Peter Mathews lưu giữ suốt 56 năm qua.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh và cơ quan chức năng địa phương đang thực hiện các thủ tục, phối hợp cơ quan liên quan, kết nối để ông Peter Mathews có thể sang Việt Nam trong thời gian sớm nhất và trao trả lại cuốn sổ ghi chép.
Nói về nỗ lực kết nối để tìm chủ nhân cuốn sổ của ông Trần Nhật Tân chia sẻ: “Có một điều gì đó cứ thôi thúc tôi tìm hiểu, xác minh chủ nhân cuốn sổ. Hơn nữa, qua trao đổi với ông Peter Mathews và Giáo sư Shanon Gramse, với vai trò kết nối, tôi đã thực hiện được khá tốt vai trò ngoại giao nhân dân của một cán bộ Mặt trận”.
Ông Trần Nhật Tân cũng cho biết, cựu quân nhân Mỹ băn khoăn là khi đến Việt Nam trao trả cuốn sổ thì không biết người dân, thân nhân liệt sĩ Cao Văn Tuất sẽ ứng xử với ông như thế nào. Băn khoăn này đã được Giáo sư Shanon Gramse hóa giải giúp. “Tôi hiểu ý của ông về việc choáng ngợp trước lòng tốt của người Việt Nam. Bạn sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa khi trở về và thấy họ đối xử tốt với bạn và vợ bạn như thế nào” - trích bản dịch email Giáo sư Shanon Gramse gửi cựu quân nhân Peter Mathews.
Việc làm của ông Trần Nhật Tân và cơ quan chức năng không chỉ đáp ứng nguyện vọng của cựu quân nhân Mỹ Peter Mathews, tiếp thêm hy vọng cho thân nhân liệt sĩ tìm kiếm phần mộ mà còn là hoạt động để thực hiện chức năng ngoại giao nhân dân của Mặt trận. Cuốn sổ là kỷ vật chiến tranh đáng quý, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, ý thức tự cường, tự tôn dân tộc.
Thời thanh niên sôi nổi qua những trang lưu bút
Chiến sĩ Cao Xuân Tuất bắt đầu ghi lưu bút vào ngày 20/7/1966. Lần dở 104 trang viết tay với những điểm nhấn là chữ nghệ thuật và phong cảnh, hoa văn, nội dung cuốn sổ thể hiện, chiến sĩ Cao Xuân Tuất là một người lính trẻ sôi nổi, yêu đời, yêu thơ ca, nhạc, họa; sống đầy lý tưởng, kiên định tinh thần chiến đấu vì Tổ quốc…
Xuất hiện nhiều nhất trong cuốn sổ là những bài thơ nổi tiếng của các nhà thơ có tên tuổi như: "Việt Bắc", "Người con gái Việt Nam", "Trên đường Thiên lý", "Ta đi tới" (của nhà thơ Tố Hữu), "Quê hương" (Giang Nam); "Nhớ con sông quê hương" (Tế Hanh)… Những bài hát đi cùng năm tháng có chủ đề về quê hương, đất nước với khí thế sục sôi cũng được chép tay đầy trang trọng và trang trí đẹp mắt.
Viết về mẹ, chàng lính trẻ luôn đong đầy cảm xúc: “Mẹ ơi lòng con như sóng dâng cao, như dòng phi lao góp gió, vì quê mình đấu tranh cho 2 miền thống nhất yên vui mẹ ơi... Mẹ ơi miền Nam sóng gió hôm nay, như ngày mai đây mây đất trời trong sáng, như hai miền với nhịp cầu Hiền Lương, mẹ con sẽ đoàn viên xóa hết buồn và thương”. “Đêm giao thừa lòng con nhớ mẹ/ Trời đã khuya gió nhẹ từng cơn...”.
Hay những dòng cảm xúc nhớ thương gửi người “em” đặc biệt:
“Anh biết rồi sẽ phải xa em
Vì một lẽ giản đơn em nhỉ
Tổ quốc cần anh người chiến sĩ
Giải phóng quân chiến đấu vì dân
Lúc này, Đảng, Tổ quốc đang cần
Thì em ạ! Tình riêng đành đôi ngả...”
(Một đoạn trong trang viết có tên “Xa em” của chiến sĩ Cao Văn Tuất).
Chiến sĩ dành cho người “em” đặc biệt những tình cảm yêu thương, nhớ nhung da diết: “Đôi ta chung hẹn lời thề/Ngày mai thống nhất anh về gặp em…”. “Anh sẽ luôn trau dồi công tác, luyện tập cầm chắc tay súng…”; “Ngày mai hết chuyện chiến tranh/ Bắc Nam thống nhất thì anh trở về”.
Ngoài những trang viết về thơ, ca, về gia đình, nhiều hình vẽ đi kèm những khẩu hiệu, phương châm, lý tưởng sống, tình yêu quê hương đất nước cũng được liệt sĩ Cao Văn Tuất phác họa rất mộc mạc, giản dị, chân thực: “Đảng là mẹ hiền, Tổ quốc trên hết, Thanh niên anh dũng tiến lên” hay “Tổ quốc hòa bình, Gia đình hạnh phúc”...
Lời dạy của Bác Hồ với quân đội cũng được người lính viết lại: “Trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, rồi tự nhắc nhở mình bằng việc viết ra 5 chỉ tiêu đoàn viên tiên tiến (5 tốt) để phấn đấu, rèn luyện.
Chiến trường ác liệt, nhiều lúc cận kề ranh giới sinh tử nhưng người chiến sĩ trẻ Cao Văn Tuất vẫn lạc quan, yêu đời và tự tin hướng tới tương lai hòa bình, thống nhất. Anh sẵn sàng tạm gác lại tình yêu đôi lứa, nguyện “đi gìn giữ bầu trời tự do, giải phóng quê hương”.
Những trang lưu bút ghi lại ý chí, lý tưởng của người chiến sĩ cộng sản Cao Văn Tuất vẫn còn sống mãi với thời gian. Theo ông Peter Mathews và cơ quan chức năng Hà Tĩnh, cuốn sổ sẽ sớm trở về với thân nhân liệt sĩ, phần nào xoa dịu nỗi đau chiến tranh hơn nửa thế kỷ qua.